Tất cả chuyên mục

I
Những năm ở ngoài Đông bắc, tôi có một người bạn. Tên là Khang.
Bạn bè cũng là cái duyên gặp gỡ. Nếu không có Khang, chắc rằng hồi ức của tôi về những năm tháng sống ngoài đó có lẽ sẽ chỉ toàn có mùi vị lưu đày. Vâng, quả có thế.
Năm ấy, tôi đi mấy trăm cây số đường bộ, đường biển ra Đông bắc. Thị trấn nơi tôi đến có rừng núi có biển khơi và những dãy phố Hoa kiều. Vào những ngày chủ nhật, người vùng cao váy áo sặc sỡ lại xuống chợ thị trấn bán quế, bán cao khỉ, ăn phở chua và mua cá biển khô đem lên những dãy núi thăm thẳm sương mù.
Cũng vào một ngày chủ nhật, tôi gặp Khang ở nhà anh bạn đồng nghiệp - anh viết văn, đã có nhiều truyện ngắn được in. Khang đi lấy củi trên rừng về, tiện đường ghé vào chơi.
- Đây là Khang, kỹ sư lâm nghiệp - anh bạn giới thiệu.
Khang gật đầu chào tôi. Tôi nói:
- Sao kỹ sư lâm nghiệp lại đi phá rừng?
Khang cười. Rồi anh đọc một câu danh ngôn nước ngoài gì đấy. Đại khái về cái trớ trêu của sự người. Sau lần gặp ấy, tôi với anh quen biết rồi dần trở nên thân nhau.
II
Khang hơn tôi đúng một giáp. Trong một cuộc gặp thân tình tại nhà anh, Khang bảo:
- Chỗ tôi với thầy là bạn vong niên.
Năm đó anh đã ngoài ba mươi tuổi. Đi lính. Nhiều lần chết hụt. Về học tiếp nghề rừng. Sau đó nhận việc tại quê. Ngày hai buổi đi làm. Thỉnh thoảng xuống xã hay lên tỉnh công tác.
Khang, tổ tiên vốn ở mạn Đồ Sơn. Cụ tổ từng là thủ túc của Quận He. Sau khi chủ tướng mất phải phiêu bạt ra đây. Quen máu cũ, có lúc đánh lại quan quân triều đình, lúc khác lại đi làm cướp cạn, cướp bể. Hải phỉ, thổ phỉ một dải Đông bắc kính trọng và sợ hãi. Khang cũng giỏi võ, dân miền Đông điển hình. Một lần ngay trên phà Bãi Cháy “giữa đường dẫu thấy bất bằng…” Khang đã nhấc bổng một tay công tử khỏi xe Cub ném xuống biển. Vụ này anh còn bị khốn khổ nhiều năm.
Có hôm mò lên chỗ tôi chơi. Mở cửa, tôi kêu lên:
- Sao lại sây xát hết cả thế này?
Khang nói:
- Có gì đâu. Lâu ngày thử sức với thằng Toàn xem sao.
Thằng Toàn “sẹo”, đầu gấu nổi tiếng vùng này! Tuy nhiên hắn lại rất quý trọng chúng tôi. Thì ra lâu ngày không luyện tập, Khang bị hắn lừa miếng cày sấp, ngã trái cựa vào đống đá.
Khang nói:
- Cũng nên biết võ. Để vững cái hư tâm!
Tôi chẳng bảo gì.
III
Khang đã có hai con. Một trai một gái. Vợ anh, một nữ y sĩ. Cũng khá xinh. Những năm còn ở ngoài chiến trường, vợ anh lúc bấy giờ đã hết lòng chăm sóc ông cụ bị bệnh nặng. Cảm ân nghĩa ấy, bố anh đã ép hai người nên vợ nên chồng.
Có một lần, trên đường phố vắng. Khang và tôi khật khưỡng ra về. Đã khuya lắm. Phố xá im lìm. Chỉ có bầu trời đêm tháng mười đen thẳm như bức sơn mài đang dậy lên những vì sao run rẩy long lanh. Góc phố kia có một đôi trai gái đang bên nhau đắm đuối. Ngoảnh lại nhìn, tôi thấy Khang thở dài. Rồi ngẩng lên trời sao, anh bỗng hát:
“Tình ngỡ đã quên đi.
Như lòng cố lạnh lùng…”
Thi ca, ngôn ngữ, gì gì nữa, cũng chẳng qua chỉ là những biểu đạt. Có nhiều cách để thể hiện ra cái tôi thăm thẳm của con người. Nhưng tôi nghĩ, khi hé lộ, tức là không cố ý, thì có khác đấy.
Thế nên, giá như, giá như là có ai đó, cùng được nghe anh hát, cái đêm ấy, trong hoàn cảnh ấy, cùng tôi!...
IV
Ngoài này tiếp khách, lấy rượu làm đầu. Khang cũng thế. Mỗi lần tôi đến chơi, anh thường tự tay đi mua rượu. Có bàn ghế nhưng với tôi anh thường trải chiếu xuống đất. Và anh làm việc này rất kỹ. Vừa chạy đi chạy lại kéo bốn góc chiếu cho thật phẳng, thật ngay ngắn, anh vừa bảo:
- “Chiếu trải không ngay không ngồi” mà thầy!
Anh bày đủ thứ trên đó: Chai rượu, cái điếu cày bằng một đoạn hóp rừng thẳng đuột, mỏng tang nhưng rất chắc, cây đàn ghi-ta, bàn cờ tướng.
Uống rượu với Khang, nhớ nhất là những hôm có ngán hấp. Con ngán ở biển Đông bắc tựa như con sò trong ta, nhưng to, có con bằng cả cái chén tống. Khi hấp phải lấy lạt tre rừng dẻo quánh buộc chặt lại. Con ngán phải ngậm miệng mà chín toàn tính bên trong. Khi dùng, bày ra xung quanh vành mâm, cởi lạt từng con hứng vào bát. Toàn bộ phần mềm con ngán tuột xuống nóng hôi hổi. Dầm ra, đổ ngập rượu thành một thứ men đùng đục hơi xanh, vị mằn mặn. Lần đầu tôi uống không quen. Ngang lắm! Nhưng về sau thì thấy ngon, lạ miệng. Khang lại bảo là rất bổ nữa. Khéo có thế thật!
Rượu vào, Khang hay ngâm:
“Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
La đà. Bên ngọn đèn dầu chập chờn đầy muội khói, ngoài trời mưa sa mù tí tách, nghe giọng ngâm lối cổ của Khang, những câu thơ ấy, nghĩ đến thân phận mình, tôi thấy lòng tôi như cũng đang dậy lên nỗi hờn xưa của những khách chinh phu…
V
Tập quán ngoài này ít nhiều pha trộn lối người Hoa. Khang thường giải thích cho tôi nhiều chuyện. Ví như về ngói âm dương, cách chế biến món khau nhục, vụng sát nhằn vàng của hải phỉ thuở trước…
Một lần về ăn Tết trong quê ra, Khang bảo:
- Vẫn để dành thầy bánh tài lồng ệt đấy!
Anh lấy ra một miếng bánh, như bánh mật trong xuôi. Nhưng nếu là cả cái thì to, bằng cả cái khay uống nước. Và cũng tròn như thế. Đây chỉ là một góc. Cắt nhỏ nữa thành nhiều miếng, anh bắc chảo đem rán rồi mời tôi nếm thử. Trời ơi, bánh mật mà lại đem rán! Ăn ngang phè!
Không muốn làm mất lòng ông bạn vong niên, tôi cố ăn vẻ ngon lành, vừa ăn vừa khen lấy khen để. Khổ chưa, chủ nhà thấy thế lại mời khách thêm miếng nữa! Đành phải biến báo. Cái sự xảo ngôn nhiều khi cũng cần thiết lắm. Ít ra cũng ngăn được miếng bánh mật rán mỡ lúc này!
Nhưng thấy Khang cười cười, tôi biết là Khang biết cả. Anh là người thấu hiểu tôi lắm!
VI
Một đêm, tôi cùng Khang bước dạo mãi ra ngoài thị trấn. Trời đêm tịnh không một bóng mây, không chút sương biển. Không gian vắng lặng. Chỉ đôi lúc bất chợt có tiếng chim nước ùng ục đâu đó phía ngoài sông Tiên Yên. Phía trên rừng núi trải ra đen sẫm trập trùng, bầu trời bao la chỉ duy nhất một vành trăng sáng quắc.
Khang ngẩng lên:
- Thầy bảo trăng kia giống cái gi?
Tự dưng tôi nói:
- Như lưỡi gươm Đa-mát!
Khang nói:
- Những tri thức thiên văn ám ảnh tôi. Trăng kia tôi lại nhìn rõ phần tối của nó hơn. Với tôi, nó chỉ là một khối vật chất lạnh lẽo. Hình dung nó lơ lửng giữa vũ trụ thăm thẳm, tôi thấy sợ…
Rồi Khang thì thào:
- Này, bao giờ chúng ta chết đi, nó vẫn thế!
Những lời anh nói, rất lạ, đã truyền cảm giác của anh sang tôi. Bất chợt, tôi cũng run lên…
VII
Đang đi trên ngầm, Khang chợt kéo tay tôi:
- Kìa, nom giống bức tranh không?
Thị trấn vốn là phố cổ, hứng lấy tất cả các đường bộ, đường thuỷ Đông bắc trước khi rót trả xuống dưới mạn Hòn Gai - Hải Phòng. Là vị trí xung yếu nhất của vùng nên trong chiến tranh, khó có bên nào trụ được ở đây lâu. Khi xưa, thổ phỉ và Việt Minh phải giành giật nhau mãi. Đây cũng từng là trạm thu vét ngọc trai duy nhất của Trương Phụ thời nhà Minh. Nghe nói vùng biển xứ này giống trai ngọc Lẩu phủ nhản (Mắt lão hổ) còn nhiều lắm.
Sông Tiên Yên chảy kề bên thị trấn. Sang bên kia đi Hà Cối, Móng Cái phải qua ngầm. Một bên ngầm, lòng sông thấp hẳn xuống, trải rộng ra ăn theo nhịp thuỷ triều. Một vùng nước xanh thẳm như một vịnh biếc.
Giữa ngầm, nơi tôi với Khang đứng quay lưng phía thượng nguồn, trông ra: Phía trên cao, dưới bầu thanh thiên điểm lửng lơ mấy đám mây trắng là những gờ đá xám lượn chồng lên nhau. Uốn vòng cung theo bờ vịnh là nhà cửa, phố xá xúm xít, lẩn khuất những tùng bách, đổ bóng rợp xuống xanh đen một vùng nước.
Chẳng khác một bức thanh thiên cổ hoạ vậy!
VIII
Tôi ốm. Căn bệnh thời khí ngoài này. Chẳng biết tây y gọi là bệnh gì nhưng ở đây ai cũng bảo là tôi bị píu xề. Ngày đêm tôi mê man chỉ gọi mẹ. Tiếng gọi thất thanh, hốt hoảng. Có lúc cũng gọi cả tên người có liên quan đến mùa thu đã qua. Mọi người sau kể lại với tôi thế.
Uống nhiều thuốc không đỡ. Cuối cùng bác Lộc Sếnh bên kia ngầm phải vào chữa cho tôi. Đầu tiên bác đốt ngải ở huyệt rồi cho tôi uống một thứ thuốc sắc mùi vị rất khó chịu. Nửa ngày trời trùm kín chăn, mở ra, khắp người tôi mọc đầy một thứ y hệt lông tơ con gà luộc chín khắp các lỗ chân lông. Lấy nắm cơm nếp, lăn đến đâu hết đến đó. Chỉ một ngày tôi đỡ hẳn.
Nhiều người đến thăm tôi, đem quà bánh cùng những lời thăm hỏi của người khoẻ mạnh. Chỉ có Khang là không. Thăm tôi đúng một lần, anh lại bảo:
- “Sinh lão bệnh tử”, gì mà phải băn khoăn!
Lúc ấy, tự dưng tôi thấy giận anh lắm. Cái thái độ dửng dưng, vô cầu của anh làm tôi thật khó chịu. Nhưng mà về sau, tôi biết, tâm trạng tôi lúc ấy cũng là thường tình. Con người Khang như thế, giận làm sao được!
Nhưng chính Khang lại là người mời bác Lộc Sếnh vào chữa thuốc cho tôi đấy.
IX
Khi tôi sắp mãn hạn công tác miền núi, hải đảo, chỉ có Khang nói thẳng:
- Ngoài này “ô châu ác địa”, lại thân cô thế cô, thầy về là phải.
Tôi về quê. Công tác gần nhà. Lấy vợ rồi có con. Cuộc sống ổn định nhưng ràng buộc từng ngày khiến tôi hả nhạt dần ý định trở lại ngoài đó như ý nghĩ lúc mới bắt đầu về. Cuộc sống rộng quá chiếc xe mà ta thì bị mắc vào cái ách của nó kéo hết dốc này đến dốc khác. Để tồn tại, ta buộc phải ở trong cái ách ấy, có mấy khi được thoát ra mà thoả mãn những mong ước trong sáng nhưng ích kỷ của ta?
Nhớ lần gặp cuối cùng trong cuộc rượu đượm mùi tống biệt, Khang có nói:
- Mời thầy cạn thêm chén này nữa. Việc đời xô dạt, đã chắc gì tôi với thầy còn được uống với nhau?
Cái vẻ mặt “Tây xuất Dương Quan…” của Khang hôm ấy quả là có thật, nghiêm trọng lắm! Thế nên tôi chẳng còn biết nói sao.
Nhưng mà lúc ấy và ngay cả bây giờ, tôi vẫn nghĩ sẽ có ngày tôi nhất quyết dứt ra khỏi những ràng buộc để trở lại Đông bắc. Sẽ có một ngày nào đó chứ, ta sẽ còn được ngồi lại với nhau phải không Khang, ông bạn vong niên yêu mến của tôi!
Việt Trì, 9-1993
Truyện ngắn của Vũ Khánh
Ý kiến ()