Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 04:17 (GMT +7)
Sản xuất bền vững, tiêu dùng thông minh
Thứ 5, 16/03/2023 | 08:56:40 [GMT +7] A A
Ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 889/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện chương trình, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng, tái chế, tái sử dụng… Đồng thời, huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.
Sản xuất sạch, an toàn, thân thiện với môi trường
Nhằm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các địa phương ở tỉnh Quảng Ninh ngày càng chú trọng đến các tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 Phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Sở NN&PTNT tổ chức hướng dẫn các địa phương nhân rộng, mở rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đảm bảo gia tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi, số điểm bán nhằm tăng thị phần cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp.
Trong năm, toàn tỉnh đã cấp 16 giấy xác nhận chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 59 loại sản phẩm thực phẩm nông nghiệp. Đến cuối năm 2022, có 932 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (trong đó cấp tỉnh cấp 367 giấy, cấp huyện cấp 565 giấy); 28 cơ sở chăn nuôi, 4 cơ sở nuôi thủy sản, 91 cơ sở (1.064,98ha) vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP, 20 cơ sở áp dụng HACCP, ISO; hàng trăm cơ sở áp dụng GMP, SSOP trong sản xuất, chế biến.
Các địa phương, đơn vị cũng thường xuyên thông tin, tuyên truyền tập trung các quy định của pháp luật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các quy trình sản xuất nông sản an toàn, qua đó giúp nhận thức về ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tăng lên và tạo niềm tin về tiêu dùng ATTP cho người dân.
Điển hình như Hội Nông dân TX Quảng Yên đã phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình “Cánh đồng 3 không” (không thuốc diệt cỏ; không sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất; không rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon ra môi trường) tại 19/19 cơ sở hội nông dân trên địa bàn thị xã. Các hội viên, nông dân tham gia phong trào đều ký cam kết xây dựng “Cánh đồng 3 không”, được tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe.
Chị Nguyễn Thị Lý, xóm Đình, phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên) cho biết: “Bây giờ người tiêu dùng có yêu cầu về ATTP rất cao nên nông dân chúng tôi cũng nâng cao ý thức trong sản xuất. Các loại rau chúng tôi trồng theo đúng quy trình an toàn, không dùng bừa bãi các loại thuốc hóa học. Bây giờ ra đồng có biển “Cánh đồng 3 không” của Hội Nông dân trưng ngay đầu đường, ai cũng tự ý thức hơn”.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất sạch, an toàn, thân thiện với môi trường trong nông nghiệp, các ngành kinh tế khác của Quảng Ninh đều chú trọng quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế. Tỉnh yêu cầu toàn bộ các dự án đầu tư đều phải làm rõ dây chuyền công nghệ đảm bảo hiện đại và định hướng đưa vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; không xem xét, không đề xuất các dự án có dây chuyền cũ, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Giai đoạn 2018-2022, UBND tỉnh không chấp thuận 2 dự án tiềm ẩn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường gồm: Dự án nhà máy sản xuất xút và các thương phẩm khác (chất trợ lắng PAC và Javen) tại KCN Việt Hưng; Dự án nhà máy sản xuất tái chế nhựa mảnh nhỏ Trí Đức… Cùng với đó, thành lập các Hội đồng thẩm định công nghệ theo quy định như: Dự án trạm xử lý nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn Khe Giang, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí); dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long...
Giai đoạn 2018-2022, tỉnh Quảng Ninh bố trí kinh phí để thực hiện 14 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường. Các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến địa hình, địa mạo; nghiên cứu, tái chế chất thải làm vật liệu xây dựng; nghiên cứu vật liệu bền vững, thân thiện môi trường; bảo tồn các loài động, thực vật quý; nghiên cứu, thử nghiệm chế phẩm sinh học… Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn đối với các chất thải từ hoạt động xây dựng, khai thác khoáng sản. Năm 2022-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện 2 nhiệm vụ, dự án: Điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng đất đá thải (ngành than), tro xỉ thải (ngành nhiệt điện) và một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường (trong các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp) và đề xuất giải pháp tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp góp phần sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Quảng Ninh; điều tra, đánh giá khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng nước thải mỏ sau xử lý, xây dựng kế hoạch, giải pháp nâng cao chất lượng, tỷ lệ tái sử dụng nước thải mỏ. Trường Đại học Xây dựng triển khai Đề tài Nghiên cứu thiết lập mô hình quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng để ứng dụng làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ.… nhằm góp phần sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Quảng Ninh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút các doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh tiếp tục thực hiện nghiêm túc định hướng thu hút đầu tư FDI theo quy định của Trung ương và của tỉnh: Trong năm 2022, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh đã phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương liên quan từ chối không xem xét thu hút đầu tư đối với 3 dự án FDI vào các KCN của tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 350 triệu USD do không đảm bảo định hướng thu hút của tỉnh, có những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thâm dụng tài nguyên, nước và lao động.
Thực hiện tiêu dùng bền vững
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng bền vững như: Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái. Đồng thời, phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, mua sắm bền vững…
Tỉnh đã xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Trong năm, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 18 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tăng 12 cơ sở so với năm 2021 (lũy kế đến nay, tài khoản quản lý cấp cơ sở là 73 tài khoản). Đồng thời, đã cấp thêm được 178 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản, tăng 151 bộ mã truy xuất so với năm 2021. Đến nay, cấp được 534 bộ mã truy xuất sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Người tiêu dùng cập nhật phần mềm hệ thống sẽ được cung cấp thông tin về sản phẩm thông qua bất kỳ ứng dụng quét mã QR-code trên điện thoại smartphone với QR-code gắn trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm. Hiển thị lượng thông tin cho người dùng lựa chọn sản phẩm. Thông tin truy xuất nguồn gốc được kiểm duyệt và kiểm soát bởi các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, tỉnh rất quyết liệt trong việc thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa, đã có 236 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản đã ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Hiện tại, tỷ lệ rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ hoạt động du lịch giảm 90%. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác thay thế phao xốp trên các công trình nổi (được cấp phép hoặc chờ cấp phép) trên Vịnh. Tỷ lệ thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi bền vững của các công trình nổi trên Vịnh Hạ Long đạt 94%.
Sở Công Thương phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, một số doanh nghiệp phân phối sản phẩm thân thiện với môi trường, lồng ghép việc giới thiệu tiêu thụ sản phẩm bao gói, túi thân thiện với môi trường và các hình thức sử dụng các sản phẩm thay thế túi ni lông; tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, công chức của các địa phương tham gia tại một số chương trình nâng cao kiến thức về ATTP, quản lý kinh doanh, ứng dụng công nghệ trong quản lý kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, tác hại về việc sử dụng nilon, sản phẩm khó phân huỷ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khoẻ con người, thậm chí ảnh hưởng lâu dài đến thế hệ người nhà sau này do dư hại của sản phẩm nhựa dùng một lần. Tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi giải quyết cho 19.063 chương trình khuyến mại tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó có một số chương trình để giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các chương trình có sản phẩm được bao gói bằng bao bì thân thiện môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động giảm thiểu túi nilon, dùng các vật liệu thân thiện với môi trường để giảm và tránh thải các chất ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sức khỏe cho con người và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Cùng với đó, trong năm 2022, các ngành chức năng cũng đã đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3); triển khai khảo sát “Hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy” năm 2022; tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu nhận diện nguy cơ hàng hóa, dịch vụ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo ATTP (ngày 8/4/2022 tại TP Hạ Long). Sở Công Thương tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái…
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 nhằm thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đồng thời, thông qua thực hiện chương trình, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã nâng cao ý thức trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng bền vững, có những hành động cụ thể hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()