Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:45 (GMT +7)
“Rong biển góp phần làm sạch nước và giúp nuôi trồng thuỷ sản bền vững”
Chủ nhật, 02/07/2023 | 07:25:07 [GMT +7] A A
Tháng 5, tháng 6 là thời điểm nhiều loại rong biển vốn rất phong phú ở các vùng biển Quảng Ninh vào mùa. Theo chân các chuyên gia của Viện Tài nguyên - Môi trường Biển (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) lặn nghiên cứu về các sinh vật dưới đáy biển dịp đầu tháng 6 vừa qua, phóng viên đã có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với PGS.TS Đàm Đức Tiến, chuyên gia của đơn vị với kinh nghiệm nghiên cứu chuyên về rong biển 40 năm nay.
- Thưa ông, các thảm rong cỏ biển có ý nghĩa như thế nào đối với hệ sinh thái biển nói riêng và môi sinh nói chung?
+ Chúng ta đều biết vai trò rất quan trọng của rong biển. Vai trò nghiên cứu, khai thác các hoạt chất làm thuốc, khai thác trực tiếp làm thực phẩm, thì ai cũng nhìn thấy. Còn vai trò gián tiếp của rong biển cũng rất nhiều, có những loài khi xuất hiện là sinh vật tiên phong trong sự xuất hiện của rạn san hô, rồi giá trị về bảo vệ nền đáy, làm chỗ để các loài thuỷ sản khác đến mùa vào đẻ trứng, như là mực, bạch tuộc, cá, tôm… và con non sẽ ở trong đó đến khi đủ lớn để ra ngoài.
Bên cạnh đó, rong biển còn có vai trò cực lớn trong việc hấp thụ chất ô nhiễm như kim loại nặng, ô nhiễm độc tố, ô nhiễm hợp chất hữu cơ trong môi trường nước biển. Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã có những đề tài, dự án nghiên cứu về vai trò của rong biển trong quá trình hấp thụ dinh dưỡng hữu cơ dư thừa ở vùng nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) tập trung, có kết quả tương đối tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Quảng Ninh là vùng biển rất rộng lớn, có nhiều cung đảo kín có thể tạo thành vùng nước NTTS, vì vậy những năm vừa qua, người ta nuôi trồng rất nhiều loài như cá, các loài nhuyễn thể như hàu, hà, tu hài, ngao… nhưng vấp phải hậu quả tương đối lớn là môi trường bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, do con người thải xuống, do hoạt chất, bệnh tật từ nơi khác mang đến. Tôi nghĩ, muốn NTTS hiệu quả thì trước tiên chúng ta phải đảm bảo môi trường sạch để phòng tránh dịch bệnh là chủ yếu, bởi khi các đối tượng NTTS bị bệnh do ô nhiễm thì gần như không có thuốc đặc trị hoặc rất khó khăn để chữa. Việc đó sử dụng rong biển là một giải pháp rất hữu ích.
- Qua khảo sát thì thảm rong cỏ biển ở vùng biển Quảng Ninh được các chuyên gia đánh giá như thế nào?
+ Ở Quảng Ninh, chúng tôi nghiên cứu về rong biển tại tất cả các vùng biển trên địa bàn tỉnh từ rất lâu, đặc biệt là từ sau năm 1994. Về thành phần loài như chúng tôi biết có khoảng 200 loài, so với những năm trước kia có sự thay đổi rất nhiều, thậm chí nhiều vùng gần như không còn rong biển nữa.
Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên vì vùng ven bờ ở Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long chẳng hạn thì vùng biển bên ngoài không còn rong biển nhưng trong các áng nước mặn/ngọt thì lại có rất nhiều loại rong biển. Đây cũng là những địa điểm mà theo chúng tôi nên nghiên cứu kỹ hơn và có phương pháp để bảo tồn giống.
Còn lui ra một số đảo như đảo Trần (Cô Tô), phía Đông của đảo Thượng Mai, Hạ Mai (Vân Đồn), đảo Vĩnh Thực (Móng Cái), Cái Chiên (Hải Hà), thì vẫn còn thành phần loài với trữ lượng rong mơ tương đối lớn, theo tôi nghĩ thì cần được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, nhiều loại rong gần như chưa được nghiên cứu về hoạt chất, theo tôi cũng nên quan tâm nghiên cứu vì không ít loài có tác dụng chữa bệnh, phòng chống ung thư rất tốt, đặc biệt với những loài có khả năng sinh sản hữu tính thì chúng ta có thể nghiên cứu để tạo giống phát triển với quy mô rất lớn được.
Ngoài ra, những nhóm rong khác có thể bám trên nền đáy mềm như trên lưới, sợi dây thừng treo lơ lửng trong nước thì phát triển tương đối tốt như rong câu nước mặn, rong sụn đang nuôi trồng mà hiện nay tôi biết rằng việc nghiên cứu trồng rong sụn cũng đã phôi thai và trồng khoảng 20 năm nay ở ven bờ của Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long nhưng kết quả chưa tốt.
Vì vậy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa phát triển nguồn lợi này, đặc biệt là ở vùng Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Khi trồng thì trồng xen kẽ với những vùng nuôi hàu, hà, cá giúp các vùng nuôi trong sạch hơn, gia tăng hiệu quả phòng bệnh cho đối tượng nuôi thay vì phải tìm cách chữa bệnh vốn nan giải hơn rất nhiều như tôi đã nói ở trên.
Đặc biệt là ở vùng biển Cô Tô, sinh lượng rất lớn tập trung vào nhóm rong nâu (nhất là rong mơ), rong lục (chi rong cải biển) cũng tương đối nhiều. Về trữ lượng thì có nhiều biến động trong những năm gần đây, ví dụ như năm 1994 khi chúng tôi khảo sát thì có những thảm rong mơ dày đặc như cánh rừng và cao tới 4m, đến bây giờ thì gần như không còn. Gần đây trữ lượng cũng thất thường, có những năm không có, ngược lại có năm sản lượng lại rất lớn, không ai khai thác, dạt hết vào ven bờ gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến các hoạt động khác, nhất là du lịch.
Sự giảm sút nguồn lợi rong biển trong những năm vừa qua có thể do ô nhiễm môi trường, cũng có thể do trong nhiều năm, người dân bắt nhiều loại cá lớn, nhất là cá song, cá mú bằng thuốc độc, làm giảm lượng địch hại của cá dìa, từ đó cá dìa sinh sôi phát triển nhiều, đi thành từng đàn và đi tới đâu là ăn hết tới đó các loài rong khi còn là hợp tử, cây con gây ra hiện tượng giảm sút nguồn giống.
Đặc biệt, vùng biển Quảng Ninh đến nay đã phát hiện được loài rong măng leo biển (trước kia mới phát hiện được một loài nhưng hiện tại có thể có hai loài) có thể được coi là “cứu cánh” cho đại dương cả thế giới. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, khi trộn thêm 1% sinh khối khô của loài này vào thức ăn gia súc, có thể làm giảm tới 80% khí CH4 hình thành trong dạ dày của chúng. Đây là loại khí có tác động mạnh nhất đến hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.
- Vậy ông có khuyến cáo gì để có thể bảo vệ các loài rong biển ở Quảng Ninh?
+ Với vùng biển Quảng Ninh, theo tôi nghĩ là nên nuôi trồng các loài rong bám trên nền đáy mềm hoặc là không cần giá thể mà có thể nuôi trồng trong môi trường nước bằng giàn, lồng chẳng hạn, như loài rong sụn đã được di nhập từ Philippines về trồng rất thành công ở miền Trung nước ta. Bên cạnh đó là các loài rong câu nước mặn (rong câu cước ở miền Trung mà chúng tôi đã mang ra Bắc trồng thành công; hay như loài rong câu Hải Nam) trồng giàn nổi như một số loài khác, nhằm tận dụng, khai thác triệt để mặt nước, đảm bảo cho sinh cư của người dân và đặc biệt là làm sạch môi trường.
Đặc biệt, gần đây loài rong nho cũng rất được quan tâm, phát triển ở miền Trung. Đây là chi có nhiều loài phân bố rất rộng về nhiệt độ và độ muối. Ở vùng biển Quảng Ninh, các điều kiện dòng chảy, dinh dưỡng, ánh sáng, nhiệt độ, độ muối rất phù hợp cho nuôi trồng loài này. Trồng rong nho vừa góp phần làm sạch môi trường, vừa là nguồn lợi vì rong nho có giá trị thương mại khá cao, hiện được khai thác, chế biến bán trong các siêu thị khá nhiều.
Riêng ở Cô Tô, theo tôi hiện nay tác động của tự nhiên đến nguồn lợi rong mơ không lớn và không rõ ràng, vì đảo tương đối xa bờ, không phát triển công nghiệp. Còn về yếu tố con người, theo tôi nghĩ để phát triển được thì ta phải bảo vệ nguồn lợi thông qua tuyên truyền, có biện pháp cụ thể để người dân không khai thác hoặc có thể khai thác nhưng vào thời điểm nhất định và có phương pháp phù hợp: Không khai thác hết nguồn lợi một lúc mà khai thác theo tỷ lệ nhất định, để lại lượng rong phát tán giống cho mùa sau.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()