Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:30 (GMT +7)
Sẵn sàng đón chuyên gia vào thẩm định hồ sơ Yên Tử
Chủ nhật, 11/08/2024 | 09:46:07 [GMT +7] A A
Theo kế hoạch, từ ngày 5-15/8, đoàn chuyên gia của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), đơn vị tư vấn cho Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO, tiến hành thẩm định thực địa chính thức hồ sơ đề cử Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa thế giới...
Chuẩn bị cho khâu thẩm định quan trọng này, các địa phương trong vùng di sản là Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã có sự chuẩn bị từ sớm. Theo đó, ngay sau khi hồ sơ chính thức Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gửi tới UNESCO từ cuối tháng 1 năm nay, các địa phương đã triển khai hàng loạt phần việc, từ công tác truyền thông, chỉnh trang di tích, xây dựng các biển bảng, quy chế, nội quy...
Hoạt động truyền thông lớn nhất phải kể tới là hội nghị phổ biến thông tin về Quần thể di sản Yên Tử tổ chức vào trung tuần tháng 5/2024, tại khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí). Tại đây, hơn 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, ban quản lý các di tích, đại diện Giáo hội Phật giáo, các doanh nghiệp, cộng đồng người dân địa phương của 3 tỉnh, đã được cung cấp những thông tin toàn diện để có những hiểu biết sâu sắc về Yên Tử, về lịch sử và những giá trị của Phật giáo Trúc Lâm, về câu chuyện mà di sản này để lại cho các thế hệ mai sau và cho nhân loại.
Đối với Quảng Ninh, tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện truyền thông sâu rộng về Yên Tử. Theo đó, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch truyền thông đặc biệt, mang tính chuyên đề cao về Quần thể di sản Yên Tử trên tất cả các hạ tầng của đơn vị. Cho tới nay, cả trăm tác phẩm báo in, điện tử, phát thanh, truyền hình đã được đăng tải, phát sóng, truyền tải các nội dung một cách sinh động, dễ hiểu về các giá trị đặc biệt, nổi bật của di sản tới đông đảo người dân, du khách bốn phương thông qua các kênh sóng của đơn vị.
Các địa phương, đơn vị có liên quan của Quảng Ninh cũng vào cuộc rất tích cực. Trong đó, Uông Bí là địa phương sở hữu quần thể di tích - danh thắng Yên Tử, hợp phần quan trọng bậc nhất nằm trong quần thể di sản đề cử, ngay từ tháng 5 vừa qua, đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng “Tự hào và trách nhiệm khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới” tới từng chi bộ, tổ chức đoàn thể và lan toả sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức phong phú, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đông Triều, Quảng Yên cùng với việc tuyên truyền, xây dựng các bảng biển đạt chuẩn cũng chỉnh trang, sắp xếp lại khâu thờ tự, dọn vệ sinh tại các di tích, nhất là các di tích trên núi cao, như chùa Hồ Thiên (Đông Triều)…
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng vậy, không chỉ giáo dục tăng ni, phật tử trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt những giá trị di sản mà còn giáo dục nâng cao nhận thức trong việc thực hiện tốt các khuyến cáo của UNESCO cũng như quy định của Luật Di sản văn hoá…
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Xuân Thành, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Uông Bí, cho hay, chuẩn bị cho việc đón tiếp đoàn chuyên gia của UNESCO tới thẩm định thực địa tại Yên Tử, đơn vị đã tham mưu cho thành phố tập trung chỉnh trang lại các khu, điểm di tích, bổ sung thêm các bảng biển, các bản đồ, sơ đồ, chuẩn bị đầy đủ các quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý trong công tác đầu tư xây dựng, liên quan đến tác động môi trường khi xây dựng cơ sở hạ tầng, tránh làm ảnh hưởng đến vùng bảo vệ của di sản theo đúng quy định của UNESCO…
Không chỉ ở Quảng Ninh, nhằm quảng bá rộng rãi về các giá trị của di sản đề cử, các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương cũng chỉ đạo các địa phương trong vùng di sản, các ngành, đơn vị có liên quan trên địa bàn tăng cường tuyên truyền sâu rộng về các giá trị của Yên Tử đến với nhiều đối tượng khác nhau, từ lãnh đạo chính quyền các cấp, các Ban quản lý di tích, tăng ni, phật tử, thủ từ, thủ đền, đại diện các tổ chức doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân sống trong khu vực di sản.
Các địa phương này cũng làm tốt công tác chuẩn bị đón đoàn khảo sát, đồng thời thực hiện công bố thông tin về hồ sơ đề cử cho đông đảo nhân dân nắm được. Qua đó nhằm làm rõ câu chuyện về giá trị của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, lan toả sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, du khách...
Chia sẻ với báo chí, bà Ngô Thị Lượng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cho biết, khâu chuẩn bị của đơn vị hiện đã cơ bản xong, cả về công tác tuyên truyền và chuẩn bị các hồ sơ tài liệu, bao gồm hồ sơ khai quật khảo cổ học, video giới thiệu các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc để trình chiếu cho Đoàn chuyên gia ICOMOS khi đến thẩm định tại di tích cũng như in tờ gấp giới thiệu giá trị di tích bằng song ngữ, cho đến việc chỉnh trang di tích, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy tại khu di tích...
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()