Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:46 (GMT +7)
Rộng cửa cho hàng Việt vào Trung Đông
Thứ 4, 30/10/2024 | 16:01:02 [GMT +7] A A
Ngày 29-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rời UAE tới Saudi Arabia trong chuyến công du tới ba nước Trung Đông.
Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), thị trường Trung Đông rộng mở hơn với hàng Việt nhờ giảm thuế và các cam kết hợp tác sâu rộng.
Với việc ký kết CEPA và giảm thuế tới 99% theo lộ trình, nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang UAE nói riêng và Trung Đông nói chung sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Trong đó các sản phẩm có lợi thế như nông nghiệp, đặc biệt là nông sản chất lượng cao, sản phẩm sạch và hữu cơ có chứng chỉ Halal, hàng dệt may, da giày, điện tử, thủy sản, đồ gỗ...
Lợi thế từ giảm thuế
Tại một siêu thị lớn ở thủ đô Riyadh, nhiều sản phẩm nông sản từ các nước được bày bán tràn ngập trên kệ. Một người dân Saudi Arabia chọn mua chanh tươi của Việt Nam. Người này cho biết quả chanh tươi của Việt Nam có kích cỡ không quá to, nhiều nước nên rất thích mua. Tuy vậy, so với thị trường các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia..., sự xuất hiện của trái cây Việt Nam ở Trung Đông còn khá khiêm tốn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay kim ngạch xuất khẩu trái cây vào Saudi Arabia hay UAE và các nước Trung Đông còn khiêm tốn nhưng đang tăng trưởng tích cực. Các nước này chuộng trái cây có múi, nhiều nước để giải nhiệt như cam, chanh hay dừa tươi...
Điều thuận lợi là họ đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật không cao như Mỹ và EU. Trong khi Mỹ và EU đòi hỏi tiêu chuẩn GlobalGap, thì với Trung Đông, chỉ cần có giấy kiểm dịch thực vật và đạt tiêu chuẩn Vietgap. Cùng đó, các điều kiện thông quan và giấy tờ thủ tục thuận lợi hơn rất nhiều.
Kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang UAE năm 2023 là gần 60 triệu USD, tăng 30% trong năm nay (chín tháng đầu năm đạt 51 triệu USD), còn với Saudi Arabia đạt 10,9 triệu USD.
Được xem là thị trường ngách có nhiều tiềm năng song còn không ít thách thức. Thực tế một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Đông lo ngại khi việc thanh toán không đảm bảo, việc vận chuyển qua biển Đỏ có thể rủi ro. Trái cây Việt cũng phải cạnh tranh với hàng từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...
Yêu cầu nâng cao năng lực
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), các mặt hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam bao gồm nông sản (như gạo, hạt tiêu, cà phê), thực phẩm chế biến và thủy sản được tiêu thụ mạnh tại Saudi Arabia.
Nhu cầu lớn về nông sản và thực phẩm, thủy sản và thực phẩm Halal của nước này là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Đây cũng là thị trường có nhu cầu đa dạng về nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp và vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, với lợi thế là một trong những trung tâm thương mại lớn ở Trung Đông, UAE cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kênh xuất khẩu và thúc đẩy các mặt hàng chủ lực như nông sản, thực phẩm Halal, thủy sản và hàng tiêu dùng.
Mặc dù CEPA sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, song lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý thị trường các nước Trung Đông có mức độ cạnh tranh cao nên doanh nghiệp Việt phải nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và chứng nhận Halal để chiếm lĩnh thị trường.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()