Tất cả chuyên mục

LTS: Đền Cửa Ông là ngôi đền không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà là trong cả nước. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tảng. Cách đây mấy năm, tượng Trần Quốc Tảng cũng đã được dựng ở Cửa Ông. Và theo nhiều người lâu nay vân nghĩ, rằng Trần Quốc Tảng đã từng sống, thậm chí cả mất, tại đây.
Thế nhưng theo nhà thơ Trần Nhuận Minh, mọi chuyện chưa hẳn đã như vậy. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông gửi cho QNCT để bạn đọc tham khảo...
Múa "Trống trận nhà Trần" trong lễ hội đền Cửa Ông năm 2010.
Ảnh: Công Thành
Tôi vốn rất quan tâm đến lịch sử thời Trần và ở thời Trần, hai vị danh tướng vô cùng ám ảnh tôi là Trần Khánh Dư và Trần Quốc Tảng. Vì thế, tôi rất cố gắng tìm hiểu hai vị anh hùng này trong khả năng còn hạn chế của mình. Trước đó, tôi đã công bố bài báo Danh tướng Trần Quốc Tảng không mất ở Cửa Ông. Bài này, tôi xin đề cập sâu hơn, rằng sinh thời Trần Quốc Tảng cũng không ở Cửa Ông như có nhiều người vẫn nghĩ...
Chúng ta đều biết, đầu thế kỉ XX, Miếu Hoàng Tiết chế ở Cửa Ông được phá đi xây lại trên địa điểm hiện nay và gọi là Đền Cửa Ông. Sau khi Đền xây xong, tiền nhân đã đưa Trần Quốc Tảng vào thờ ở đây cùng với Hoàng Tiết chế là Hoàng Cần, theo truyền thuyết là người thuộc Tiên Yên ngày nay, một vị tướng cùng thời với Trần Quốc Tảng. Những năm đầu thế kỉ XXI, tượng Trần Quốc Tảng được dựng ở Cửa Ông (mà chính tôi là người soạn văn bia). Đó là ghi nhận của chúng ta ngày nay với công lao to lớn của ông cho lịch sử dân tộc. Việc đó hợp với đạo Trời, với lòng Người. Nhưng ông có sống (và chết) ở đây hay không lại là vấn đề khác. Sau đây là sự trình bày của tôi, rất mong được các vị cao minh, bác nhã, chỉ giáo cho...
1. Dải đất Hồng Gai - Cẩm Phả hiện nay (trong đó có Cửa Ông) thời Trần là một giải biển đảo hoang vu, thuộc vùng biển Vân Đồn - Cửa Lục do Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư quản lý từ năm 1282 đến 1339, sau khi Trần Quốc Tảng đã mất được 26 năm.
Bộ chính sử tin cậy nhất của nước ta là Đại Việt sử kí toàn thư (để giản tiện, xin gọi tắt là TT) do Lê Văn Hưu thời Trần soạn (hoàn thành năm 1272, tức là sau khi Trần Quốc Tảng mất 41 năm), Ngô Sĩ Liên thời Lê viết lại (hoàn thành thời Lê Thánh Tông, năm 1479) đề chúng ta có trong tay hôm nay. Bộ sử này hoàn toàn không ghi Trần Quốc Tảng ở đâu, từ khi sinh ra tới khi mất.
Theo TT, năm 1282, tại Hội nghị Bình Than họp ở vũng Trần Xá (nay là khoảng sông thuộc xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, Hải Dương), Trầ Khánh Dư được tha tội (tiền án là Đánh chết, do thông dâm với vợ Trần Quốc Nghiễn, con dâu trưởng Trần Quốc Tuấn) và được vua Trần phong làm Phó đô tướng quân, phòng thủ vùng biển Vân Đồn, chuẩn bị đối phó với giặc Nguyên xâm lược bằng đường biển, do đó gọi là Vân Đồn phó tướng. Do bố phòng lực lượng, Trần Quốc Tảng phải giữ vùng đất khác, không thể ở cùng với Trần Khánh Dư. Bởi lẽ, tài năng quân sự của Trần Khánh Dư, thuộc vào hàng chỉ sau Trần Quốc Tuấn (không phải ngẫu nhiên mà quyển sách binh thư Vạn Kiếp tông bí truyền của Trần Quốc Tuấn, dùng để dạy quân sĩ đánh giặc Nguyên, Trần Quốc Tuấn lại giao cho Trần Khánh Dư viết lời Tựa). Trần Khánh Dư đã đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ tại vùng biển Vân Đồn - Cửa Lục, góp công vô cùng to lớn vào trận đại thắng Bạch Đằng năm 1288 như thế nào, tôi không cần trình bày, vì ai cũng biết. Năm 1312, Trần Khánh Dư còn đi đánh Chiêm Thành, năm 1316 Trần Khánh Dư còn vào Diễn Châu ( nay là Nghệ An) duyệt sổ lính, sổ dân. Tất cả đều bằng thuyền. Theo vua Trần Minh Tông (1300-1357) ghi lại trong bài thơ Dưỡng Chân Bình thôn tử Nhân Huệ vương (Điền trang của Nhân Huệ vương) thì khi về hưu, Trần Khánh Dư còn nghỉ dưỡng già ở Vân Đồn. Ông mất năm 1339, sau Trần Quốc Tảng 26 năm (Trần Quốc Tảng mất năm 1313)...
2. Khi Trần Quốc Tảng hội quân đi đánh giặc Nguyên, trong quân, không có ngươi thuộc vùng đất từ Uông Bí đến Vân Đồn - Cửa Lục. Nghĩa là Trần Quốc Tảng không hề ở vùng này.
Thời Trần, theo chế độ phân quyền. Vương hầu ở nơi nào, nơi đó là một lãnh địa riêng, có quân đội, công an, nhà tù riêng. TT ghi nguyên văn như sau: “Hưng Vũ vương Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí vương Hiện, đốc xuất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hưng Đạo vương để chống giặc Nguyên” (TT tập II, Nxb KHXH, 1985, trang 49). Đó là 4 Con trai, đồng thời là 4 tướng của Tiết chế Trần Quốc Tuấn. Sách TT chú thích rất rõ: Bàng Hà nay là Nam Sách, Thanh Hà (Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng). Na Sầm, Trà Hương là Lục Ngạn, Long Nhãn là Yên Dũng thuộc Bắc Ninh, Bắc Giang), còn Yên Sinh thì ta biết là thuộc Đông Triều rồi. Đó là quân đội, cũng gọi là gia binh, của các vương ở các lãnh địa do các vương đóng. Do vậy có thể hiểu, Trần Quốc Tảng có vương phủ ở một trong các địa danh trên, không hề ở vùng Hạ Long - Cửa Ông ngày nay. Như vậy, thêm một luận cứ nữa để khẳng định: Trần Quốc Tảng không hề đóng quân ở vùng Cửa Ông!
3. Trần Quốc Tảng là Quốc Trượng (bố vợ vua) được phong Đại vương từ khi còn sống. Vậy Trần Quốc Tảng ở đâu?
Vua Trần Nhân Tông là con rể Trần Quốc Tuấn. Vua Trần Anh Tông là con rể Trần Quốc Tảng - Trần Quốc Tảng được phong Đại vương khi sinh thời. Con trưởng Trần Quốc Tảng là Trần Quang Triều, 14 tuổi đã được phong Văn Huệ vương, làm quan đến chức Tư Đồ (Tể tướng) lấy công chúa Thượng Trân, con gái vua. Chức tước đầu Triều và mối quan hệ cha con - vua tôi rằng rịt như thế thì làm gì có chuyện Trần Quốc Tảng chết cô đơn trong đói nghèo bệnh tật, phải nhờ một người dân tộc Sán Dìu ở Cẩm Phả chôn cất như chôn một người ăn mày - vì bị cha là Trần Quốc Tuấn bắt đi đày ở Cửa Ông như câu chuyện mà tôi biết có một nhà sáng tác đang dự định sẽ viết thành tác phẩm. Sau khi chết, Trần Quốc Tảng được truy phong Thái uý, chức cao nhất trong triều về quân sự, (ngang với Trần Quốc Tuấn sau khi chết được truy phong Thái sư - thầy của vua, là 2 trong Tam công, thượng đỉnh của triều đình). Nên biết thêm là Trần Quốc Tảng mất năm 1313, con rể là vua Trần Anh Tông đương chức, mãi năm 1320 mới mất, Từ đó ta có cơ sở để nêu giả thuyết: Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, được phong Tiết độ sứ năm 1289, (cùng ngày được phong Đại vương của Trần Quốc Tuấn), Trần Quốc Tảng sống ở Kinh thành Thăng Long.
4. Trần Quốc Tảng định danh ở Cửa Ông bắt nguồn từ đâu?
Bồi tụng (Phó Tể tướng) Bùi Huy Bích (1744-1818) có một sai lầm 200 năm trước là nhầm lẫn Hưng Nhượng vương - Tiết độ sứ Trần Quốc Tảng với Hưng Ninh vương - Tiết độ sứ Trần Tung, bác ruột Trần Quốc Tảng, người có tên quen thuộc là Tuệ Trung thượng sĩ, mà vua Trần Nhân Tông thờ làm Thầy. Theo ghi chép của chính vua Trần Nhân Tông, thì Trần Tung: “Hai lần giặc Bắc xâm lăng (1285 và 1287-1288), có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ vùng biển Thái Bình”... “rồi người lui về sống ở phong ấp Tịnh Bang và đổi tên là hương Vạn Niên”. (Hành trạng Tuệ Trung thượng sĩ của Trần Nhân Tông - Đỗ Văn Hỉ - Huệ Chi dịch, Sách Tinh tuyển Văn học Việt Nam tập 3, Nxb KHXH, 2004, trang 221.) Các sách chú thích Tịnh Bang thuộc tỉnh Quảng Yên. Rồi từ tỉnh Quảng Yên, thành thị trấn Quảng Yên. Thị trấn Quảng Yên cũng có cửa Suất (gọi chệch đi thành cửa Suốt), rồi từ cửa Suốt Quảng Yên thành cửa Suốt Cửa Ông, vì Cửa Ông cũng thuộc tỉnh Quảng Yên. Trần Tung bị lẫn sang Trần Quốc Tảng, vì thế mà dân gian nói Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông. Theo tôi nghĩ, hương Vạn Niên không phải ở thị trấn Quảng Yên, mà rất có thể là thị trấn Nam Sách (Hải Dương) hiện nay, ở đây xưa là làng (hương) Vạn Niên, hiện còn ngôi đình cổ, rất to, mang tên Vạn Niên, rất nổi tiếng, là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, nếu tôi nhớ không nhầm là từ năm 1962.
Đến đây, có thể kết luận: Sinh thời Trần Quốc Tảng không ở Cửa Ông, không hề biết Cửa Ông là đâu. Và điều đó không hề ảnh hưởng gì đến giá trị văn hoá và giá trị tâm linh của đền Cửa Ông khoảng 100 năm nay thờ Trần Quốc Tảng. Trần Quốc Tảng cũng không vì thế mà kém đi, thậm chí còn được tôn vinh thêm, ở cả những nơi ông chưa từng đặt chân đến, cũng như cha ông - Trần Quốc Tuấn, được thờ ở nhiều tỉnh phía Nam. Đó là sự tôn vinh và phụng thờ những giá trị bất tử của dân tộc. Nhưng tôi nghĩ, điều đó, cũng không hề ngăn cản chúng ta khi cố gắng tiếp cận những vấn đề của khoa học, để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc cho các thế hệ con cháu...
Ý kiến ()