Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:55 (GMT +7)
Siết chặt quản lý ATTP mùa lễ hội
Thứ 3, 31/01/2023 | 12:56:54 [GMT +7] A A
Trong và sau Tết Nguyên đán 2023, lượng du khách đến Quảng Ninh rất đông. Cùng với đó, các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là loại hình thức ăn đường phố phục vụ nhu cầu của thực khách tham dự lễ hội nhộn nhịp. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cho mùa lễ hội Xuân 2023, các cơ quan chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Quảng Ninh có đường biên giới trải dài, địa hình rộng, các đối tượng lợi dụng để buôn lậu hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 49.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm. Thực phẩm được nhập từ nhiều nguồn trong, ngoài tỉnh, nhập khẩu, nên việc kiểm soát ATTP luôn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ làm công tác đảm bảo ATTP còn mỏng ở cấp cơ sở; nhận thức của một số người tiêu dùng còn hạn chế, dễ dãi trong sử dụng thực phẩm rẻ, không an toàn... Đó là những khó khăn, thách thức rất lớn đối với công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết và mùa lễ hội xuân 2023 trên địa bàn.
Căn cứ vào kế hoạch của Trung ương, chỉ đạo của tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2023. Trong đó đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP; các biện pháp về đảm bảo ATTP; tuyên truyền cho người tiêu dùng biết cách chọn mua thực phẩm an toàn và biết các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm trên địa bàn; giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh dịch truyền qua thực phẩm, nhất là các nơi diễn ra lễ hội, các địa điểm tổ chức ăn đông người; chủ động các kế hoạch, phương án cấp cứu điều trị kịp thời người ngộ độc thực phẩm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời không để diễn biến kéo dài phức tạp.
Từ đầu tháng 1/2023, các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm siết chặt và ngăn chặn kịp thời việc SXKD thực phẩm giả, kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân. Đoàn liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm mua bán, SXKD, kho, bến bãi tập kết hàng hóa...
Theo ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế): Nhằm bảo đảm tốt công tác ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trong thời điểm diễn ra lễ hội, Chi cục đã xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; chỉ đạo và hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; kiểm tra, giám sát, ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý. Chi cục chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, chủ cơ sở nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giữ uy tín với du khách. Hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ được đơn vị duy trì suốt trong năm 2023.
Tại TP Móng Cái, trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2023, 18 đoàn liên ngành của thành phố và các xã, phường đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại 75 cơ sở SXKD thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua đó nhắc nhở 32 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 8 vụ; tiêu huỷ số hàng hoá trị giá 28,5 triệu đồng. Thành phố đã làm test xét nghiệm nhanh ATTP đối với một số sản phẩm như rau cải, giò, chả, nước sinh hoạt, rượu, bát, khay chứa thực phẩm, methanol…tại một số cửa hàng; kết quả đều âm tính. Đến nay, thành phố đã thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP đối với 5.514/6.004 cơ sở (91,8%); trong đó lĩnh vực y tế thực hiện ký cam kết đối với 504/504 cơ sở, lĩnh vực công thương, nông nghiệp thực hiện ký cam kết đối với 5.010/5.500 cơ sở (91%).
TP Cẩm Phả hiện có trên 3.300 cơ sở SXKD thực phẩm. Để đảm bảo an toàn mùa lễ hội, công tác vệ sinh ATTP luôn được thành phố quan tâm. Riêng dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2023, thành phố đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác bảo đảm ATTP tới các đơn vị, hộ kinh doanh tại các xã, phường. Đồng thời thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh hàng ăn uống, đoàn liên ngành của thành phố chú trọng kiểm tra các nội dung: Cam kết cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo quy định khi cần thiết; giấy kiểm nghiệm các chỉ tiêu nước sinh hoạt, ăn uống của cơ sở; các hồ sơ pháp lý khác theo yêu cầu của đoàn kiểm tra nếu cần thiết. Từ đầu tháng 1/2023 đến nay, đoàn liên ngành của thành phố và các xã, phường đã kiểm tra trên 100 cơ sở; qua đó phát hiện 11 cơ sở vi phạm quy định về ATTP, phạt 9,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Đội QLTT số 3 phối hợp với Công an thành phố kiểm tra, xử lý 10 vụ, phạt 27 triệu đồng.
Theo lãnh đạo TP Cẩm Phả, không chỉ tăng cường kiểm tra ATTP tháng cao điểm, dịp lễ, Tết, hoạt động này được thành phố duy trì thường xuyên, liên tục. Mỗi tháng, thành phố duy trì 2 đoàn liên ngành cấp thành phố, tập trung kiểm tra lĩnh vực nông nghiệp, công thương, y tế. Đồng thời 16 xã, phường đều vào cuộc, kiểm tra thường xuyên. Qua đó đã xử lý vi phạm hành chính về ATTP gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Những cơ sở nào cố tình vi phạm, thành phố áp dụng mức phạt cao nhất để có tính răn đe.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()