Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:57 (GMT +7)
"Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá" - "Sợi chỉ đỏ" xuyên không gian phát triển bền vững Quảng Ninh
Chủ nhật, 23/05/2021 | 13:28:39 [GMT +7] A A
Nhiều chuyên gia kinh tế khi tìm hiểu mô hình phát triển của Quảng Ninh đã nhận định, những đường hướng phát triển của tỉnh thường được đúc kết rất ngắn gọn, súc tích nhưng hàm ý những nội dung sâu sắc. “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” là một trong những đường hướng như vậy. Qua hai nhiệm kỳ, Quảng Ninh đang tiếp tục thực hiện nội dung này ở nhiệm kỳ 2020-2025.
TP Hạ Long đang phát triển với những công trình lớn, mang tầm vóc đô thị lớn, hiện đại. Ảnh: Phạm Lê Hưng (CTV) |
Quy hoạch chiến lược, tạo đột phá
Giai đoạn 2012-2014, Quảng Ninh bắt tay vào việc xây dựng hàng loạt các quy hoạch chiến lược để định hình lại không gian phát triển, dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có và nhận diện xu hướng phát triển trong tương quan quốc gia và quốc tế. Các quy hoạch của Quảng Ninh có thể nói đã phá vỡ tư duy và cách làm truyền thống, tạo thành “cú nổ” lớn trong ngành quy hoạch. Lần đầu tiên có một tỉnh tập trung xây dựng cùng lúc 7 quy hoạch lớn, do các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới thực hiện, “vẽ” lại bản đồ không gian phát triển, với tầm nhìn dài hạn.
Trong 7 quy hoạch chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được coi là quy hoạch gốc, định hình cho các quy hoạch còn lại. Quy hoạch đã tổ chức không gian lãnh thổ Quảng Ninh theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án trị giá 500 triệu USD của nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), tháng 3/2021. Ảnh: Đỗ Phương |
Theo quy hoạch, phát triển TP Hạ Long thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh để xứng tầm là một trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế trong tương lai; trở thành một thành phố đô thị hiện đại trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Sự phát triển của thành phố gắn với công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị của Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Không gian thành phố sẽ được phát triển mở rộng về phía Tây và phía Bắc; trong đó, phía Tây là khu Bãi Cháy sẽ tập trung phát triển du lịch, phía Đông là khu Hòn Gai là trung tâm hành chính và thương mại.
Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP Uông Bí) được đầu tư quy mô, đẳng cấp, phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách. |
Đối với tuyến hành lang phía Tây: Phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến đường từ Hạ Long đi Hà Nội, Hải Phòng; phát triển các ngành công nghiệp xanh và du lịch tâm linh trên cơ sở truyền thống văn hóa và lịch sử của vùng, theo định hướng: Hiện đại hóa ngành khai thác than và sản xuất điện theo hướng sản xuất xanh, sạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ khai thác than, như cơ khí, sửa chữa phương tiện vận tải; phát triển du lịch văn hóa và lịch sử ở Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều.
Trong tuyến hành lang phía Tây, phát triển cụm công nghiệp ở Quảng Yên, tập trung vào sản xuất, sửa chữa tàu, các dịch vụ thương mại và kho vận cũng như chế biến hải sản gắn với các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Nghiên cứu xây dựng “Thành phố thông minh” tại Quảng Yên gồm các khu chức năng: Khu đô thị, khu công nghiệp công nghệ cao và thân thiện với môi trường, khu mậu dịch tự do, các cơ sở nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao,... được triển khai theo lộ trình phát triển khu công nghiệp hiện đại - khu đô thị thông minh.
Phối cảnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. |
Ở tuyến hành lang phía Đông, tập trung phát triển hai KKT Vân Đồn và Móng Cái. Trong đó KKT Vân Đồn, phát triển du lịch biển - đảo cao cấp gắn với công nghiệp giải trí tiên tiến, hiện đại, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành nghề và dịch vụ khác phát triển. KKT này cũng sẽ phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao, hướng vào phục vụ phát triển du lịch, công nghiệp giải trí và xuất khẩu. KKT Cửa khẩu Móng Cái phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ đối tượng du khách qua cửa khẩu, như khu vui chơi giải trí, ẩm thực, trung tâm mua bán...; đầu tư các điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của gia đình để khai thác du khách Trung Quốc từ các khu vực gần biên giới. Về dịch vụ thương mại, phát triển theo hướng dịch vụ vận tải và kho vận để phấn đấu trở thành một trong những trung tâm thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc. Về công nghiệp, sản xuất, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có quy mô lớn trong ngành dệt may để lấp đầy KCN Hải Yên (Móng Cái); nghiên cứu phát triển khu nuôi lợn và chế biến thịt lợn tổng hợp có quy mô lớn.
Đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết: Là nhà đầu tư chiến lược, đi cùng với Quảng Ninh trong gần 1 thập kỷ qua, Sun Group đã tập trung nguồn vốn lên đến hàng tỷ USD để đầu tư các dự án về hạ tầng giao thông, như đường cao tốc, sân bay, cảng tàu khách quốc tế; các hạ tầng dịch vụ, du lịch đẳng cấp tại tỉnh. Các định hướng, quy hoạch của Quảng Ninh có tầm nhìn dài hạn giúp nhà đầu tư định hình rõ hơn và yên tâm hơn khi bỏ vốn đầu tư các dự án của mình. Đồng thời, tỉnh ngày càng tạo được những cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng để thu hút đầu tư.
Sẵn sàng cho lộ trình phát triển
Từ quy hoạch chiến lược, tạo đột phá, giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực rất lớn, cả về nguồn lực trí tuệ và nguồn lực đầu tư để định hình không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” theo đúng quy hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn nghe nhà đầu tư báo cáo công tác lập, triển khai các dự án đầu tư tại KKT Cửa khẩu Móng Cái, ngày 15/12/2020. |
Trong đó, tâm là TP Hạ Long đã có bước phát triển nhảy vọt. Giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố ước đạt 194.328 tỷ đồng, tăng bình quân 20,5%/năm, gấp hơn 3 lần giai đoạn 2011-2015, trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách đạt trên 10.940 tỷ đồng. Nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển từ các trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước đến địa bàn, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch… Đặc biệt, năm 2019, khi tỉnh thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã tạo ra những vận hội, thời cơ lớn cho thành phố thủ phủ; không chỉ đưa TP Hạ Long trở thành đô thị có diện tích tự nhiên và đơn vị hành chính lớn nhất nước, mà quan trọng hơn sẽ đáp ứng những yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng, bảo vệ được môi trường và các giá trị ngoại hạng của Vịnh Hạ Long một cách bài bản, tổng thể, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thành phố (sau sáp nhập) đạt 12,1%/năm, cao hơn so với bình quân chung của tỉnh (11%). TP Hạ Long đã, đang thu hút những nhà đầu tư tầm cỡ, với các dự án triệu USD lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hạ tầng y tế, giáo dục… quy mô, đẳng cấp.
Ở 2 tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây đã có những bước tiến quan trọng, khẳng định rõ hơn vị thế của mình. Nếu như trước đây, thu hút đầu tư lớn chỉ chủ yếu tập trung ở TP Hạ Long, thì trong vài năm trở lại đây đã lan tỏa đến 2 tuyến hành lang kinh tế này. Trong đó, đối với tuyến hành lang kinh tế phía Tây, với hạt nhân là KKT ven biển Quảng Yên đang thu hút những nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các KKT, KCN, như: Tập đoàn Amata, Tập đoàn Deep C, Tập đoàn Foxconn... Cùng với đó, dọc tuyến hành lang này, các địa phương như Đông Triều, Uông Bí tập trung phát triển các ngành nghề về dịch vụ, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh… quy mô, đẳng cấp. Tuyến hành lang kinh tế phía Đông cũng dần có những bứt phá mới trong nâng cấp đô thị, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Hải Yên (Móng Cái), phát triển các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phát triển vùng trồng dược liệu, du lịch văn hóa,…
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư Foxconn Singapore vào KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), tháng 10/2019. |
Nhằm đảm bảo hạ tầng đồng bộ, thu hút các nhà đầu tư đến KKT Vân Đồn, hơn 5 năm qua, ngân sách nhà nước đã bỏ ra trên 3.500 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông, kỹ thuật, tạo nên sức thu hút, cạnh tranh đầu tư mới. Cùng với Tập đoàn Sun Group (đơn vị đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn), một loạt nhà đầu tư chiến lược khác trong và ngoài nước đã tìm đến KKT Vân Đồn để tham gia đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch đẳng cấp quốc tế, với tổng vốn đăng ký đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 266/QĐ-TTg "Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040". Đây là tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ việc lập quy hoạch các phân khu, tạo động lực thu hút đầu tư, triển khai các dự án. Hiện trên địa bàn KKT Vân Đồn đang triển khai 9 đồ án quy hoạch phân khu chức năng theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung giải quyết các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư, nhằm sớm khởi công một số dự án lớn có tác động lan tỏa, tạo đột phá.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy S-Việt Nam, Tập đoàn Foxconn, tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). Ảnh: Mạnh Trường |
Tương tự, đối với KKT Cửa khẩu Móng Cái, từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1626/QĐ-TTg, ngày 18/9/2015), tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ KKT này đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều nhà đầu tư chiến lược (Vingroup, Sun Group, FLC, T&T, Ecoland, Amata, Bến Thành Holdings...) đã đến nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất ý tưởng đầu tư các dự án quy mô lớn, đột phá. Đây là điều kiện thuận lợi để TP Móng Cái được công nhận là đô thị loại II vào năm 2018. Trước yêu cầu phát triển mới và để phù hợp hơn với thực tiễn của KKT Cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 và đã được phê duyệt (tháng 3/2021). Mục tiêu của tỉnh xây dựng KKT Cửa khẩu Móng Cái trở thành cực tăng trưởng kinh tế năng động, bền vững và là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đô thị hiện đại; trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế có tính chất du lịch biển đảo, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển; là phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia;…
Quảng Ninh cũng đã không ngừng hoàn thiện hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông (sân bay, cảng biển, cao tốc, đường ven biển), hạ tầng KCN, KKT... Qua đó tạo tính kết nối giữa các khu vực, địa phương trong và ngoài tỉnh tốt hơn, thuận lợi hơn.
Tháng 9/2020, Quảng Ninh tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Nghị quyết Đại hội nêu rõ, một trong 4 nhóm định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025 của tỉnh là kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”. Qua đó một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; quyết tâm của Quảng Ninh trong nhiệm kỳ mới, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, mà ở đó Quảng Ninh có một vị trí, vai trò ngày càng quan trọng.
Từ nền tảng đã có, chắc chắn “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” của Quảng Ninh đã sẵn sàng bước vào giai đoạn mới, với những thành tựu mới.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()