Các thông tin hiện được thu thập "ở tốc độ đáng kinh ngạc", cung cấp cái nhìn về một trong những vụ truy tố gian lận nổi tiếng nhất kể từ sau bê bối tài chính Enron năm 2001. Theo đó, Bankman-Fried thành lập quỹ phòng hộ tiền điện tử Alameda Research vào tháng 11/2017, thuê văn phòng ở Berkeley, California. Alameda về cơ bản là "một cửa hàng ăn chênh lệch giá", bằng cách mua Bitcoin với giá thấp từ một sàn giao dịch và bán nó với giá cao hơn tại một sàn giao dịch khác, chủ yếu ở Hàn Quốc. Cùng với người đồng sáng lập Gary Wang, cả hai đã thu lợi nhuận khổng lồ từ cái gọi là "Hoán đổi kim chi" (Kimchi Swap).
Kimchi Swap đã giúp đưa Bankman-Fried lên bản đồ những người có tầm ảnh hưởng về tiền số. Hiện nay, giá Bitcoin ở các sàn giao dịch tương đương nhau. Nhưng cách đây 5 năm, Bankman-Fried nhận thấy mức giá chênh lệch lớn giữa các sàn, có khi tới 60%. Để hợp thức hóa, ông cùng Wang thành lập Alameda Research.
Năm 2019, để giao dịch thuận lợi hơn, Bankman-Fried, Wang và Nishad Singh thành lập sàn FTX, chuyên "cung cấp cho khách hàng các tính năng giao dịch tiền số sáng tạo, nhanh chóng và trải nghiệm đáng tin cậy".
Theo Ủy ban CFTC, chỉ một tháng sau khi thành lập, Bankman-Fried đã lập tức chuyển tiền khách hàng từ sàn này sang Alameda Research nhưng "không ai biết trừ nhóm nhỏ những người trong cuộc". Luật pháp ở Mỹ không cho phép bất cứ công ty nào dùng tiền của khách hàng gửi lên cho mục đích khác trừ khi được đồng ý. Nhưng thực tế lúc cao điểm, FTX đã chuyển 100 triệu USD mỗi ngày sang Alameda cho "việc riêng" mà không đưa ra bất kỳ thông báo nào. Đại diện CFTC và các luật sư Mỹ khẳng định, động thái này cấu thành hành vi gian lận. Riêng Bankman-Fried cũng đối mặt với cáo buộc hình sự với hành động tương tự, do sử dụng tiền của khách hàng để tài trợ cho các khoản đầu tư mang tính đầu cơ của mình.
Sự trỗi dậy của đế chế Alameda - FTX
FTX sau khi thành lập vào tháng 7/2019 đã nhanh chóng vươn lên thành sàn giao dịch tiền số top đầu. Tháng 11 cùng năm, sàn được Binance đầu tư. Đến 2021, FTX và các công ty thành viên nắm giữ tài sản trị giá khoảng 15 tỷ USD, chiếm 10% khối lượng giao dịch tiền số toàn cầu và xử lý 16 tỷ USD giao dịch mỗi ngày.
Còn theo SEC, gian lận của FTX "kéo dài nhiều năm" nhưng không bị kiểm soát do là công ty thuộc dạng tạo lập thị trường (DMM). Mối quan hệ Alameda - FTX đã "duy trì số dư âm trong tài khoản nhưng không bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu cầu thế chấp nào".
"Không có tài khoản khách hàng nào khác tại FTX được phép duy trì số dư âm. Nếu điều này xảy ra, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và có hành vi gian lận rõ ràng", hồ sơ SEC có đoạn.
Bên cạnh đó, Alameda Research được cho là đã cung cấp cho các "khách hàng thân cận" một đường liên kết nhanh cho phép họ được ưu tiên vượt qua những người dùng khác, cũng như được giảm "vài mili giây" thời gian thực hiện giao dịch trên FTX. Ưu thế này khiến khách hàng thông thường mất lợi thế và bị thiệt hại.
Quỹ phòng hộ tiền số tệ hại
Dù được ưu tiên cùng nguồn tiền được "bơm" từ FTX, Alameda Research vẫn lỗ nặng. Theo hồ sơ tòa án, công ty này lỗ hơn 3,7 tỷ USD trong suốt thời gian tồn tại. Đây cũng là một phần lý do FTX sập khi người dùng rút tiền ồ ạt và không đủ thanh khoản.
Hồ sơ của CFTC mô tả Alameda không chỉ quản lý lỏng lẻo tiền khách hàng, mà còn mạnh tay vay tiền từ nhiều quỹ khác, gồm cả Voyager Digital và BlockFi Lending - hai công ty mới tuyên bố phá sản.
Alameda đã bảo đảm các khoản vay của mình từ Voyager và BlockFi bằng token FTT do FTX tự "đúc". Thay vì dựa trên giá biến động theo thị trường, hợp đồng vay lại căn cứ vào giá FTT khi ký. Do đó, khi FTX bị sập và FTT mất giá mạnh, Alameda không đủ tiền để trả các khoản vay đó.
Alameda cũng đã sử dụng phương pháp này với các đồng tiền khác, gồm Solana và Serum. Mọi việc trở nên tồi tệ khi thảm họa Luna xảy ra, khiến những công ty khác phải thu hồi khoản vay từ Alameda và FTX. Lúc này, việc FTX thiếu thanh khoản mới bị vỡ lở.
Vạch trần
Sam Bankman-Fried từ chức CEO Alameda Research vào tháng 10/2021. Theo CFTC, đây thực ra là bước đi có tính toán nhằm đánh lạc hướng và tạo cảm giác sai lầm về sự tách biệt giữa FTX và quỹ phòng hộ. Còn ở phía sau, Bankman-Fried vẫn gần như điều hành toàn bộ.
Sau thời gian này, ông đã ra lệnh cho Alameda tăng cường sử dụng tài sản của khách hàng, rút tiền với hạn mức tín dụng "không giới hạn" tại FTX. Đến giữa 2022, Alameda thực tế nợ khách hàng của FTX khoảng 8 tỷ USD. Bankman-Fried nói FTX "tự hào về hệ thống tuân thủ và quản lý rủi ro đẳng cấp thế giới", nhưng đằng sau không có gì, theo hồ sơ phá sản của chính công ty.
Ngày 2/11, quân cờ domino đầu tiên đổ xuống. Đó là khi trang CoinDesk công khai chi tiết bảng cân đối kế toán của Alameda, cho thấy quá nửa trong số tài sản 14,6 tỷ USD thực chất là tiền số FTT, Solana hoặc Serum - những thứ biến động giá rất mạnh sau đó.
Đợt bán tháo của người dùng trên sàn FTX bắt đầu, gồm cả hơn hai tỷ USD của CEO Binance Changpeng Zhao (CZ). Dòng tiền ồ ạt trôi khỏi sàn kèm giá FTT trượt dốc, khiến FTX không còn đủ tài sản trả cho người dùng và nhanh chóng sụp đổ.
Đến 8/11, cuộc khủng hoảng thực sự diễn ra, khi khoảng 8 tỷ USD đã nằm trong lệnh rút nhưng chưa được xử lý. Ban đầu, Bankman-Fried tuyên bố mọi thứ an toàn, nhưng sau đó phải tìm kiếm gói giải cứu từ các nhà đầu tư bên ngoài. Hai ngày sau, ông từ chức CEO. FTX sụp đổ. Ngày tiếp theo, sàn tiền số lớn thứ ba thế giới nộp đơn phá sản.
Hơn 8 tỷ USD tiền của khách hàng bị FTX nợ nhưng chưa hẹn ngày trả. Một số người đã khoản tiết kiệm cả đời, tiền học đại học của con cái hoặc khoản bảo hiểm tương lai.
Gần một thập kỷ trước, Bankman-Fried từng viết trên blog của mình rằng: "Một USD có thể tác động đến mức nào?". Giờ đây, với khoảng một triệu người đang khốn đốn vì FTX, ông chắc hẳn đã có câu trả lời ở trong khu tạm giam.
Ý kiến ()