Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:49 (GMT +7)
Sơ kết công tác phối hợp đào tạo nghề giữa ngành Than và các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà
Thứ 5, 11/08/2022 | 19:50:56 [GMT +7] A A
Chiều 11/8, tại huyện Bình Liêu, Huyện ủy các huyện: Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ phối hợp với Đảng ủy Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động các địa phương. Dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Thực hiện quy chế phối hợp về đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2020-2023, các địa phương Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ và Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam đã tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục, định hướng cho lao động nông thôn, thanh niên các dân tộc, người lao động thấy được lợi ích và hiệu quả của việc học nghề và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. Tính từ năm 2020 đến hết tháng 7 năm 2022, số lượng lao động của các huyện: Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ tham gia các khóa đào tạo nghề mỏ và được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam là 570 lao động. Thu nhập của các lao động sau khi vào làm việc đạt trung bình từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày công.
Bên cạnh đào tạo các nghề mỏ, trong thời gian từ năm 2020 đến nay, Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam cũng đã đào tạo cho hơn 2.100 lao động của các địa phương Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu nằm trong chương trình khuyến khích đào tạo nghề của tỉnh như: điện công nghiệp, nghiệp vụ du lịch,… Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những khó khăn, thuận lợi trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề tại 3 địa phương, cũng như đưa ra những giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh kết quả đạt được trong thực hiện quy chế phối hợp giữa các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ với Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam vừa góp phần đáp ứng một phần nhu cầu tuyển dụng lao động của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, vừa tạo được việc làm ổn định với thu nhập cao cho người lao động. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương. Đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam và các địa phương tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thực hiện quy chế phối hợp đã được ký kết. Nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân địa phương thấy được lợi ích khi đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề và vào làm việc tại các đơn vị ngành Than cũng như các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác trên địa bàn.
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên cải thiện hơn nữa điều kiện làm việc, đi lại đối với lao động các địa phương miền Đông của tỉnh. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ các địa phương này trong đầu tư các thiết chế văn hóa-thể thao tại các khu dân cư và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác thực hiện quy chế phối hợp, tại hội nghị, Huyện ủy Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ và Đảng ủy Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam đã thống nhất ký kết các nội dung phối hợp sẽ triển khai thực hiện trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()