Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 12:28 (GMT +7)
Ra mắt những tiểu thuyết lịch sử về Thăng Long - Hà Nội
Thứ 5, 07/10/2021 | 08:05:37 [GMT +7] A A
Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt bạn đọc những tiểu thuyết lịch sử về Thăng Long - Hà Nội nhân kỷ niệm 1011 năm Thăng Long - Hà Nội.
Các tác phẩm lịch sử về Thăng Long - Hà Nội được giới thiệu lần này gồm bộ đôi tiểu thuyết lịch sử Người Thăng Long, Khúc khải hoàn dang dở của nhà văn Hà Ân về thời đại nhà Trần và bộ 3 tiểu thuyết lịch sử Quê người - Mười năm - Quê nhà của Tô Hoài về Hà Nội thế kỷ XX.
Hà Ân là nhà văn thể hiện xuất sắc nhất đề tài về nhà Trần và cuộc chiến chống Nguyên Mông oai hùng. Là một người con của Hà Nội, ông đã dành tâm huyết để viết về những vị anh hùng của đất Thăng Long văn hiến. Thành công nhất là bộ đôi tiểu thuyết Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở. Bộ đôi tiểu thuyết này xứng đáng là những tiểu thuyết lịch sử hay nhất về những người con của đất Thăng Long - Hà Nội.
Người Thăng Long được nhà văn Hà Ân viết năm 1980. Tác phẩm là một bản trường ca hào hùng về các vị vương, tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Tiểu thuyết Người Thăng Long tái hiện không khí náo nức sôi động của buổi Hội thề, không khí căng thẳng trang nghiêm của hội nghị Bình Than và trang trọng, hừng hực ý chí chiến đấu của hội nghị Diên Hồng, bên cạnh đó là vẻ đẹp lạ lẫm của lễ cướp dâu, đêm tiệc Mo nang hân hoan phóng túng…
Tiểu thuyết Khúc khải hoàn dang dở ra đời sau 20 năm thai nghén. Tác phẩm là một bản hùng ca mãi mãi âm vang trang sử hào hùng và ghi dấu bóng hình người tình báo chiến lược tài ba Đỗ Vĩ cùng những tướng sĩ kiêu hùng, những người con ưu tú của dân tộc.
Nhà văn Hà Ân đã cho ta hình ảnh về một Thăng Long anh hùng xưa thì bộ tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài: Quê người - Mười năm - Quê nhà là ba mảnh ghép tạo nên một cái nhìn xuyên suốt về Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ XX đến khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.
Đó là vùng Bưởi ngoại ô Hà Nội nghèo trong tiểu thuyết Quê Người trước Cách mạng Tháng Tám. Ngòi bút hiện thực của Tô Hoài đã xây dựng chân thực khung cảnh tiêu điều tàn lụi của làng Hạ. Những người nông dân cần cù chất phác cam chịu sống nhẫn nhục trong nghèo khó. Bao nhiêu ước mơ khát khao được sống hạnh phúc an bình đều như ánh đèn leo lét trong gió. Nhưng giữa cảnh nghèo chồng chất ấy, Tô Hoài vẫn thấy ở họ - những người nông dân ngoại thành Hà Nội nét hóm hỉnh, duyên dáng, những chuyện nên thơ tình tứ. Những nhân vật chỉ có ở Hà Nội, những câu chuyện chỉ có ở Hà Nội.
Sang tới Mười năm, cũng những người nông dân đó được tập hợp dưới phong trào Ái hữu thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Họ đã tìm thấy sự tự tin, thấy con đường để thay đổi vận mệnh của chính mình. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức đã từng nhận xét: “Viết Mười năm, Tô Hoài đã khai thác câu chuyện ở làng Hạ với biết bao biến động, đổi thay. Tô Hoài viết về miền đất quen thuộc, gần gũi của quê hương mà ở đấy ông đã sống những ngày nhiều kỷ niệm”.
Cuốn tiểu thuyết Quê nhà viết sau cùng lại trở ngược dòng thời gian kể về hoạt động của các nghĩa quân chống lại quân Pháp trong hai lần đánh chiếm Hà Nội. Một số sự kiện lịch sử được nhắc đến gắn với danh nhân lịch sử Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Lưu Vĩnh Phúc… nhưng nhân vật chính yếu của tiểu thuyết là các anh hùng vô danh - những người dân thường, những người thợ dệt làng Hạ và các phường xóm trong thành ngoài nội đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược.
Với những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của Hà Ân và Tô Hoài, Nhà xuất bản Kim Đồng tin rằng bạn đọc Thủ đô và cả nước sẽ đón nhận trong tình yêu với Thăng Long - Hà Nội.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()