Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 22:19 (GMT +7)
Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành phố ký kết giao ước thi đua
Thứ 6, 01/03/2024 | 15:40:00 [GMT +7] A A
Sáng 1/3, tại TP Hạ Long, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh chủ trì tổ chức hội nghị ký giao ước thi đua Khối sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc Bộ năm 2024. Tham dự có lãnh đạo Hội đồng Thi đua Khen thưởng Bộ NN&PTNT, Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh Quảng Ninh, đại diện sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc Bộ: Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Tỉnh Quảng Ninh xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình CNH, HĐH của tỉnh; là cơ sở cho ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng nông thôn. Năm 2023, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đạt được kết quả khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng (GRDP) khu vực I tăng 4,43%, đóng góp 0,2 điểm % tăng trưởng GRDP. Một số chỉ tiêu tăng cao như tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, khai thác gỗ rừng trồng; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%.
Tại hội nghị, đại diện 13 sở NN&PTNT thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc Bộ đã ký giao ước thi đua năm 2024 với 8 nội dung. Trong đó nội dung trọng tâm là tiếp tục phát động và thực hiện chủ đề thi đua của Bộ NN&PTNT giai đoạn 2021-2025: "Toàn ngành NN&PTNT chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh".
Theo đó các đơn vị trong Khối tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu, phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Các đơn vị phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản nông thôn. Các đơn vị bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai; tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các đơn vị đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất. Các đơn vị phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chương trình và kế hoạch hành động của ngành.
Việt Hoa - Tiến Giang
- Tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, bền vững
- Dùng rơm biến đất nhiễm mặn thành đất nông nghiệp màu mỡ
- Việt Nam dẫn đầu về cách mạng nông nghiệp xanh
- Ngành nông nghiệp Mỹ tích cực thúc đẩy hợp tác với Cuba
- Hải Hà sôi nổi sản xuất nông nghiệp đầu năm
- Tạo đà phát triển từ khí thế sản xuất nông nghiệp đầu năm
- 950.000 cây - là mục tiêu trồng cây phân tán của ngành nông nghiệp Quảng Ninh năm 2024
Liên kết website
Ý kiến ()