Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:21 (GMT +7)
Sách giáo khoa 'cõng' chi phí chiết khấu 35%
Thứ 2, 07/08/2023 | 08:37:17 [GMT +7] A A
Sau khi thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa (SGK), kết quả kiểm tra của Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội (gọi tắt Đoàn giám sát) chỉ ra nhiều bất cập như giá sách quá cao, tiền chiết khấu lớn, nội dung nhiều sạn… và nêu vấn đề cấp thiết Bộ GD&ĐT tiếp tục biên soạn thêm một bộ sách. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT nói điều này không cần thiết.
Xóa bỏ “lợi ích nhóm”
Dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra, sau 2 lần đấu thầu, Bộ GD&ĐT không biên soạn được bộ SGK của Nhà nước, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, tác động lớn tới xã hội.
Thứ nhất, ảnh hưởng lớn tới trách nhiệm quản lý nội dung giáo dục phổ thông cũng như cập nhật, chỉnh sửa, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý các rủi ro trong trường hợp không có SGK hoặc sách không bảo đảm chất lượng, yêu cầu. Ví dụ, trường hợp không có SGK cho một môn học cụ thể do không có nhà xuất bản (NXB) nào thực hiện biên soạn hoặc sách do các NXB biên soạn không đạt yêu cầu về chất lượng, không được phê duyệt. Thực tế đã xảy ra đối với môn học tiếng dân tộc thiểu số. Sau khi không xã hội hóa được khâu biên soạn SGK tiếng dân tộc, Bộ GD&ĐT mới tiến hành biên soạn, gây chậm trễ trong triển khai môn học này.
Thứ hai, từ việc giao hết cho xã hội hóa, dẫn tới trước lễ khai giảng các năm học 2020-2021, 2022-2023, 2023-2024 thường thiếu SGK do các NXB chờ địa phương đăng ký mua sách xong mới xác định số lượng sách in, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Việc phát hành hầu như thực hiện thông qua các nhà trường, dẫn đến phụ huynh, học sinh gặp khó khăn trong việc mua sách tại các hiệu sách…
Thứ ba, SGK xã hội hoá dù được Bộ GD&ĐT phê duyệt nhưng khi đưa vào sử dụng phát hiện rất nhiều sai sót, chậm được sửa chữa, thậm chí sau khi sửa chữa vẫn còn sai sót.
Thứ tư, không có bộ SGK của Nhà nước gây khó khăn trong quản lý giá SGK. Có nghịch lý là, mặc dù có nhiều NXB tham gia biên soạn SGK, có nhiều bộ sách nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng cao, gấp 2- 4 lần so với sách của chương trình cũ. Chi phí chiết khấu SGK cao, chưa hợp lý. Cụ thể, mức chiết khấu cho các đơn vị đầu mối NXB phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 đối với SGK là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, đối với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Mặc dù, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Giá, quy định SGK là hàng hóa do Nhà nước định giá, giao Bộ GD&ĐT định giá tối đa sách. Tuy nhiên, điều này không giúp hạ giá SGK do các NXB trình bày chi phí đầu vào tăng lên.
Đặc biệt, khi sách xã hội hóa có giá bán cao, Nhà nước tính toán phương án mua sách và cung cấp cho các thư viện trường học để cho học sinh mượn, thì số tiền bỏ ra mua sách đưa vào thư viện trường học lần đầu tiên sẽ khoảng 3.500 tỷ đồng, hằng năm bổ sung khoảng 20%. Đây là một số tiền lớn so với chi phí để xây dựng một bộ SGK của nhà nước có chất lượng (soạn 1 bộ sách theo nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới hết 16 triệu USD tương đương gần 400 tỷ đồng).
Đoàn giám sát cho rằng, khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhưng cần giữ được vai trò chủ đạo của Nhà nước trong xây dựng nội dung SGK. Tuy nhiên, đây là vấn đề có tác động lớn tới xã hội, khi có tới 381 đầu SGK mới (của tất cả các NXB) do đó, đề xuất cơ chế biên soạn thêm một bộ SGK và miễn tiền bản quyền đối với bộ sách do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả. “Đây là biện pháp đảm bảo tối đa chất lượng nội dung SGK, giảm giá thành sách, xoá bỏ “lợi ích nhóm” và lũng đoạn thị trường trong phát hành sách”, dự thảo báo cáo Đoàn giám sát nêu.
Bộ GD&ĐT “ngại” làm thêm bộ sách?
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị nên cân nhắc hoặc bỏ yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK.
Bởi sau 4 năm thực hiện xã hội hóa, cả nước có 6 NXB và 3 tổ chức biên soạn sách. Việc Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ sách sẽ làm hạn chế xã hội hoá, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng. Riêng đề xuất chi 3.500 tỷ mua sách hỗ trợ học sinh khó khăn, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất chính sách giảm giá, hỗ trợ không thu tiền SGK đối với học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Về đánh giá tác động mức chiết khấu phát hành SGK, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, theo bảng kê khai giá năm 2020 của NXB Giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành SGK: 23% cho SGK lớp 1, 2, 6; 22,5% cho SGK lớp 7, 10; 21% cho SGK lớp 4, 8, 11 có tác động đáng kể đến giá SGK.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của SGK theo quy định để tăng cường quản lý Nhà nước đối với giá sách. Đây là giải pháp quản lý giá SGK, giảm mức chiết khấu phát hành sách.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nói rằng, nếu xã hội hóa đã có các bộ sách đảm bảo dạy học thì không cần thiết để biên soạn thêm một bộ sách. Có thể, từ các bộ sách xã hội hóa, Bộ GD&ĐT chọn lựa biên soạn một bộ sách đưa lên mạng để giáo viên, học sinh các trường tham khảo, dạy học.
Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây nêu:“Người dân băn khoăn, bức xúc về hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành SGK và giá sách quá cao, ảnh hưởng đến nhiều gia đình khó khăn”.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()