Tất cả chuyên mục

Đất đai vốn là vấn đề nhạy cảm ở các địa phương lâu nay vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên những sai phạm từ quy hoạch đến quản lý sử dụng ở hầu hết các địa phương liên tục tiếp diễn. Cứ sau mỗi lần kiểm tra phát hiện sai phạm khắc phục xong thì lại nảy sinh những sai phạm mới, đi cùng với đó là tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai phức tạp, kéo dài, khó giải quyết.
![]() |
Khu đô thị mới Cột 5 - Cột 8 tạo điểm nhấn trong quy hoạch đô thị ở TP Hạ Long. |
Những sai phạm chủ yếu
Qua các đợt thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng thấy rằng sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý sử dụng đất ở nhiều địa phương bắt đầu ngay từ công tác lập quy hoạch. Số liệu đo đạc khảo sát khi lập quy hoạch tính chính xác chưa cao, vì vậy diện tích tự nhiên của các địa phương thường tăng, giảm sau mỗi lần kiểm kê đất đai. Theo Khoản 2, 3, Điều 21 Luật Đất đai thì “Quy hoạch được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, xét duyệt; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên phải thể hiện nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới”. Tuy nhiên, do việc lập quy hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa tuân thủ theo các hướng dẫn này nên quy hoạch chi tiết sử dụng đất của cấp xã, thị trấn do địa phương phê duyệt còn một số nội dung không thống nhất với quy hoạch sử dụng đất tổng thể của cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mặc dù các địa phương đều đã có quy hoạch, nhưng việc quản lý quy hoạch trong giao và cho thuê đất vẫn không căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt. Như ở TP Hạ Long, một số dự án khu dân cư đô thị được tỉnh phê duyệt nằm trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010 là đất rừng phòng hộ, nhưng không được lập bản đồ điều chỉnh quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Hay trên địa bàn TP Móng Cái có một số dự án hạ tầng khu đô thị nằm vào quy hoạch dải cây xanh vành đai biên giới.
Vi phạm phổ biến nhất trong công tác quản lý sử dụng đất đó là cho thuê đất vượt thẩm quyền, sai quy định. Có địa phương giao đất sai thẩm quyền đã nhiều năm nhưng vẫn không xem xét thu hồi hoặc không làm thủ tục thuê đất và thu tiền sử dụng đất theo quy định. Đặc biệt việc quản lý sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp còn nhiều sai phạm và mang tính phổ biến như: Sử dụng đất kém hiệu quả, sai mục đích được duyệt, lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, sai quy hoạch, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo cách tự thoả thuận với dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp... Qua kết quả kiểm tra ngẫu nhiên của các cơ quan chức năng tại một số tổ chức thuê đất ở các địa phương Đông Triều, Móng Cái, Hạ Long thấy nhiều đơn vị lấn chiếm ngoài ranh giới quỹ đất được thuê với diện tích khá lớn, chủ yếu các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ, vật liệu xây dựng, doanh nghiệp lấn chiếm đất công cộng dọc tuyến biên giới Việt - Trung để xây dựng kho, bãi, bến phục vụ hoạt động biên mậu; xây dựng công trình sai quy hoạch được duyệt; sử dụng đất kém hiệu quả, sai mục đích được thuê hoặc không trực tiếp kinh doanh mà cho thuê lại để kiếm lời, nhiều dự án được giao đất nhưng chậm triển khai thực hiện.
Đâu là nguyên nhân?
Vi phạm phổ biến nhất trong công tác quản lý sử dụng đất đó là cho thuê đất vượt thẩm quyền, sai quy định. |
Sai phạm nhiều nhưng tựu trung lại thì những nguyên nhân chính vẫn là công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số xã, phường đã không bám sát vào nguyên tắc lập quy hoạch theo quy định của Luật Đất đai mà chỉ dựa vào hiện trạng sử dụng đất nên đã có những nội dung quy hoạch chưa thống nhất với quy hoạch chung. Công tác thẩm định để trình duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các phòng ban cấp huyện còn hạn chế nên chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao. Trong công tác quản lý, sử dụng đất, do tham mưu của các phòng ban chức năng, nhất là phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện chưa tuân thủ các quy định về quản lý đất đai trong công tác tham mưu giao đất cho tổ chức vượt thẩm quyền quy định, không tuân thủ trình tự thủ tục trong cấp đất, thu tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành, chưa phối hợp tốt với các phòng ban chức năng và UBND các phường, xã, thị trấn trong việc tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai trên địa bàn, để các đơn vị thuê đất lấn chiếm xây dựng không đúng quy hoạch vượt ranh giới quỹ đất được giao, có những việc các cơ quan chức năng và UBND các xã biết nhưng không lập biên bản, thiếu kiên quyết, né tránh, nên các vi phạm về đất đai chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Để không lặp lại những sai phạm cũ
Hình thức sai phạm, nguyên nhân đều đã rõ từ đây cho thấy cần có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm và coi đây là kinh nghiệm, bài học để ngay chính địa phương đó, cũng như các địa phương khác không lặp lại những sai phạm như thế. Theo đề xuất của các cơ quan chức năng sau khi tiến hành các đợt thanh, kiểm tra tình hình quy hoạch, quản lý sử dụng đất ở các địa phương thì đối với các trường hợp sử dụng vượt diện tích được thuê, lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép phải được xử lý thật nghiêm túc và thu hồi các diện tích đất do các tổ chức lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu. Trường hợp đã đầu tư xây dựng công trình ngoài ranh giới đất được thuê, nhưng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương thì phải hoàn thiện ngay các thủ tục về đất đai và phải truy thu tiền sử dụng đất kể từ ngày sử dụng diện tích trên. Với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, sai với quy hoạch được duyệt phải xem xét đề xuất xử lý đảm bảo theo quy hoạch. Đặc biệt với các trường hợp được thuê đất nhưng không sử dụng, hoặc chỉ sử dụng một phần, bỏ hoang hoá chậm đầu tư, sử dụng đất lãng phí cần xem xét để kiến nghị thu hồi toàn bộ hoặc một phần diện tích đất được thuê để giao cho các tổ chức khác có nhu cầu để đảm bảo việc quản lý sử dụng đất có hiệu quả.
Thời gian qua có tình trạng các dự án được cấp ưu đãi đầu tư theo hình thức miễn tiền thuê đất, nhưng lại sử dụng đất được giao không đúng mục đích, không trực tiếp sản xuất kinh doanh, cho tổ chức khác thuê lại để kinh doanh, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xem xét đề nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định ưu đãi đầu tư và truy thu tiền sử dụng đất trong thời gian sử dụng đất nhưng không đáp ứng đủ điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành. Các cơ quan chuyên môn như Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần tăng cường sự phối kết hợp để thực hiện tốt việc quy hoạch và quản lý sử dụng đất.
Ngọc Lan
Nhà quản lý nói gì? Ông Vũ Văn Đát, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Để nâng cao công tác quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, trước tiên cần nâng cao trình độ của cán bộ đơn vị tư vấn làm công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tích cực tham gia ý kiến trước khi quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được công khai. Mặt khác, công tác quy hoạch cần phải theo hướng phân vùng sử dụng đất theo không gian, đâu là vùng chuyên lúa, vùng rừng đặc dụng cần phải bảo vệ, giữ nguyên, đâu là vùng sẽ sử dụng để phát triển đô thị, phát triển công nghiệp, cần phải cho chuyển đổi. Quy hoạch phân vùng này được chuẩn bị đồng thời với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sau đó mới triển khai quy hoạch xây dựng để cụ thể hoá từng vùng sử dụng đất đã được phê duyệt. Đặc biệt phải đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng. Ông Hoàng Vĩnh Hải, Chủ tịch UBND xã Hà Lâu (Tiên Yên): Do điều kiện của xã miền núi địa hình rộng, phức tạp, trình độ đội ngũ cán bộ tham mưu còn nhiều hạn chế nên công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất còn nhiều tồn tại. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đã hoàn thành việc quy hoạch sử dụng đất theo chương trình xây dựng nông thôn mới nên chắc chắn việc quản lý sẽ thuận lợi hơn và chắc chắn sẽ khắc phục được những điểm còn hạn chế trước đây. Điều khó nhất cho các xã miền núi như Hà Lâu hiện nay đó là đảm bảo hài hoà diện tích đất trồng rừng cho bà con, bởi trước đây khi thực hiện giao đất, giao rừng do phải tuyên truyền, vận động mãi các hộ dân mới xung phong nhận đất nhận rừng nên có hộ được giao vài chục đến hàng trăm ha. Nay bà con nhận thức được lợi ích kinh tế từ trồng rừng đem lại thì diện tích đất rừng có đã giao gần hết rồi. Vì vậy những hộ phát sinh sau này không có đất để trồng rừng gây nên sự thắc mắc, tị nạnh ngay chính bà con với nhau. Để cho các xã miền núi thuận lợi trong công tác quản lý và thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn đề nghị các cơ quan cấp trên nghiên cứu xem xét thu hồi, giao lại đất rừng cho các hộ dân để hộ nào cũng có đất yên tâm đầu tư trồng rừng phát triển sản xuất giảm nghèo. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (Uông Bí): Phường Quang Trung là đơn vị đầu tiên trên địa bàn TP Uông Bí thí điểm thu hồi diện nhỏ lẻ, không hiệu quả xen kẽ khu dân cư. Qua việc triển khai việc thu hồi diện tích nhỏ lẻ, không hiệu quả xen kẽ trong khu vực dân cư, sẽ tạo được nhiều hiệu quả như: Tránh tình trạng lấn chiếm đất đai; thu hồi đất đai nhỏ lẻ trong khu vực dân cư phù hợp với quy hoạch chung đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; thu được ngân sách sau đó tái đầu tư lại các công trình công cộng góp phần chỉnh trang đô thị khang trang cho thành phố. Không những thế, tạo được quỹ đất công, giải quyết đất tái định cư trên địa bàn; tạo thành những quỹ đất sạch, hay huy động doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư... |
Ý kiến (0)