Tất cả chuyên mục

Thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, huyện Đầm Hà sẽ sáp nhập 2 xã Quảng Lợi và Quảng Tân, nhằm tăng quy mô của xã, giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, biên chế, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương.
Xã Quảng Lợi có diện tích hơn 9,3km2, dân số trên 2.500 người, chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Nghị quyết số 1121/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Diện tích nhỏ , dân số ít đã cản trở sự phát triển của Quảng Lợi cũng như làm phân tán nguồn lực đầu tư của huyện Đầm Hà.
Việc sáp nhập xã Quảng Lợi với xã Quảng Tân thành xã mới Quảng Tân sẽ tạo điều kiện để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, hình thành nguồn quỹ đất dồi dào để thu hút đầu tư, giúp nhân dân tích tụ ruộng đất. Đây cũng là cơ hội để xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo điều kiện tốt hơn để chăm lo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội cho người dân. Anh Trần Văn Thủy (thôn Châu Hà, xã Quảng Lợi) hồ hởi cho biết: "Người dân chúng tôi thấy được thông báo sáp nhập 2 xã Quảng Lợi, Quảng Tân thì rất vui mừng, phấn khởi. Bởi chúng tôi được biết Nhà nước sẽ đầu tư thêm nhiều tuyến đường nội đồng để giúp bà con đi lại, gặt hái thuận tiện, đời sống sẽ dần khấm khá hơn".
![]() |
Sáp nhập 2 xã sẽ giúp nhân dân tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. |
Theo ông Phạm Văn Kha, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà: Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, không gian phát triển kinh tế không bị chia cắt, nhỏ lẻ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng giai đoạn 2020-2025 và các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời hạn chế việc phân tán các nguồn lực của huyện và của tỉnh trong đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.
Sau khi sáp nhập, bộ máy hành chính của xã mới sẽ được sắp xếp tinh gọn hơn. Đây là cơ hội, cũng là động lực để đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi tư duy, tự phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
Bên cạnh đó, để ổn định tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, huyện xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức sau sắp xếp, sáp nhập. Theo đó, số cán bộ, công chức dôi dư sẽ được bố trí, điều động đến các xã khác còn thiếu, chuyển đổi vị trí công chức xã, tuyển dụng làm công chức cấp huyện hoặc viên chức ở đơn vị sự nghiệp nếu đủ điều kiện. Anh Phạm Văn Đại, công chức xã Quảng Tân, cho biết: "Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là một chủ trương đúng đắn của tỉnh và huyện nên chúng tôi rất đồng thuận. Với phương án sắp xếp nhân sự của huyện, chúng tôi cũng yên tâm để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình sau khi sáp nhập 2 xã".
![]() |
Sau khi sáp nhập, bộ máy hành chính của xã mới Quảng Tân sẽ được sắp xếp tinh gọn hơn. |
Ngày 26/10/2019, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2021, hoàn thiện quy trình, thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Để phát huy hiệu quả của đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, hiện nay huyện Đầm Hà đang tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện các đề án, kế hoạch, mục tiêu của xã Quảng Lợi, Quảng Tân đã xây dựng và ban hành trước kia để hợp nhất, điều chỉnh, bổ sung thành chương trình, kế hoạch thực hiện của xã mới.
Hiện cả 2 xã Quảng Lợi và Quảng Tân đều đã hoàn thành chương trình nông thôn mới. Sau khi được sáp nhập, xã Quảng Tân mới sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Trong đó, ưu tiên huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình đầu tư phục vụ an sinh xã hội, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường… đảm bảo nâng chất các tiêu chí để xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Tăng cường nguồn lực cho giảm nghèo bền vững, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh quốc phòng ở địa phương.
Ngọc Ánh
Ý kiến ()