Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:06 (GMT +7)
Rút ngắn hành trình xây dựng thương hiệu nông sản
Thứ 3, 05/06/2012 | 04:55:42 [GMT +7] A A
Cho đến thời điểm này, duy nhất trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 thương hiệu nông sản tập thể được xác lập cho sản phẩm hoa Hoành Bồ. Đây được coi là sản phẩm nông sản tiên phong để các thương hiệu nông sản khác trên địa bàn phát triển. Tuy nhiên, nếu nhìn lại hành trình của việc xây dựng thương hiệu hoa Hoành Bồ sẽ là một chặng đường khá dài và nếu như theo đúng lộ trình phát triển của thương hiệu này thì không biết phải mất bao lâu nữa những thương hiệu khác của địa phương mới được xác lập.
Nghề trồng hoa bén duyên trên đất Hoành Bồ đã khá lâu, nhưng phải từ năm 2005 trở đi, khi một số giống hoa cao cấp như ly, cúc... được đưa vào trồng thí điểm và phát triển đại trà thì mới ngày càng có nhiều người biết đến hoa Hoành Bồ. Để giúp cho người trồng hoa có thể yên tâm trụ vững với nghề, việc xác lập thương hiệu hoa Hoành Bồ đã được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, không tính quá trình phát triển của nghề trồng hoa ở Hoành Bồ mà chỉ tính thời gian hoàn thành đầy đủ các yêu cầu cho việc xác lập thương hiệu hoa Hoành Bồ như: Quy hoạch vùng trồng hoa, quản lý kỹ thuật, phân phối giống hoa... thì địa phương cũng đã mất khoảng gần 2 năm. Đến ngày 31-8-2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho hoa Hoành Bồ. Nhãn hiệu này được giao cho các xã viên Hợp tác xã (HTX) rau, hoa Đồng Chè sở hữu để dán tem, nhãn mác lên các sản phẩm hoa do chính các xã viên trồng. Khi các sản phẩm được dán tem, nhãn mang tên “Hoa Hoành Bồ” cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm “Hoa Hoành Bồ” được nhà nước bảo hộ nếu có vi phạm, tranh chấp, làm giả, làm nhái.
Với chiến lược phát triển kinh tế mới theo quan điểm khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế sẵn có; đặc biệt là chủ trương lấy năm 2012 là năm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tỉnh đã quyết định dành 32 tỷ đồng để phát triển thương hiệu 14 loại nông sản như: Chả mực Hạ Long; sá sùng Vân Đồn; tu hài Vân Đồn; mật ong Tiên Yên; mực ống Cô Tô; na dai Đông Triều; vải chín sớm Phương Nam (Uông Bí); chè Đường Hoa (Hải Hà); gạo nếp cái hoa vàng (Đông Triều); gà Tiên Yên; rau an toàn Quảng Yên; rượu mơ Yên Tử, miến dong Bình Liêu; mía tím Hải Hà... Thực tế, đây đều là các loại nông sản rất nổi tiếng của địa phương và đã được thị trường ưa thích. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó với giá cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Cũng vì lý do đó, nếu như các loại nông sản này không nhanh chóng xác lập được thương hiệu thì rất dễ bị các sản phẩm kém chất lượng khác “mượn danh” trong khâu tiêu thụ, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của sản phẩm thật. Ông Bùi Quang Minh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Quảng Ninh có thuận lợi là nhận được sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của lãnh đạo Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ trong việc sẵn sàng rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của Quảng Ninh trong năm 2012, nếu chúng ta nộp hồ sơ hợp lệ. Thêm vào đó, một thuận lợi nữa là sự quan tâm chỉ đạo sát sao và ủng hộ về nguồn lực từ lãnh đạo tỉnh”.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho 14 nông sản của tỉnh trong năm 2012 là bước mở đầu cho “Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”. Bởi lẽ, tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, tối thiểu phải xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 20-25 nông sản của tỉnh và 25-30 hợp tác xã, làng nghề truyền thống. Thêm nữa, việc xây dựng và phát triển thành công thương hiệu cho 14 nông sản của tỉnh trong năm 2012 còn góp phần không nhỏ vào việc thực hiện xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.
Qua đây có thể thấy, việc rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận thương hiệu cho các sản phẩm nông sản địa phương đã được sự đồng thuận rất lớn từ phía Bộ KH&CN cũng như của tỉnh. Việc còn lại là triển khai quá trình này như thế nào cho phù hợp với thực tiễn tại các địa phương. Điều này rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía địa phương và của các ngành liên quan như Sở KH&CN.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()