Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 18:21 (GMT +7)
Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục, Lào trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới trong cộng đồng
Thứ 6, 01/10/2021 | 08:22:10 [GMT +7] A A
Đến sáng 1/10, thế giới có trên 234,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,79 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 44,2 triệu ca mắc và hơn 715.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 69.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 30/9, nước này ghi nhận gần 27.300 ca mắc mới COVID-19 và 282 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,7 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 448.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 27.500 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 596.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 21,4 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Liên minh châu Âu (EU) sẽ gia hạn cơ chế kiểm soát và có thể hạn chế việc xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 của khối này cho đến cuối năm 2021, thay vì hạn chót vào cuối tháng 9. Đây là thông báo vừa được giới chức EU đưa ra.
Trước đó, vào đầu tuần này, Ủy ban châu Âu đã đề nghị gia hạn cơ chế trên. Ban đầu, toàn bộ các nước thành viên EU không ủng hộ đề xuất này do chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai khá nhanh và không còn tình trạng thiếu vaccine như trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, do chưa chắc chắn về việc đảm bảo các mũi vaccine tăng cường trong bối cảnh các biến thể mới lây lan nên các nước trong khối sẽ phải duy trì một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Tỷ lệ các ca mắc mới COVID-19 tại Đức đã tăng trở lại trong 7 ngày qua sau khi giảm trong hơn 2 tuần. Cụ thể, Đức đã ghi nhận 11.015 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Hiện có những dấu hiệu cho thấy, Đức có thể phải hứng chịu một làn sóng dịch bệnh mới vào tháng 10 tới, trong khi chương trình tiêm phòng tại nước này lại đang có dấu hiệu chậm lại dù còn cách xa mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Đức đạt tới gần 65%, ngày 30/9, chính quyền 3 bang Bayern, Saarland và Berlin thông báo thay đổi quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong trường học đối với học sinh. Tuy nhiên, tất cả các trường học tại những bang còn lại ở Đức vẫn áp dụng quy định đeo khẩu trang khi tới trường.
Tính đến ngày 29/9, hơn 53 triệu người dân Đức đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, tương đương 64% dân số. Hiện Đức ghi nhận trên 4,2 triệu ca mắc và hơn 94.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Pháp thông báo, nước này bắt đầu áp dụng quy định yêu cầu thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên trình chứng nhận y tế khi tới các địa điểm công cộng như nhà hàng, câu lạc bộ thể thao và rạp chiếu phim. Trong 2 tháng qua, người trưởng thành tại Pháp đã phải thực hiện quy định này. Pháp ban hành quy định nói trên nhằm bảo vệ các kết quả phòng chống dịch COVID-19 mà nước này đạt được trong bối cảnh có nhiều lo ngại khả năng số ca nhiễm mới gia tăng khi thời tiết lạnh hơn và có nhiều người tham gia các hoạt động ngoài trời hơn.
Hiện chứng nhận y tế tại Pháp tồn tại dưới dạng giấy hoặc mã QR trên điện thoại, trong đó sẽ có các thông tin như xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tình trạng tiêm chủng hoặc xác minh về tình trạng miễn dịch với COVID-19.
Nga ngày 30/9 thông báo, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 867 ca tử vong do COVID-19, con số cao kỷ lục mới trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng. Nhà chức trách Nga cùng ghi nhận 23.883 ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong ngày qua, so với 22.430 ca ghi nhận trong ngày 29/9.
Nga hiện là tâm dịch lớn thứ năm thế giới với trên 7,5 triệu trường hợp nhiễm và hơn 207.200 bệnh nhân qua đời.
Ukraine cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh. Bộ Y tế Ukraine ngày 30/9 cho biết, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày tại nước này đã tăng lên mức gần 12.000 lần đầu tiên kể từ tháng 4 vừa qua. Ukraine cũng báo cáo thêm 194 người tử vong. Số ca mắc mới tại nước này đã tăng trong vài tuần qua và Chính phủ Ukraine đã siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Ukraine, với dân số 41 triệu người, nằm trong số các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với khoảng 2,42 triệu ca mắc và 56.274 trường hợp không qua khỏi kể từ đầu dịch.
Ngày 30/9, các bãi biển và bể bơi ở thủ đô La Habana của Cuba cũng như đại lộ El Malecon nổi tiếng ven biển đã mở cửa trở lại sau 9 tháng đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Truyền thông Nhà nước Cuba dẫn thông báo chính thức của Thống đốc La Habana, ông Reynaldo Garcia, cho biết, các bãi biển và bể bơi được phép hoạt động 50% công suất nhưng phải đảm bảo thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, tại các bể bơi và khu vực bãi biển, việc đeo khẩu trang là bắt buộc trừ khi bơi lội.
Ngoài ra, chính quyền La Habana cũng cho phép người dân tập thể dục ở những nơi công cộng. Tuần trước, các nhà hàng, quán bar và địa điểm công cộng khác đã được phép mở cửa trở lại ở 8/15 tỉnh của Cuba nhưng vẫn bị giới hạn công suất hoạt động.
Trong 24 giờ qua, Lào đã ghi nhận 358 ca nhiễm mới COVID-9. Trước nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 mới trong cộng đồng, nước này hiện đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Cơ quan y tế Lào đã lập thêm bệnh viện dã chiến tại thủ đô Vientiane để ứng phó với trường hợp lây nhiễm phức tạp hơn, đồng thời mua thêm 50 xe cứu thương để phân bổ cho 11 tỉnh trên cả nước nhằm cải thiện công tác vận chuyển bệnh nhân COVID-19.
Công an thủ đô Vientiane cũng thông báo bổ sung các đối tượng được phép ra vào thành phố trong giai đoạn phong tỏa. Theo đó, có 4 đối tượng được phép đi qua các chốt kiểm soát để ra vào thủ đô gồm xe chở hàng hóa và xe dự án nhà nước, cá nhân được phân công bởi cơ quan nhà nước đi thực thi công vụ, người bệnh hoặc xe y tế và người tham gia sản xuất nông nghiệp gần các tỉnh không có "vùng đỏ".
Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 23.846 ca, trong đó có 18 người tử vong.
Tại Campuchia, tính từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên quy mô lớn vào ngày 20/2 đến ngày 29/9 vừa qua, đã có 9.898.651 người từ 18 tuổi trở lên (tương đương 98,99% tổng số người trưởng thành ở nước này) được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 9.406.034 người đã hoàn thành hai mũi tiêm. Bắt đầu từ ngày 11/10 tới, chính quyền thủ đô Campuchia sẽ triển khai tiêm phòng liều tăng cường cho toàn bộ người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 trước đó, với khoảng cách tối thiểu giữa mũi thứ 2 và thứ 3 là 4 tháng.
Bộ Y tế Campuchia ngày 30/9 xác nhận, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 978 ca mắc mới (gồm 81 người nhập cảnh và 897 trường hợp lây nhiễm cộng đồng) và 17 người tử vong. Tính đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 112.651 ca mắc COVID-19, trong đó 102.827 người đã khỏi bệnh và 2.319 cư dân thiệt mạng.
Bộ Y tế Singapore ngày 30/9 thông báo. trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 2.268 ca mắc mới COVID-19, cao hơn mức kỷ lục ghi nhận 1 ngày trước đó 32 trường hợp. Như vậy, trong 2 ngày qua, số ca mắc mới tại Singapore liên tục lập mốc cao nhất từ trước tới nay. Trong số các ca mắc mới, có 1.810 người lây nhiễm trong cộng đồng, 448 trường hợp lây nhiễm trong khu nhà tập thể dành cho lao động nhập cư và 10 ca nhập cảnh.
Tình hình dịch bệnh tại Singapore diễn biến phức tạp trong bối cảnh nước này vừa nới lỏng các hạn chế sau khi được ghi nhận là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trong khu vực và thế giới, với hơn 80% dân số đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo quyết định của cơ quan công quyền Malaysia, trước ngày 1/11, tất cả công chức, viên chức nước này đều phải tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp chế tài. Ngày 30/9, Cục Phục vụ công cộng Malaysia phát đi thông báo cho biết, tới nay đã có 98% công chức, viên chức nước này tiêm chủng ngừa COVID-19 và chỉ có 1,6% (16.902 người) chưa đăng ký tiêm chủng. Thông báo nêu rõ, tất cả công chức, viên chức phải tiêm chủng để tạo niềm tin và sự an tâm cho người dân, chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên cả nước. Việc làm này cũng phù hợp với Trình tự vận hành tiêu chuẩn (SOP) trong các giai đoạn của Kế hoạch Hồi phục quốc gia (NRP) mà Malaysia đã đề ra.
Theo Bộ Y tế Malaysia, đến hết ngày 29/9, Malaysia đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 20 triệu người, tương đương 61,5% dân số. Nếu tính người từ 18 tuổi trở lên, Malaysia có 94,1% đã tiêm ít nhất 1 mũi, bao gồm 85,7% hoàn thành tiêm chủng 2 mũi. Đối với thiếu niên, 43% đã tiêm ít nhất 1 mũi, bao gồm 1,3% hoàn thành tiêm chủng.
Nước này hiện ghi nhận tổng số ca bệnh trên 2,24 triệu người, bao gồm hơn 26.300 trường hợp thiệt mạng.
Nền kinh tế Philippines có thể mất hơn một thập kỷ để khôi phục tăng trưởng như trước đại dịch. Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế nước này đưa ra trong ngày 30/9.
Các lệnh phong tỏa, hạn chế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Philippines, khiến hàng triệu người mất việc làm, nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói. Hiện 70% nền kinh tế nước này đang chịu các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Những lĩnh vực trọng yếu như du lịch, nhà hàng không thể mở cửa trở lại hoàn toàn. Năng suất lao động thấp hơn do nhiều lao động tử vong, bệnh tật. Các thiệt hại mà Philippines phải gánh chịu và chi phí từ những biện pháp chống dịch được dự báo có thể lớn tới hơn 41.000 tỷ Peso (tương đương 810 tỷ USD).
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm đúng hạn, tức là chỉ áp dụng tới hết ngày 30/9. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4, toàn bộ 47 địa phương tại Nhật Bản không còn duy trì các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt và từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Nhà chức trách Nhật Bản nhấn mạnh, sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, người dân vẫn phải nêu cao ý thức cảnh giác và thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người.
Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được duy trì đều đặn. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu, trong thời gian sớm nhất sẽ hoàn thành mũi tiêm thứ hai cho tất cả những người đã đăng ký vào khoảng cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, Nhật Bản sẽ sớm vươn lên dẫn đầu các nước phát triển về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên tổng dân số.
Hàn Quốc ngày 30/9 kêu gọi người dân hạn chế du lịch và tụ tập trong 2 ngày lễ sắp tới là ngày Quốc khánh (3/10) và ngày Sáng tạo chữ Hàn Hangeul (9/10). Lời kêu gọi được đưa ra sau khi số ca nhiễm tại nước này tăng nhanh sau dịp Tết Trung thu.
Hàn Quốc đang cân nhắc gia hạn mức giãn cách hiện nay do quy mô lây nhiễm vẫn ở mức cao. Hàn Quốc cũng quyết định duy trì hoạt động của các trạm xét nghiệm tạm thời tại 17 nút giao thông trên cả nước tới cuối tháng 10. Mục tiêu của Hàn Quốc là có thể khôi phục dần các hoạt động thường nhật vào đầu tháng 11 tới.
Hàn Quốc ngày 30/9 phát hiện thêm 2.564 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất trong các thứ Tư từ đầu dịch. Số ca nhiễm mới đã ở mức 4 con số trong 86 ngày liên tiếp kể từ ngày 7/7.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()