Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:21 (GMT +7)
San hô, món quà của biển
Chủ nhật, 17/12/2023 | 08:40:59 [GMT +7] A A
Rạn san hô là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trong lòng đại dương. Đây là nơi sinh cư, kiếm ăn, sinh sản của hàng nghìn loài sinh vật biển. Rạn san hô cũng là những cảnh quan tự nhiên đặc sắc vô cùng kỳ thú dưới đáy biển, là tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái biển...
Vẻ đẹp độc đáo, kỳ lạ
Vùng biển Quảng Ninh có bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh nhỏ, có điều kiện thuận lợi cho các rạn san hô phát triển. Tuy nhiên, chịu tác động của nhiều yếu tố cả về tự nhiên và con người, rạn san hô ở các vùng biển Quảng Ninh đã bị suy thoái mạnh trong những năm qua. Theo thống kê, vùng biển toàn tỉnh hiện còn khoảng 40ha rạn san hô, phân bố tại 4 khu vực chính là Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, khu vực biển đảo Cô Tô và đảo Trần.
Vẻ đẹp của san hô thì bất cứ ai được chiêm ngưỡng cũng không thể quên. Phạm Lê Minh, một nhân viên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, nhớ lại khi lần đầu lặn khảo sát đã thực sự “kích động” trước một thế giới đầy màu sắc dưới đáy vịnh. Anh kể: Người ta ví rạn san hô như một cánh rừng nhiệt đới dưới đáy đại dương cũng không sai… San hô đúng là muôn hình vạn trạng, có san hô cành phân nhánh giống như sừng hươu, có san hô cứng kết thành từng cụm tỏa tròn như mái nhà thờ trên Quảng trường đỏ, có cụm thì lại lan dưới đáy tỏa ra như những tai mộc nhĩ, có loài thì thả ra những sợi tơ bắt mồi lả lơi giống mái tóc thướt tha của nàng tiên nữ…
Không thể lặn như anh Minh nhưng tôi cũng được theo chân các anh khi lặn ở Vịnh Hạ Long vài lần, rồi theo các chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khảo sát ở vùng biển Thượng Mai, Hạ Mai của Vân Đồn và vùng biển huyện đảo Cô Tô trong dịp giữa năm nay. Qua trò chuyện, các chuyên gia cho hay, san hô thuộc vào hàng những sinh vật cổ xưa của trái đất, chúng đã tồn tại qua rất nhiều biến đổi khí hậu và môi trường. Bên cạnh những nguyên nhân lớn có thể nhìn thấy được gây nên sự suy giảm của san hô như biến đổi khí hậu, tác động của con người thì theo các nhà khoa học, vẫn có nhiều điều cụ thể chưa thể lý giải được, không chỉ ở Việt Nam mà các nhà khoa học toàn thế giới vẫn phải tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu thêm.
Suy giảm mạnh ở các vùng biển
Một minh chứng cho điều này là khi khảo sát ở vùng biển Thượng Mai, Hạ Mai của Vân Đồn. Đây là vùng biển xa bờ, không chịu ảnh hưởng của công nghiệp, đô thị hay tác động của con người rất ít, vậy nhưng các thợ lặn sau quá trình khảo sát lại tỏ ra khá thất vọng. Ths Phạm Văn Chiến (Viện Tài nguyên và Môi trường biển) tả lại: Khu vực Thượng Mai nhìn trên bờ thì nước trong xanh thế này nhưng khi lặn dưới đáy biển thì không được như thế. Nước có nhiều vẩn đục, chỉ cách hơn 1m thì đã không thể quan sát được rồi.
Còn TS Nguyễn Đăng Ngải, Viện Phó Viện Tài nguyên và Môi trường biển, cũng băn khoăn: Khu vực này nước trong, sạch lại ở xa bờ nên chúng tôi nghĩ sẽ có nhiều rạn san hô to, đẹp, nhưng ngược lại không được như kỳ vọng. Qua khảo sát chỉ có những cụm san hô nhỏ đang phát triển… So sánh với các khu vực như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Cô Tô thì san hô ở khu vực này không bằng. Tuy nhiên, có lẽ cũng giống như san hô ở các vùng biển của Quảng Ninh, san hô ở đây sau quá trình bị suy giảm nay có nhiều rạn san hô đã, đang trong giai đoạn phục hồi với những tập đoàn san hô nhỏ đang phát triển tốt.
Qua trò chuyện, chúng tôi cũng nhận thấy sự tiếc nuối của các chuyên gia về “một thời đã xa” của những rạn san hô quý giá tại các vùng biển Quảng Ninh chỉ cách đây vài chục năm mà thôi. TS Nguyễn Đăng Ngải cho hay, vùng biển Cô Tô trước đây từng có những rạn san hô rất lớn, vô cùng phong phú với những loài quý hiếm, đẹp như rạn san hô tại bãi Hồng Vàn có chiều dài lên tới 3-4 cây số, chiều ngang tới cả cây số nhưng nay thì không còn nữa…
Không chỉ như vậy, quần đảo Cô Tô từ một khu vực có chất lượng các rạn san hô cao nhất nay đã trở thành khu vực có diện tích và độ phủ san hô sống thấp nhất Vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, trong thành phần loài san hô hiện nay chủ yếu là các dạng san hô khối và phủ mà không còn loài san hô cành Acropora là nhóm san hô cành trước đây rất phổ biến ở Cô Tô.
Không chỉ quần đảo Cô Tô suy giảm mạnh mà Vịnh Hạ Long cũng vậy. San hô ở đây trước phân bố hầu hết quanh các đảo đá vôi trên Vịnh Hạ Long, kể cả các đảo gần bờ với nhiều rạn trải dài và rộng đến hàng trăm mét. Kết quả khảo sát về đa dạng sinh học ở khu vực Vịnh Hạ Long vào năm 2015 cho thấy, ở đây có 110 loài san hô cứng và 37 loài san hô mềm. Con số này tuy không nhiều nhưng so sánh với các khu vực tương đương ở phía Bắc khi ấy như Cát Bà, Cô Tô, Hòn Mê thì Vịnh Hạ Long vẫn là một trong những nơi có số lượng loài phong phú nhất.
Tuy vậy, sự suy giảm về độ phủ và diện tích của san hô thì lại rất đáng lo ngại. Cụ thể, vào những năm trước 1998 ở Vịnh Hạ Long còn một số rạn thuộc loại tốt và rất tốt (tương ứng với độ phủ trên 51% và trên 76%), nhưng đến năm 2003 thì độ phủ đã bị suy giảm một bậc, không còn rạn nào thuộc loại rất tốt. Và kết quả khảo sát vào năm 2015 thì không còn rạn nào thuộc loại tốt, độ phủ của các rạn tốt nhất là dưới 50% và độ phủ bình quân trên toàn vịnh chỉ còn khoảng 20%. Không chỉ là độ phủ, phạm vi và sự phân bố số lượng loài tại các rạn cũng thấp hơn so với trước đây rất nhiều.
Sự suy giảm của san hô ở các vùng biển Quảng Ninh do con người tác động là chủ yếu. Đơn cử như Vịnh Hạ Long là một khu vực chịu nhiều sự tác động từ các hoạt động vận tải thuỷ, lấn biển, du lịch, đánh bắt hải sản, khai thác khoáng sản, rác thải, nước thải công nghiệp và sinh hoạt… Theo đánh giá, tất cả các hoạt động này đều ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước của vịnh, trong đó độ đục tăng cao được coi là nguyên nhân chính. Điều này tương đối dễ thấy khi đồng nghiệp của chúng tôi khảo sát ở những khu vực đảo rất xa bờ, tuy nhiên đáy biển vẫn rất dễ bị khuấy đục lên một cách nhanh chóng. Ở các vùng biển khác thì hoạt động khai thác hải sản bằng phương pháp tận diệt, khai thác quá mức các loài cá làm phát triển đột biến các loài địch hại của san hô… cũng là những nguyên nhân đáng kể…
Cần sự chung tay bảo vệ
Sự suy thoái của san hô sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan cũng như nguồn lợi hải sản trên các vùng biển Quảng Ninh. Vì vậy, trong những năm gần đây, các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ các hệ sinh thái biển nói chung, gìn giữ các hệ sinh thái rạn san hô nói riêng.
Đơn cử như với Vịnh Hạ Long, năm 2019, tỉnh đã ban hành quy chế quản lý Vịnh Hạ Long, trong đó có quy định không đánh bắt thủy sản trong khu vực di sản Vịnh Hạ Long. Quy định này đối với việc bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô có ý nghĩa rất cao khi hạn chế các tàu thuyền đánh bắt thủy sản tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước làm chết san hô. Bên cạnh đó, cũng giúp ngăn chặn các hoạt động khai thác tại khu vực có san hô, như: Kéo lưới, lưới vét, giã cào cào xới đáy biển làm gãy san hô; tạo lớp bùn trầm tích phủ lên gây chết các rạn san hô…
Cùng với đó, ở các vùng biển đều có những quy định cấm đánh bắt thuỷ sản bằng phương pháp tận diệt. Các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng cũng góp sức không nhỏ. Qua đánh giá của chuyên gia cũng cho thấy, các vùng biển của Quảng Ninh hiện có nhiều rạn san hô đã, đang trong giai đoạn phục hồi với những tập đoàn san hô nhỏ đang phát triển tốt. Đơn cử như ở Vịnh Hạ Long, từ trạng thái bị suy thoái, rạn san hô nơi đây cũng có dấu hiệu khôi phục tốt, thậm chí qua khảo sát còn phát hiện thấy những rạn san hô có độ phủ cao (từ 60-70%). Đặc biệt có nhiều san hô cành phát triển, mà theo TS Nguyễn Đăng Ngải thì san hô cành rất nhạy cảm, dễ bị tác động khi môi trường thay đổi, tuy nhiên khi môi trường tốt thì san hô cành cũng phục hồi nhanh hơn các loài khác…
Ở vùng biển Cô Tô hiện nay là nơi duy nhất ở khu vực phía Bắc cho phép khai thác dịch vụ lặn biển ngắm san hô. Mùa hè vừa qua, dịch vụ này lần đầu tiên đưa vào khai thác, mang tính chất khá nguyên sơ, được nhiều du khách thích thú đón nhận, trải nghiệm. Khám phá vẻ đẹp san hô dưới lòng biển, khám phá món quà tặng quý giá của biển cũng là cơ hội để du khách và cộng đồng thấy trân quý hơn các giá trị của biển, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức trong gìn giữ và bảo vệ các loài san hô...
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()