Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:17 (GMT +7)
Siết chặt kiểm soát người ra vào tỉnh, thành lập sở chỉ huy phòng, chống dịch
Thứ 3, 17/08/2021 | 20:32:57 [GMT +7] A A
Chiều 17/8, Thường trực Tỉnh ủy họp nghe và cho ý kiến về các biện pháp mới, cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì. Cuộc họp được trực tuyến tới 13 địa phương cấp huyện và 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tuần qua, Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống dịch liên tục có các chỉ đạo kịp thời, sát với diễn biến tình hình, nhằm ngăn chặn các nguy cơ về dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Trong đó, tiếp tục tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý người, phương tiện, hàng hóa lưu thông ra, vào tỉnh; người về từ vùng dịch; đồng thời, tạo điều kiện cho việc sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, góp phần vào đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa quốc gia. Công tác tiêm chủng được thực hiện an toàn, đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh có trên 170.000 người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó trên 92.500 người được tiêm đủ 2 mũi.
Hiện nay, các địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện xét nghiệm sàng lọc tầm soát người có nguy cơ trên địa bàn. Trong 2 tuần qua, trên địa bàn tỉnh đã có 70.644 người làm xét nghiệm sàng lọc, chủ yếu bằng phương pháp RT-PCR gồm những người có dấu hiệu ho, sốt trong cộng đồng, lái xe vận chuyển hàng hóa ngoại tỉnh vào Quảng Ninh, lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh, người bán hàng, lái taxi, nhân viên nhà hàng, khách sạn, lao động tự do, lao động ngoại tỉnh, lực lượng tuyến đầu… Kết quả các mẫu đều âm tính.
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ trên 193.700 lao động thuộc 5.306 doanh nghiệp với số tiền trên 15,4 tỷ đồng. Ngày 16/8, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định "Về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19". Theo đó, một số nhóm đối tượng như người thu gom rác, phế liệu; bốc vác; vận chuyển hàng hoá; lái xe mô tô 2 bánh, 3 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; người làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch… sẽ được hưởng thụ chính sách này.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống dịch, UBND tỉnh đã ban hành phương án bảo đảm công tác y tế đối với tình huống khi có 1.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh và thành lập Tổ xây dựng phương án y tế khi có 5.000 và 10.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn. Riêng về phương án sẵn sàng tổ chức cách ly tập trung, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định địa điểm bổ sung công suất cách ly tập trung; chuẩn bị sẵn sàng điện, nước, vệ sinh, phương án đảm bảo lương thực thực phẩm để vận hành cơ sở cách ly trong mọi tình huống.
Thống nhất với các ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, thời gian qua các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh luôn tập trung quyết liệt chỉ đạo, thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã qua hơn 7 tuần chưa phát hiện ca nhiễm cộng đồng. Sự tin tưởng, ủng hộ và kỳ vọng của người dân vào các chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch của tỉnh ngày càng được củng cố và tăng lên. Sức sản xuất của các ngành kinh tế chủ lực được duy trì ổn định. Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, nhất là các lực lượng tuyến đầu, các tổ tự quản cộng đồng phòng, chống Covid-19.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá rất cao những hy sinh thầm lặng của các lực lượng đã bền bỉ làm nhiệm vụ chống dịch ở các chốt, trạm kiểm soát ra vào tỉnh trong suốt thời gian dài. Vượt qua điều kiện làm việc vất vả, đối diện với những nguy cơ về dịch bệnh, nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn hết mình vì công việc và vì mục tiêu lớn nhất là phòng, chống, ngăn chặn dịch. Đồng chí yêu cầu, các địa phương đơn vị phải quan tâm có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối những người cá nhân tiêu biểu.
Đồng chí cũng chỉ rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh thành phía Nam và Hà Nội, gây những áp lực không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Trong khi đó, tỉnh vẫn phải đảm bảo sự lưu thông của phương tiện, hàng hóa ra, vào tỉnh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng quốc gia; năm học mới chuẩn bị bắt đầu, do đó đặt ra yêu cầu phải tập trung chuẩn bị tốt nhất, an toàn nhất cho việc học của con em mình.
Qua các ý kiến tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thống nhất với các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó, yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở cả ba cấp phải tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Đặc biệt, phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện cơ chế “sớm hơn, cao hơn, nhanh hơn và quyết liệt hơn”, quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch.
Về biện pháp cụ thể, đồng chí yêu cầu, tiếp tục kiên trì thực hiện đúng quan điểm “ngăn là chủ đạo, không để mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn bằng bất cứ con đường nào”.
Bên cạnh đó, phải củng cố các chốt, trạm kiểm soát ra, vào tỉnh, nhất là về con người, phương tiện làm việc, điều kiện sinh hoạt… đáp ứng yêu cầu chống dịch dài ngày và bảo vệ sức khỏe cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Các địa phương phải có phương án chia ca, chia kíp cho phù hợp hơn. Trước mắt, có phương án nâng cao chất lượng bữa ăn cho lực lượng trực chốt; lưu ý, hàng ngày phải xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho các lực lượng ở các chốt, trạm trên quốc lộ ra vào tỉnh.
Tiếp tục siết chặt hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh. Theo đó, phải bổ sung thêm một số biện pháp nhằm ngăn ngừa hiệu quả hơn các nguy cơ về mầm bệnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, với các chủng bệnh hết sức nguy hiểm, lây lan mạnh; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân Quảng Ninh không nên ra khỏi tỉnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, cũng như chung tay góp sức giữ thành quả chống dịch của tỉnh.
Trong trường hợp cấp thiết phải ra khỏi tỉnh, phải thực hiện nghiêm các quy định chống dịch của địa phương mình tới. Nếu đi ra và quay lại tỉnh trong vòng thời gian 24h, vẫn được sử dụng giấy xét nghiệm RT-PCR đã thực hiện trước đó tại tỉnh. Nhưng nếu vượt quá 24h, khi quay về phải có giấy xét nghiệm RT-PCR ở địa phương đã tới. Người dân Quảng Ninh nếu đi tới vùng dịch, khi quay về tỉnh, phải thực hiện cách ly tập trung có trả phí.
Riêng đối với cán bộ công chức ra khỏi tỉnh, phải có công lệnh, giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Trong đó, lưu lại một bản tại cơ quan, đơn vị để quản lý và xử lý trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm. Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ người vào đơn vị mình.
Đối với các lái xe khi chở hàng hóa vào địa bàn tỉnh, sẽ áp dụng kinh nghiệm của nhiều tỉnh thành hiện nay như thành phố Hải Phòng đã triển khai là phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR có hiệu lực trong vòng 48h. Yêu cầu tất cả người trên phương tiện phải luôn sử dụng và bật ứng dụng Bluezone để tạo thuận tiện cho công tác truy vết khi cần thiết.
Đồng chí giao trách nhiệm chủ tịch UBND các địa phương đảm bảo năng lực cách ly theo phương án cách ly diện rộng, đáp ứng tình hình đối phó với chủng Delta. Chuẩn bị phương án, mọi nguồn lực sẵn sàng đáp ứng cho các tình huống có thể nảy sinh xảy ra theo các cấp độ trên tinh thần “tự lực, tự cường" của tỉnh. Ngoài trang thiết bị, vật tư y tế, thì quan trọng nhất vẫn là việc tổ chức nhân lực hiệu quả, khoa học.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch Covid-19. Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch. Các địa phương phải thành lập sở chỉ huy hoặc trung tâm chỉ huy do Phó Bí thư, Chủ tịch UBND làm Chỉ huy trưởng và có bộ phận thường trực giúp việc 24/7; Sở Y tế giữ vai trò chuyên môn. Trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và tích hợp các công nghệ hiện đại nhất trong phòng, chống dịch.
Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch, phải đẩy nhanh tiến độ, triển khai hiệu quả các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất kinh doanh, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép, trong đó thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()