Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 18:21 (GMT +7)
Sách đọc ngày Tết: Mắt nhìn thế giới, ôn kỷ niệm Sài Gòn
Thứ 5, 27/01/2022 | 23:25:16 [GMT +7] A A
Năm nay, nhà báo Phạm Công Luận vẫn giữ lệ ra sách vào những ngày cận Tết.
Trong lúc săn sóc bản thảo cho tập sách Với ngày như lá tháng như mây, tác giả cũng tự nhận mình như gặp lại những người, những chuyện, những khung trời ký ức từ đâu đó mà nếu không viết ra thì hẳn tất cả đã mất hút vào quên lãng.
Rất may là người viết đã không để những ký ức của mình chìm khuất. Tác giả như hồ hởi cầm tay bạn đọc dắt về với Sài Gòn lúc còn những dì, những mẹ, những cô chú láng giềng và tụi con nít trong xóm tràn đầy kỷ niệm.
Theo bước chân hồi tưởng của tác giả, bạn đọc bất ngờ bỗng thấy mình như lọt thỏm vào khu hẻm nhỏ hồi thập niên 1970 để nghe mọi người đang bàn tán chuyện phim: bộ phim Mùa thu lá bay đang được chiếu trên màn ảnh đại vĩ tuyến, đồng thời bản nhạc cùng tên có lời Việt cũng đang được công chúng say mê. Nhưng lạ nhất là bắt gặp một nhân vật: "Ngày nào cả xóm cũng thấy cô vừa ngồi thêu trước nhà vừa hát đi hát lại ca khúc Mùa thu lá bay. Riết rồi người trong xóm gọi đùa cô ấy là cô Sáu Hàn Ni".
Và không chỉ có thế, tâm sự của một cây bút xem Sài Gòn là "bản quán" còn có ký ức về chợ ga Phú Nhuận, đường Lò Đúc, Xóm Gà, chuyện sách cũ Sài Gòn qua những thời tao loạn, rồi cầu sắt Đa Kao, tỉnh lỵ Gia Định... chính là món quà nhâm nhi để ngày Tết thêm phần thú vị.
Đôi mắt nhìn thế giới của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình là tâm sự chân thành của một họa sĩ nổi tiếng, xuất thân từ gia thế công thần nhưng đã tự quăng đời mình vào gió bụi để bất ngờ nhận ra lẽ đạo.
Tự nhận mình không không chuyên viết lách nhưng những bài viết của Nguyễn Thanh Bình có duyên, và trong nhiều trường hợp, ông như dùng một ít câu chữ để tải đạo. Cái đạo lý tưởng bình thường nhưng sau khi đi qua lắm nỗi đoạn trường, thậm chí cả khí vận đế vương và buông lung sa đọa, cùng những lần va phải sinh tử khủng khiếp... ông mới lờ mờ nhận ra.
Cuốn sách dường như không mục đích, nhưng đọc đến trang cuối cùng bỗng rùng mình khi nhớ lại đoạn văn tác giả viết về hai đoàn tàu trên sân ga Hàng Cỏ cách nay đúng 50 năm: "Tháng mười hai năm 1972, trên sân ga Hàng Cỏ đổ nát, tan hoang sau những trận bom B.52, có hai đoàn tàu đi ngược chiều nhau: một đoàn chạy lên phía Bắc, chở đầy học sinh, sinh viên đi du học; một đoàn chạy về phía Nam, chở một tiểu đoàn tân binh ra mặt trận".
Đời người vẫn được nhìn trong sự phân đôi như vậy. Có mặt trên một trong hai đoàn tàu ấy, rốt cuộc tác giả đã đi hành trình của mình để đến gần với đạo. Tập sách vì vậy mà rất đáng đọc, không phải để nhìn thế giới như cái nhan đề mà để quay lại nhìn chính mình sau khi thấy những gì mà tác giả đã thấy.
Món ngon Sài Gòn từ nhà ra phố là một tập sách hấp dẫn khác gồm tranh và ký họa của Phạm Ngọc Khánh, một họa sĩ người Sài Gòn thứ thiệt, với các cụm nội dung: Bữa cơm gia đình, Ăn Tết trong nhà, Sài Gòn đâu cũng có món ngon, Ăn vặt vỉa hè, Các loại bánh cho bữa điểm tâm và bữa xế. Những bức tranh như cẩm nang giới thiệu món ngon Sài Gòn kèm chú thích/kỷ niệm cá nhân: bún măng vịt, bún thịt nướng, cơm tấm, bánh mì bò kho, cá viên chiên, mì gõ, bột chiên, bắp nướng mỡ hành... Biết đâu khi gấp sách lại, bạn đọc sẽ tự mình lên một thực đơn ngày Tết bằng cách... bước ra đường tìm hàng quán vỉa hè.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()