Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 18:41 (GMT +7)
Số ca mắc COVID-19 nguy cơ cao trở lại trong giai đoạn thu-đông, người nhiễm tăng nhanh tại Bắc Âu
Thứ 2, 26/09/2022 | 08:55:55 [GMT +7] A A
Đến sáng 26/9, thế giới có trên 620,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,54 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 97,89 triệu ca mắc và hơn 1,08 triệu trường hợp tử vong.
Hiện Moderna đang xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phiên bản cập nhật ngừa biến thể Omicron của mình cho hai nhóm tuổi gồm thanh thiếu niên từ 12 đến 17 và trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. Việc xin cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 lưỡng trị cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 6 tuổi dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Đầu tuần này, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, cơ quan này kỳ vọng, vaccine COVID-19 làm mũi tiêm tăng cường nhắm vào các biến thể đang lưu hành của virus SARS-CoV-2 sẽ có sẵn cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi vào giữa tháng 10.
Theo hãng sản xuất dược phẩm Pfizer, Mỹ đang giảm đáng kể số lượng đặt mua vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech tài trợ cho các quốc gia nghèo trong năm nay do nhu cầu tiêm phòng giảm tại các quốc gia này.
Pfizer nhấn mạnh, hãng có đủ nguồn cung để bàn giao hàng tỷ liều vaccine theo thỏa thuận với chính quyền Mỹ, nhưng hiện nhà sản xuất này nhận thấy nhu cầu tiêm phòng COVID-19 đang giảm tại các nước thu nhập thấp và trung bình do những rào cản về hành chính và một bộ phận người dân còn do dự tiêm vaccine. Vì vậy, Pfizer đã chấp thuận giảm số liều vaccine sẽ bàn giao cho Chính phủ Mỹ vào cuối năm nay từ 1 tỷ liều theo thỏa thuận ban đầu cách đây một năm xuống còn 600 triệu liều. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn có cơ hội mua bổ sung 400 triệu liều trong khuôn khổ chương trình này sau năm nay.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,57 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 154.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 35,15 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Số ca mắc và nhập viện do COVID-19 đang gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Bỉ, Anh và Đan Mạch.
Tại Đan Mạch, tỷ lệ mắc COVID-19 đang tăng nhẹ, với số ca nhập viện tăng 6% so với tuần trước đó.
Còn ở Anh, số ca mắc mới COVID-19 trong tuần tính đến ngày 19/9 cao hơn 13% so với tuần trước đó, trong khi số ca nhập viện tăng 17%.
Tại Bỉ, số ca nhiễm COVID-19 trong tuần tính đến ngày 19/9 tăng 17% so với tuần trước đó.
Các cơ quan y tế công của nhiều nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về xu hướng số ca nhiễm tăng trở lại trong giai đoạn thu - đông này. Dịch COVID-19 kết hợp với sự gia tăng ca nhiễm các loại virus đường hô hấp khác trong mùa đông sẽ gây thêm áp lực cho hệ thống y tế. Trước tình hình này, Cố vấn y tế của Cơ quan Y tế Anh Susan Hopkins đã kêu gọi những người đủ điều kiện tiêm vaccine nhanh chóng tiêm phòng nhằm cường miễn dịch trước mùa đông.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc tiếp tục xu hướng giảm, trong bối cảnh nước này đã dỡ bỏ hoàn toàn quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, ngày 25/9, nước này ghi nhận 25.792 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số người nhiễm lên trên 24,62 triệu. Số ca mắc mới giảm từ 33.009 ca ghi nhận trong ngày 22/9 và 51.855 ca ghi nhận 2 tuần trước đó.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua tăng thêm 73, đưa tổng số người thiệt mạng do bệnh này tại Hàn Quốc lên 28.213. Làn sóng dịch thứ 6 và là làn sóng mới nhất do biến thể Omicron bắt đầu tấn công Hàn Quốc đầu tháng 7 vừa qua và ghi nhận đỉnh điểm hơn 180.000 ca vào giữa tháng 8.
Hồi tháng 5 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời đối với các cá nhân nhưng vẫn duy trì quy định đeo khẩu trang đối với những cuộc tụ tập lớn ngoài trời như sự kiện thể thao, hòa nhạc và cuộc tụ tập nhóm.
Dự kiến, từ ngày 30/9, Thái Lan sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ứng phó, ngăn chặn dịch COVID-19. Tình trạng này đã được áp dụng tại Thái Lan từ ngày 24/3/2020 và được gia hạn 19 lần. Với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, Trung Tâm quản lý tình huống COVID-19 của nước này cũng tự động bị giải thể. Các quy định, thông báo liên quan sẽ bị thu hồi.
Từ ngày 1/10, Thái Lan sẽ hạ cấp phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thành bệnh truyền nhiễm đang được theo dõi. Giai đoạn chuyển tiếp này sẽ kéo dài một năm từ ngày 1/10 cho đến hết tháng 9/2023. Trong thời gian này, ngay cả khi có sự bùng phát của các biến thể mới, các biện pháp phòng ngừa đã được đưa ra sẽ được các Bộ, ngành thực hiện.
Trước đó, Bộ Y tế Thái Lan đã công bố kế hoạch sẽ hạ cấp dịch COVID-19 từ một dịch truyền nhiễm nguy hiểm xuống thành bệnh lưu hành cần giám sát từ tháng 10 và sẽ duy trì mức độ này đến hết tháng 9/2023.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang có xu hướng giảm dần, chính quyền đặc khu thông báo điều chỉnh quy định cách ly đối với người nhập cảnh, theo đó hủy bỏ việc cách ly tại khách sạn và chuyển thành tự theo dõi y tế tại nhà trong 3 ngày.
Như vậy, quy định về cách ly tại Hong Kong chuyển từ công thức "3+4" hiện tại (cách ly 3 ngày tại khách sạn được chỉ định và tự theo dõi 4 ngày sau đó) chuyển thành "0+3" (theo dõi y tế tại nhà trong 3 ngày). Quy định mới có hiệu lực từ ngày 26/9.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 23/9, Trưởng đặc khu hành chính Lý Gia Siêu cho biết, chính quyền đưa ra quyết định trên sau khi cân nhắc những rủi ro có thể kiểm soát, tạo không gian cho các hoạt động kinh tế và giảm bớt bất tiện cho cho khách.
Hong Kong cũng hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm axit nucleic trong 48 giờ trước khi lên máy bay và chỉ cần xuất trình chứng nhận xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 24 giờ, hủy bỏ hạn chế người chưa tiêm vaccine không được nhập cảnh, không giới hạn số người mỗi ngày trong khuôn khổ chương trình "Dễ dàng đến với Hong Kong" và "Dễ dàng trở lại Hong Kong" áp dụng đối với các địa phương ở Trung Quốc đại lục và đặc khu hành chính Macau.
Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, kinh nghiệm của Malaysia trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 cần được thể chế hóa để đảm bảo rằng Bộ Y tế và đất nước luôn sẵn sàng nếu đại dịch khác xuất hiện trong tương lai.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Khairy cho rằng những kinh nghiệm và quy trình xử lý trong đại dịch có thể được sử dụng như hướng dẫn hữu ích cho các đơn vị của bộ trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh những kinh nghiệm này cần phải được thể chế hóa. Theo ông Khairy, cách này sẽ giúp đất nước chuẩn bị tốt hơn về nhiều mặt trong trường hợp có một đại dịch khác xuất hiện, bao gồm cả việc tuyên truyền thông tin tốt hơn cho người dân.
Đề cập đến những vấn đề ưu tiên tại Bộ Y tế Malaysia trong thời gian tới, ông cho biết việc cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở y tế cũng như tập trung vào chế độ phúc lợi của đội ngũ nhân viên y tế và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng là mối quan tâm hàng đầu của ông. Ông thừa nhận, các cơ sở y tế ở nông thôn, kể cả ở Sabah, Sarawak, Kedah và một số bang khác, đang ở trong tình trạng tồi tàn, do vậy việc nâng cấp cơ sở y tế sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()