Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:12 (GMT +7)
Sáng mãi khát vọng vì hòa bình từ Hiệp định Paris
Thứ 5, 19/01/2023 | 15:08:53 [GMT +7] A A
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2023) được tổ chức trang trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Paris, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định, 50 năm đã trôi qua nhưng hiệp định này vẫn luôn là minh chứng sống động cho khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ to lớn của bạn bè Pháp và quốc tế.
Tham dự có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng; Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Lê Thị Hồng Vân; Đại sứ Lào tại Pháp, Kham-Inh Khitchadeth; ông Pierre Laurent, nguyên Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp; bà Anne Le Hénanff, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp-Việt Nam tại Hạ viện Pháp; các nhân chứng từng tham gia các hoạt động giúp hai phái đoàn đàm phán Việt Nam; đại diện các hội đoàn Pháp-Việt và cộng đồng người Việt.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng điểm lại quá trình diễn ra đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973, một sự kiện lịch sử gây tiếng vang không chỉ ở Việt Nam mà được toàn thể cộng đồng thế giới yêu chuộng hòa bình mong đợi.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, thắng lợi to lớn như vậy có phần đóng góp rất quan trọng của Việt kiều yêu nước tại Pháp và bạn bè Pháp yêu chuộng hòa bình, đã hết lòng giúp đỡ hai đoàn đàm phán Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ những nỗ lực to lớn của Việt kiều, bạn bè Pháp cũng như quốc tế, đã sát cánh và đấu tranh mạnh mẽ vì hòa bình của Việt Nam trong lúc còn chiến tranh và tiếp tục góp phần gìn giữ hòa bình, tái thiết và phát triển của Việt Nam sau khi đất nước được thống nhất.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao vai trò và lập trường của nước Pháp, đã chia sẻ, đoàn kết và đóng góp cho việc bảo vệ hòa bình tại Việt Nam. Tình đoàn kết quốc tế và sự ủng hộ to lớn của nhân dân Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập và hòa bình là cơ sở vững chắc để xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng tốt đẹp.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris diễn ra vào thời điểm có những thách thức rất lớn liên quan đến sự ổn định và phát triển trên thế giới, vì vậy cần phải duy trì tinh thần đối thoại và hòa bình, tăng cường hợp tác và phối hợp để giải quyết các vấn đề. Đó chính là sự lựa chọn đúng đắn mà Việt Nam đã thực hiện với nước Pháp.
Hai nước đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng đã nỗ lực phát triển mối quan hệ gắn bó và chặt chẽ trên mọi lĩnh vực hợp tác và ở tất cả các cấp chính quyền. Năm 2023 là năm rất có ý nghĩa trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược và là động lực để hai nước thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.
50 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần đấu tranh vì hòa bình từ Hiệp định Paris vẫn còn nguyên giá trị. Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ tin tưởng rằng những người bạn Pháp trong các hội đoàn và tổ chức chính trị khác nhau cùng với Việt kiều sẽ tiếp tục truyền thống gắn bó quý báu được thúc đẩy từ đàm phán Hiệp định Paris để nhắc nhở và động viên thế hệ trẻ gìn giữ và bồi đắp tình hữu nghị và tình đoàn kết giữa hai dân tộc.
Thay mặt Đảng Cộng sản Pháp, ông Pierre Laurent ca ngợi tinh thần đấu tranh của Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris. Lễ kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước Pháp, với những người cộng sản Pháp và tất cả những người bạn của Việt Nam. Đây là dịp để nhìn lại lịch sử của mối quan hệ hữu nghị lâu đời, gắn bó giữa nhân dân hai nước và giữa hai Đảng. Những người cộng sản Pháp thấu hiểu đau thương và mất mát của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp kết thúc vào năm 1954, rồi lại tới chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Chính vì vậy, những người cộng sản Pháp đã cố gắng làm việc không mệt mỏi để tiếp đón, giúp đỡ hai đoàn đàm phán Việt Nam một cách tốt nhất có thể.
Theo ông Pierre Laurant, cuộc đàm phán hòa bình này, dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới, cuối cùng cũng đi đến hồi kết để chấm dứt chiến tranh và đem lại sự toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Chiến thắng này là minh chứng cho khát vọng độc lập và hòa bình của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong hành trình đi tìm đường cứu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1920, và cũng chính là người vun đắp cho tình đoàn kết giữa hai đảng. Vì lẽ đó, Đảng Cộng sản Pháp đã cố gắng hết khả năng để hỗ trợ hai đoàn Việt Nam trong những năm diễn ra đàm phán tại Pháp.
Ông Pierre Laurant nhấn mạnh, giá trị của di sản Hiệp định Paris cần tiếp tục được phát huy, tình hữu nghị Pháp-Việt thật đáng quý và cần tiếp tục được vun đắp. Năm 2023 được dự báo có nhiều thách thức và những người cộng sản Pháp cùng các nghị sĩ và những người Pháp yêu mến Việt Nam tái khẳng định sự gắn bó và ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cả trên biển và đất liền.
Tại lễ kỷ niệm, một số nhân chứng gồm Việt kiều và các bạn Pháp từng tham gia giúp đỡ hai đoàn đàm phán Việt Nam đã chia sẻ những kỷ niệm và tình cảm dành cho Việt Nam. Mỗi người một câu chuyện về công việc khác nhau nhưng đều có chung mục đích, đó là hỗ trợ hết lòng để hai đoàn đàm phán hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh trên bàn đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định Paris để Việt Nam sớm giành lại hòa bình và thống nhất đất nước.
Nhớ lại những kỷ niệm với các thành viên của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lưu trú tại thành phố Choisy le Roi, bà Jeanniene Rubin, khi đó là nhân viên cấp dưỡng, khiêm tốn nói: "Được giao nhiệm vụ giúp đỡ các bạn Việt Nam, tôi chỉ có suy nghĩ là cố gắng chăm sóc như người thân trong gia đình, động viên và chia sẻ những lúc có khó khăn trong đàm phán hay nhận tin không vui từ quê nhà. Đến bây giờ đã 50 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm thật đẹp với các bạn Việt Nam, tự hào được đóng góp một phần nhỏ bé để các bạn Việt Nam đấu tranh giành lại hòa bình. Tôi cũng như nhiều người khác ở Pháp thật vui mừng khôn xiết khi biết tin ký kết Hiệp định Paris để các bạn Việt Nam sớm trở về quê nhà sau nhiều tháng ròng rã tranh đấu ở Pháp".
Ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, từng tham gia các hoạt động hỗ trợ đoàn đám phán, nhớ lại: "Điều mà tôi thật sự không bao giờ quên, đó là ngày ký Hiệp định Paris. Rất đông bà con trong cộng đồng Việt Nam tại Pháp đã xuống đường. Khi hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đến, những lá cờ tung bay. Mọi người đã hát vang bài ca "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Tôi đã ứa nước mắt. Khi đó khó có thể diễn tả hết tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp".
Ông Văn Nghĩa Dũng, cựu Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO may mắn là một trong 30 sinh viên đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có mặt tại Paris 4 tháng trước thời điểm ký kết Hiệp định Paris. Ông nhớ lại: "Vào ngày ký kết, chúng tôi đi từ quận 13 lên phố Kléber, không thể bắt được tàu điện ngầm, đóng cửa hết do sự là có quá nhiều người. Lúc chúng tôi đến thì đã có nghìn người có mặt ở đấy rồi. Đó là khung cảnh thật rộn ràng, cả một rừng cờ đỏ sao vàng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam bay phất phới. Ở đó không chỉ có người Việt Nam tại Pháp mà còn có rất nhiều bạn bè Pháp và đặc biệt là có rất nhiều các thành viên của Đảng Cộng sản Pháp".
"Tôi cảm thấy rằng buổi ký hiệp định này là của chúng ta chứ không phải của đối phương. Cả một rừng người vỗ tay, hai đoàn đã dừng lại rất lâu để có thể vẫy chào được bà con Việt kiều. Hiệp định Paris không chỉ là có sự đoàn kết, hướng về đất nước của cộng đồng người Việt Nam mà còn có cả sự đoàn kết của bạn bè quốc tế, đặc biệt là bạn bè Pháp", ông Văn Nghĩa Dũng bày tỏ.
Các nhân chứng và các nhà nghiên cứu tham dự lễ kỷ niệm đều cho rằng, ký kết Hiệp định Paris là chiến thắng xứng đáng tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đoàn kết và ủng hộ chí tình của bạn bè tại Pháp và khắp nơi trên thế giới.
Hiệp định Paris là dấu mốc son trong công cuộc giành lại hòa bình, thống nhất đất nước của Đảng và nhân dân Việt Nam, để rồi xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc và một chế độ xã hội Việt Nam như ngày nay.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()