Tất cả chuyên mục

Theo Đông y, sâm cau còn gọi là tiên mao, là thảo dược quý. Củ sâm cau có màu đỏ, hình thuôn dài. Sâm cau mọc quanh năm, ưa độ ẩm, sinh trưởng rất mạnh vào mùa mưa. Sâm cau có vị cay, tốt cho sức khoẻ như bổ thận, tráng dương, tráng gân cốt... Có lẽ vì đó mà dân gian gọi vị thuốc này là sâm cau. Từ kinh nghiệm dân gian, nguồn thảo dược tự nhiên, các kỹ thuật viên của HTX Thảo dược Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) đã tìm tòi nghiên cứu, chế biến sâm cau thành vị thuốc tốt cho sức khoẻ.
![]() |
Sâm cau được sơ chế, kiểm tra kỹ sau khi phơi đủ nắng. |
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, rừng quốc gia Yên Tử cũng là môi trường lý tưởng cho nhiều loại thảo dược sinh trưởng và phát triển. Vì thế, từ lâu Yên Tử được biết tới như một “kho thuốc” tự nhiên. Sâm cau cũng là một trong những loại thuốc như vậy.
Anh Dương Phương Nam, cán bộ kỹ thuật HTX Thảo dược Yên Tử, cho biết: Với đặc thù môi trường sống tốt, sâm cau ở Yên Tử có dược tính cao, khả năng sinh trưởng mạnh. Chúng tôi đã tìm tòi, kết hợp kinh nghiệm với các bài thuốc dân gian, chế biến sâm cau thành bài thuốc dễ dùng, tốt cho sức khoẻ.
Để chế biến thảo dược quý này, trước năm 2014, các kỹ thuật viên của HTX đã khảo sát, dày công nghiên cứu các tài liệu kết hợp với các bài thuốc dân gian để đưa ra một quy trình chế biến chung. Cách chế biến sâm cau tương đối đơn giản. Sâm cau sau khi được thu hái, đưa về sơ chế rửa sạch để róc nước, rồi thái lát, sau đó, đưa đi phơi hoặc sấy khô.
![]() |
Sâm cau có thể dùng tươi, khô hoặc dùng để ngâm rượu đều tốt. |
“Quan trọng nhất là phải chọn thời điểm để thu hái và điều kiện để phơi sấy. Bởi sâm cau là loại thân cỏ, xốp nên việc thu hoạch cần phải chọn những tháng mùa khô, mùa xuân, cây thuốc không tích nước, dược tính trong sâm cau sẽ cao hơn. Ngoài ra, việc phơi cũng cần chọn thời tiết nắng vừa, có gió heo may là tốt nhất, phơi 2-3 nắng là được. Sâm cau sẽ nhanh khô, ráo, dễ bảo quản không bị mốc... Phơi nắng nhẹ củ sẽ trắng đẹp. Nếu phơi nắng to, nhiệt độ cao, sâm cau sẽ dễ quắt lại, thâm, không đẹp” - Anh Nam chia sẻ.
Sâm cau có thể dùng tươi làm nước uống hoặc phơi khô sắc uống. Tuy nhiên, dùng tươi thì cây có vị ngái, hơi nồng. Ngoài ra sâm cau có thể ngâm với rượu dùng như một bài thuốc dân gian hiệu quả về tráng dương, bồi bổ sức khoẻ.
Với phương thức chế biến trên, hàng năm HTX Yên Tử chế biến được hơn 1 tạ sản phẩm khô, xuất bán ra thị trường và được du khách ưa chuộng. “Điều chúng tôi mong muốn là có được sự hỗ trợ, phối hợp của các nhà nghiên cứu để tìm hiểu sâu hơn về tác dụng của sâm cau. Trong tương lai, chúng tôi cũng mong muốn khoanh vùng bảo vệ hoặc nhân giống trồng ở vườn thuốc để bảo tồn nguồn dược liệu quý này và cũng chủ động về nguyên liệu để sản xuất”, anh Dương Phương Nam cho biết.
Hà Phong
Ý kiến ()