Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 22:38 (GMT +7)
Rộn ràng triển lãm đón Xuân Nhâm Dần
Thứ 7, 29/01/2022 | 18:09:47 [GMT +7] A A
Những ngày đầu năm 2022, các triển lãm liên tục diễn ra từ bắc vào nam, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Dù Tết nay so với xưa đã có những đổi thay, thì đây vẫn là dịp quan trọng để tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, khích lệ người làm sáng tạo và mang đến cảm hứng tích cực, lạc quan cho năm mới.
Chào mừng Tết cổ truyền Nhâm Dần 2022, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) tổ chức trưng bày chuyên đề "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài hơn 2.000 năm của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, từ thời Đông Sơn cho đến thời phong kiến nhà Nguyễn (thế kỷ XIX-XX). Trưng bày được thể hiện theo niên đại kết hợp loại hình, với hơn 30 hiện vật và hình ảnh quý hiếm. Hình tượng hổ xuất hiện trên nhiều chất liệu như trống đồng, điêu khắc đá và gỗ, gốm, ngọc, tranh giấy, tranh thêu… với đa dạng màu sắc và thủ pháp, từ cung đình đến dân gian, từ biểu tượng tín ngưỡng đến đời sống thường nhật.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở triển lãm “Sắc xuân”, trưng bày 20 bộ tranh tứ bình với các chủ đề: Tứ quý, Tố nữ, Tứ dân, Bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử. Tứ bình là bộ tranh gồm bốn bức, là bốn mùa trong một năm, bốn giai đoạn trong cuộc đời, bốn giai thoại trong một câu chuyện, hoặc bốn vẻ đẹp thiếu nữ… Tranh tứ bình thường có sắc màu rực rỡ, tươi tắn, đi cùng những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm có ý nghĩa chúc phúc và cầu an, do đó xưa nay vẫn được người Việt ưa chuộng trang trí trong nhà dịp năm mới.
Lần đầu tiên tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 5 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy), nhiều hoạt động tương tác sinh động được tổ chức song hành với việc trưng bày hơn 100 tài liệu, hình ảnh độc đáo, hiếm có về ngày Tết cổ truyền. Triển lãm “Tết xưa” được chia thành ba không gian trưng bày: “Phiên chợ ngày xuân” đưa người xem khám phá chợ Tết; “Cung chúc Tân Xuân” giới thiệu các nghi lễ, phong tục, tập quán (như cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp, trang hoàng nhà cửa bằng câu đối đỏ, hoa tươi, tranh Tết, dựng cây nêu, lễ giao thừa - lễ trừ tịch…); “Du xuân” là các tư liệu, hình ảnh người xưa thưởng xuân, chơi xuân từ Tết Nguyên đán cho đến hết tháng Giêng, tháng Hai. Qua tài liệu lưu trữ, khách tham quan vừa hoài niệm những ký ức xưa, vừa háo hức trong không khí nay của ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc.
Trên con phố Tràng Tiền nơi trung tâm Thủ đô, có ít nhất ba không gian triển lãm diễn ra sự kiện mỹ thuật đầu xuân. “Tết Art” giới thiệu tranh của 17 họa sĩ tại Hanoi Studio Gallery; “Vẫn Tết chứ 2022” trưng bày tại The Muse Artspace mang đến người xem bộ tranh tưng bừng sức xuân và niềm vui sống. Tất cả tranh đều sáng tác trong năm 2021, với các chất liệu phong phú từ sơn mài, sơn dầu, phấn màu đến màu nước trên giấy và lụa. Còn tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, triển lãm “Mừng Đảng, mừng Xuân” của Hội Mỹ thuật Việt Nam khai mạc từ ngày 21 đến hết 28/1. Có hơn 100 tác phẩm được tuyển chọn, thể hiện vẻ đẹp mùa xuân và lễ hội trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là về con giáp biểu trưng của năm Nhâm Dần.
Điểm đặc biệt năm nay là có nhiều triển lãm diễn ra sôi nổi trên không gian số. Trên trang Facebook của nhóm Giấy Dó, nhóm họa sĩ G39, trưng bày trực tuyến chủ đề vui xuân, đón Tết, “tiễn Sửu đón Dần” với nhiều tác phẩm chất lượng từ các tên tuổi họa sĩ đương đại Việt Nam. Nghệ thuật cũng kết hợp với công nghệ trong một triển lãm mới lạ tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, nơi khách tham quan có dịp chiêm ngưỡng nhiều di sản nghìn năm của đất kinh kỳ và 18 dự án đoạt giải cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội năm 2021” qua thiết bị mô phỏng thực tế ảo.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều triển lãm mỹ thuật ấn tượng cũng cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt, an toàn với trạng thái “bình thường mới”. Theo đuổi mỹ thuật bằng con đường tự học, tuy chưa từng trải qua trường lớp đào tạo chính quy, Phương Quốc Trí hiện nay là một họa sĩ trẻ thành công và tạo được dấu ấn cá nhân trong làng hội họa, Triển lãm “Nhật thực” của anh diễn ra tại Hakio Let’s Art (38 Trần Cao Vân, quận 3). Nữ họa sĩ Hiền Nguyễn (Nguyễn Thị Thu Hiền) sau hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật sơn mài cũng vừa giới thiệu triển lãm “Mở” tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, quận 1), với đề tài thú vị là khám phá vũ trụ.
Triển lãm “Giấc mơ” của họa sĩ người Pháp gốc Việt Vincent Monluc thì thể hiện tình yêu sâu đậm với quê hương Việt Nam. Gần 100 tác phẩm màu nước, sơn dầu được trưng bày tại Ngõ Art Gallery (21 Võ Trường Toản, TP Thủ Đức) đến hết ngày 20/1, ghi lại nhiều phong cảnh, đời sống thường nhật, chân dung người lao động trên đường phố, bản làng, sông nước… trong suốt 5 năm tác giả rong ruổi khắp Việt Nam để sáng tác. Theo đánh giá của các họa sĩ chuyên nghiệp, tranh của Vincent Monluc có cách thể hiện mới mẻ, giao thoa giữa phương Tây và phương Đông, giàu tính nhân văn. Cũng lấy cảm hứng từ thiên nhiên đất nước từ đồng bằng đến núi cao, nhưng “Là tĩnh lặng” của họa sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Liêm lại mang đến trải nghiệm thị giác tối giản mà vẫn ấn tượng với cách nhấn nhá sắc màu độc đáo. Triển lãm diễn ra đến 25/1 tại Artcific House (162 Bùi Thị Xuân, quận 1). Ngoài ra, không gian nghệ thuật đương đại The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, quận 2) cũng hé lộ một số sự kiện sắp diễn ra, gồm các triển lãm của Tuyền Nguyễn, Lê Giang, Lê Thừa Tiến…
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()