Tất cả chuyên mục

Tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển kinh tế thuỷ sản. Theo mục tiêu của chính sách, đến hết năm 2016, Quảng Ninh được Trung ương phân bổ chỉ tiêu phát triển 39 chiếc tàu có công suất trên 400CV. Ngoài ra việc nâng cấp tàu dưới 400CV lên tàu có công suất trên 400CV được Trung ương khuyến khích, không giới hạn số tàu. Tuy nhiên, sau một năm triển khai nghị định, trên địa bàn toàn tỉnh mới có 3 chủ tàu được ký hợp đồng tín dụng; 28 chủ tàu chưa hoàn thiện hồ sơ vay vốn nộp cho các ngân hàng thương mại thẩm định
![]() |
Phần lớn các tàu trên địa bàn tỉnh là tàu công suất nhỏ, khai thác ven bờ (ảnh chụp tàu neo đậu tại sông Hà Cối, huyện Hải Hà). |
“Bó” ngay từ chính sách
Sau khi rà soát phân bổ chỉ tiêu của Bộ NN&PTNT, số lượng tàu được UBND tỉnh phê duyệt là 41 tàu (tăng 2 chiếc so với số lượng tàu đóng mới đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt). Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ninh, tính đến ngày 15-8, ngân hàng đang nhận hồ sơ của 13 chủ tàu, trong đó đã ký hợp đồng tín dụng 3 hồ sơ; từ chối cho vay 1 hồ sơ; đang xử lý 9 hồ sơ. Đáng chú ý là trong 28 hồ sơ ngân hàng chưa nhận được thì có 8 chủ tàu không còn nhu cầu thực hiện dự án; 10 chủ tàu đang nghiên cứu, tham khảo, chưa lựa chọn mẫu tàu, cơ sở đóng tàu, chưa lập phương án vay vốn; 4 chủ tàu chưa gửi lại hồ sơ hoàn thiện theo hướng dẫn cho ngân hàng; 6 chủ tàu chờ thay đổi chính sách mới thực hiện dự án.
Được biết, nguyên nhân khiến cho số chủ tàu được ký hợp đồng tín dụng thấp là vì Nghị định có khá nhiều những quy định khắt khe, không phù hợp với thực tế. Do đó, nhiều vướng mắc đã nảy sinh ngay từ khâu thiết kế đến xây dựng dự toán, lựa chọn cơ sở đóng tàu, vốn đối ứng... Cụ thể, trong 21 mẫu tàu cá của Bộ NN&PTNT công bố thì các ngư dân đều cho rằng chưa phù hợp với nhu cầu của họ. Ông Nguyễn Văn Khắc, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn nói: “Bộ đã lấy các mẫu tàu của 3 địa phương là Thanh Hoá, Quảng Bình, Nghệ An để thiết kế thành một mẫu chung nên chúng tôi không thể đồng ý, vì nó không phù hợp với nhu cầu và tập quán đánh bắt. Đơn cử với mẫu tàu chụp mực, thiết kế của Bộ yêu cầu tàu phải có chiều cao 3,9m và dài 30,5m, phần từ đáy tàu lên đến mớn nước là 1,5m. Nếu làm theo thiết kế này thì tàu sẽ rất dễ bị nghiêng lắc, gặp sóng to có thể dẫn tới lật úp tàu. Trong khi đó, chúng tôi chỉ cần tàu có chiều cao tối đa 3,5m nhưng phần từ đáy tàu lên đến mớn nước phải là 2,7m. Nếu muốn điều chỉnh thiết kế, chúng tôi lại phải thực hiện tập trung tại Trung ương, chi phí tương đối lớn lên tới 60-80 triệu đồng. Dẫn tới tình trạng, một số ngư dân có nhu cầu điều chỉnh thiết kế mẫu tàu cá nhưng lại sợ nếu bỏ tiền ra thuê điều chỉnh thiết kế mà ngân hàng không cho vay vốn thì sẽ bị mất số tiền lớn trên. Trong khi đó hồ sơ vay vốn của ngân hàng thương mại nhất định phải có thiết kế hoặc điều chỉnh thiết kế tàu cá đã được phê duyệt. Do đó, phần lớn các chủ tàu tại Vân Đồn đã từ bỏ ý định tham gia theo Nghị định 67.
Không chỉ bất cập trong khâu thiết kế, Nghị định 67 còn làm “khó” nhiều ngư dân trong việc bắt buộc phải xây dựng phương án vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh, lập dự toán, chứng minh khả năng trả nợ... Trường hợp của chủ tàu Đỗ Văn Tẹo tại TX Quảng Yên là một ví dụ. Mặc dù đã theo đuổi Nghị định hàng năm trời, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ cần thiết nhưng do chưa bố trí được vốn đối ứng, chưa có phương án sản xuất cụ thể đối với tàu lưới chụp vỏ thép 829CV nên ngân hàng đã từ chối cho vay. Đáng tiếc, trường hợp của ông Tẹo cũng không phải duy nhất, bởi lẽ ngoài 3 chủ tàu trên địa bàn tỉnh đã được ký hợp đồng tín dụng, thì phần lớn các chủ tàu khác đều đang rơi vào tình trạng này. Ông Bùi Thế Tuân, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô cho hay: Do tàu nằm ngay gần ngư trường nên ngư dân chủ yếu đánh bắt theo ngày, chưa có kinh nghiệm khai thác trên tàu công suất lớn, tàu vỏ sắt... nên việc đưa ra phương án sản xuất khả thi, có hiệu quả kinh tế để thuyết phục các ngân hàng là khó khăn. Vì vậy, trong tổng số 3 chủ tàu trên địa bàn huyện đăng ký thì mới có 1 chủ tàu hoàn thiện các hồ sơ theo quy định.
![]() |
Khó tiếp cận vốn vay tàu vỏ thép nên ngư dân vẫn đóng tàu gỗ để đi biển (Trong ảnh: Cơ sở đóng tàu thuyền của ông Lê đức chắn, khu 8, phường Phong hải, T X Quảng Yên) |
Ngân hàng thận trọng?
Mặc dù phải mất nhiều tháng và chi phí để điều chỉnh thiết kế, bố trí vốn đối ứng, thuê đơn vị tư vấn lập dự toán... nhưng với những lợi ích lớn mà Nghị định 67 mang lại nên phần lớn các ngư dân đều thiết tha theo đuổi dự án. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, “nút thắt” của dòng tín dụng dường như còn đến từ chính phía các ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Hội (thôn Bắc, xã Phú Hải, huyện Hải Hà) cho hay: Nghe tin Chính phủ cho bà con vay vốn để đóng tàu vỏ thép công suất lớn với lãi suất ưu đãi đã khiến chúng tôi mừng phát khóc. Chính vì thế, khi Ngân hàng Agribank Hải Hà yêu cầu hoàn thiện, chỉnh sửa hồ sơ, tôi đều thực hiện cho bằng được. Đến bây giờ, phía ngân hàng cho rằng, phương án vay vốn và sản xuất của tôi không khả thi nên đã trả lại hồ sơ. Trong khi đó, cách đây 10 năm, cả gia đình chỉ có 2 con tàu gỗ với giá trị trên 100 triệu đồng. Đến nay, nhờ chịu khó làm ăn, gia đình đã đóng được 2 con tàu mới trên 3 tỷ đồng. Chúng tôi cam đoan chỉ sau 5-7 năm, với 1 con tàu vỏ thép có công suất 920CV, đầy đủ tiện nghi, có thể vươn khơi ra tận Vịnh Bắc Bộ đánh bắt thì chỉ sau 5-7 năm, chúng tôi sẽ trả đủ số tiền 20 tỷ đồng. Điều đáng nói, không những nêu thiếu sót để trả hồ sơ mà nhiều lần cán bộ ngân hàng còn khuyên gia đình không nên tham gia Nghị định 67. Giờ bỏ ra 80 triệu đồng để điều chỉnh thiết kế mà không được vay vốn thì ai chịu cho chúng tôi?”.
Còn theo phản ánh của nhiều ngư dân khác thì việc hoàn chỉnh hồ sơ chậm, còn do các ngân hàng thương mại chưa có kinh nghiệm trong việc đánh giá giá trị tàu đánh bắt hải sản và thẩm định hiệu quả phương án đánh bắt hải sản xa bờ; chưa có đề cương thống nhất của phương án vay vốn để thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện. Hoặc đã hoàn chỉnh hồ sơ nhưng việc giải ngân chậm. Trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Tùng (tổ 3, khu 6A, phường Cẩm Trung, Cẩm Phả) là một ví dụ. Là một trong 3 chủ tàu đầu tiên trên địa bàn tỉnh được ký hợp đồng tín dụng vào tháng 6 vừa qua, anh Tùng sẽ được đóng mới 1 tàu vỏ gỗ 680CV với kinh phí khoảng 9 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ cho vay 6 tỷ đồng, anh Tùng bố trí vốn đối ứng là 3 tỷ đồng. Không giấu được vẻ bức xúc, anh Tùng cho biết: Hợp đồng ghi rõ, ngân hàng sẽ giải ngân vốn vay theo tiến độ của dự án, thế nhưng đến ngày 30-8, tàu của tôi đã đóng được 80-90% khối lượng, nhưng đến giờ ngân hàng vẫn chưa tiến hành giải ngân. Trong khi đó, phía xưởng đóng tàu thì thúc giục trả tiền, tàu đóng xong thì phải lắp đặt máy móc, thiết bị. Mặc dù đã nhiều lần liên lạc với Ngân hàng Agribank Cẩm Phả nhưng gần 3 tháng rồi, câu trả lời chúng tôi nhận được vẫn là “đang xem xét” hoặc “hẹn hôm khác”.
Vẫn biết, bản chất của nghề đi biển là đầy rủi ro và các ngân hàng thương mại là người phải gánh chịu nên việc các ngân hàng thận trọng trong việc cho vay là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thế nhưng, thay vì nêu các khó khăn để gây chán nản cho ngư dân thì các ngân hàng cần trả lời rõ ràng cho ngư dân biết có được vay hay không, hoặc hướng dẫn cụ thể đối với những hồ sơ chưa hoàn chỉnh. Nếu đã ký hợp đồng tín dụng thì việc giải ngân cũng cần được thực hiện theo đúng cam kết. Đồng thời, với những lợi ích to lớn mà Nghị định 67 mang lại cho ngư dân, các cơ quan chức năng, các bộ chuyên ngành cũng cần sớm có nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung kịp thời những điều chưa hợp lý. Nếu không, số tàu được đóng mới có lẽ vẫn sẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn ngư dân muốn “bám biển” thì lại phải tự mình tìm hướng đi mới sau một năm mỏi mòn chờ đợi.
Hoàng Nga
Ý kiến (0)