Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:04 (GMT +7)
Sáng 4/4: Tuần này triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng; Trẻ mới là F0 cấp tính, có bị hậu COVID-19?
Thứ 2, 04/04/2022 | 08:43:39 [GMT +7] A A
Theo Bộ Y tế, đến nay số ca mắc mới COVID-19 cũng như ca nặng đang điều trị, ca tử vong đều giảm mạnh so với trước đó; Hiện còn gần 2.000 ca nặng, bằng 1/4 so với giai đoạn cao điểm; Tuần này triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; Trẻ mới là F0 cấp tính, có bị hậu COVID-19?
Số mắc mới COVID-19 giảm mạnh nhất trong khoảng 1,5 tháng qua
Theo Bộ Y tế, ngày 3/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 50.730 ca mắc mới, giảm 14.886 ca so với ngày trước đó tại 61 tỉnh, thành phố (trong đó có 27.307 ca trong cộng đồng). Như vậy đây là ngày có số ca mắc thấp nhất trong khoảng 1,5 tháng qua (tính từ ngày 20/2/2022).
Hà Nội và 12 tỉnh, thành khác có số ca mắc COVID-19 mới trong ngày từ 1.000- hơn 6.000 ca. Con số này chỉ bằng 1/3 so với cách đây 3 tuần khi số tỉnh, thành mắc COVID-19 > 1.000 ca/ ngày thường khoảng trên dưới 40 địa phương.
Trung bình số ca mắc COVID-19 mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua: 75.319 ca/ngày
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.818.328 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 99.311 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.810.591 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.496.243), TP. Hồ Chí Minh (596.403), Nghệ An (400.607), Bình Dương (378.885), Hải Dương (347.115).
Tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam được điều trị khỏi đến nay là 7.787.962 ca
Chỉ còn gần 2.000 ca COVID-19 nặng đang điều trị, bằng 1/4 giai đoạn cao điểm
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 1.973 ca. Con số này giảm nhanh, bởi các ngày trước đó số bệnh nhân nặng thường ỏ mức trên 3.000 ca, có giai đoạn cao điểm số F0 nặng còn lên đến mức 7.000- 8.000 ca.
Số bệnh nhân tử vong, trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua là 42 ca, giảm mạnh so với trước đó thường trung bình trên dưới 100 ca/ ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.600 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Trong tuần này triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19
Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đến nay công tác chuẩn bị triển khai cấp "Hộ chiếu vaccine" cơ bản đã hoàn thành, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp "Hộ chiếu vaccine" mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm.
"Hộ chiếu vaccine" sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Đối với những người dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng chưa được cấp "Hộ chiếu vaccine" là do thiếu/sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật
Hộ chiếu vaccine về mặt kỹ thuật có thời hạn 12 tháng. Hết thời hạn trên hệ thông sẽ tự động tạo mã QR mới. Hộ chiếu vaccine điện tử có ý nghĩa như hộ chiếu vaccine giấy, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương quốc tế. Hiện nay, Bộ Ngoại giao cho biết, biểu mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được 17 quốc gia công nhận.
Từ ngày 30/3/2022, Bộ Y tế đã thực hiện cấp "Hộ chiếu vaccine" cho hơn 1.000 đối tượng tiêm tại Bệnh viện Bạch Mai. Đối với các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 trong tuần này.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước đó, quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine" cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước. Quy trình cấp gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine COVID-19.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.
Hộ chiếu vaccine" cần hiển thị 11 trường thông tin: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận.
Trẻ mới mắc COVID-19 cấp tính, liệu có bị hậu COVID-19 không?
Một vấn đề rất được cha mẹ quan tâm là có dự đoán được một trẻ mắc COVID-19 cấp tính sẽ bị mắc hậu COVID-19 hay không, nếu xuất hiện thì triệu chứng mà mức độ thế nào?
Trước mối quan tâm này, PGS.TS Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cho biết, tới nay chưa có yếu tố đặc hiệu nào giúp tiên đoán trẻ sẽ bị hậu COVID-19 sau mắc cấp tính.
Một trẻ mắc COVID-19 với mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu COVID-19. Tuy nhiên, nếu một trẻ mắc COVID-19 cấp tính nguy kịch cần thở máy hoặc chăm sóc ở các đơn vị hồi sức tích cực, trẻ sẽ dễ bị mắc các triệu chứng hay gặp như mệt mỏi, yếu cơ… đây cũng là những triệu chứng hay gặp ở người đã phải điều trị hồi sức.
Hơn nữa, một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ béo phì, có tiền sử các bệnh dị ứng, các bệnh lý mạn tính, trẻ trên 5 tuổi có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của hậu COVID-19 cao hơn các nhóm trẻ khác.
Giám đốc Bệnh viện Nhi TW ương khuyến cáo, khi cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như mô tả ở trên hoặc thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào mà trước khi mắc COVID-19 trẻ không có, cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp, và chăm sóc hợp lý.
Đặc biệt, trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc COVID-19 cấp tính, nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có).
Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu COVID-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ nhi khoa vào khoảng thời gian 4 – 12 tuần sau mắc COVID-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 491.561.016 ca, trong đó có 6.175.684 người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 426 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 55 triệu ca và trên 62.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 3/4, thế giới có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới. Hàn Quốc tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 234.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 330 ca.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 81.826.371 ca mắc và 1.008.159 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với 43.028.131 ca. Tuy nhiên, Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 660.192 ca. Trong số 5 quốc gia đứng đầu danh sách có số ca mắc cao nhất, 2 nước còn lại là Pháp với 25.895.586 ca và Đức 21.588.614 ca.
Theo Sức khỏe và Đời sống
- Sáng 3/4: Số người mắc COVID-19 tăng nhiều ở nhóm chưa tiêm vaccine
- Thêm 65.619 ca COVID-19, giảm gần 7.000 so với hôm qua
- Sáng 2/4: Đã cấp 1.000 hộ chiếu vaccine; Số mắc COVID-19 của 5 tỉnh, thành cao nhất là bao nhiêu?
- Ngày 1/4: Số mắc mới COVID-19 giảm sâu, còn 72.556 ca; Vĩnh Phúc bổ sung hơn 13.000 F0
- Sáng 1/4: Trẻ đã mắc COVID-19 sau bao lâu có thể tiêm vaccine? Không mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai
Liên kết website
Ý kiến ()