Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:41 (GMT +7)
Rộn ràng du lịch mùa lễ hội xuân
Thứ 4, 25/01/2023 | 15:59:00 [GMT +7] A A
Du xuân trảy hội đã trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt. Thậm chí, sau mấy năm phải gián đoạn, hạn chế do Covid-19, mùa xuân này các đền, chùa đều mở cửa đón chào du khách trở lại thì lượng khách có sự gia tăng đáng kể ngay từ những ngày đầu năm mới, báo hiệu một mùa hội xuân rộn ràng đã tới…
Dịp Tết Nguyên đán năm nay thời tiết đẹp, không quá lạnh lại khô ráo, có nắng nhẹ càng tạo thuận lợi hơn cho du khách hành hương. Ghi nhận của phóng viên tại một số điểm di tích lớn trên địa bàn tỉnh đều cho thấy, lượng khách đi lễ, tham quan có sự gia tăng ngay từ những ngày đầu năm mới. Các đơn vị có sự chuẩn bị chu đáo để đón du khách hành hương. Và người dân, du khách cơ bản có ý thức tương đối cao trong thực hiện nếp sống văn minh khi tham quan, đi lễ tại các di tích trên địa bàn.
Đền Cửa Ông hút khách từ đêm giao thừa
Khu di tích đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) vốn là điểm thu hút lượng khách tương đối lớn đi lễ ngay từ đêm giao thừa hàng năm. Năm nay, đây cũng là điểm tổ chức biểu diễn văn nghệ, bắn pháo hoa vào đêm giao thừa tại công viên ven biển phía trước đền, khiến điểm di tích này thu hút khoảng 1 vạn khách ngay vào thời điểm chuyển giao của năm cũ và năm mới. Ước tính đến hết mùng 3 tết, đền Cửa Ông đã đón hơn 50 nghìn khách tới tham quan, đi lễ từ nhiều địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương…
Đón chào du khách tới du xuân vãng cảnh, đi lễ tại đây năm nay là những thảm hoa hồng lớn nhiều sắc màu bung nở rực rỡ ngay từ khu vực lối vào đền. Hàng nghìn gốc hoa hồng được trồng trong suốt những năm gần đây tại khuôn viên rộng lớn của khu di tích giờ đã “ăn sâu bén rễ” và vào độ rực rỡ hơn bao giờ hết, khiến du khách ai nấy đều phải xuýt xoa và nhất định check in những kiểu ảnh kỷ niệm ở nhiều góc khác nhau.
Với không gian thoáng đãng lại có sự thay đổi về cảnh quan, khuôn viên đền Cửa Ông xuân này cùng với hệ thống cây xanh, hoa, cây cảnh bắt mắt còn có không gian trưng bày tranh ảnh nghệ thuật về vẻ đẹp vùng đất, con người Cẩm Phả, được nhiều du khách thích thú chiêm ngưỡng. Đơn vị cũng tiếp tục có sự cải tạo khuôn viên, làm thêm những công trình mới. Theo đó, nếu như năm ngoái là công trình đền Quan Châu được khánh thành thì năm nay là công trình lầu trống ở khu đồi đối diện với lầu chuông, tạo thêm một cảnh điểm để du khách ngắm cảnh, nghỉ chân thư giãn khi dạo bước tham quan.
Yên Tử tươi mới, rực rỡ chào đón du khách
Cùng với Cửa Ông, khu di tích – danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) cũng đón hàng trăm khách tới rải rác vào những ngày cuối năm. Và ngay mùng 1 Tết đã đón gần 2.700 khách, lượng khách tiếp tục gia tăng nhanh và ngày mùng 3 Tết đã lên tới trên 10.500 khách, góp phần đưa tổng lượng khách tới Yên Tử từ đầu năm 2023 đến hết ngày 24/1 (mùng 3 Tết) đạt trên 28.000 khách. Thống kê cho thấy, lượng khách đi bộ lên các điểm chùa của Yên Tử chiếm khoảng 20%, còn lại khoảng 80% du khách chọn hành hương lối cáp treo để tiết kiệm thời gian và thể lực. Chỉ tính riêng lượng khách qua cáp treo 3 ngày Tết vừa qua bằng với cùng kỳ của năm 2018 và bằng 80% cùng kỳ năm 2019, là những thời điểm trước khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sự hồi phục ấn tượng này có sự đóng góp tích cực trong công tác phối hợp giữa các lực lượng đứng chân tại Yên Tử, đó là Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm - doanh nghiệp khai thác du lịch – dịch vụ chính tại Yên Tử cùng các đơn vị quản lý liên quan. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Năm nay, các đơn vị phối hợp thực hiện tốt, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo khâu đón tiếp du khách an toàn, chu đáo, từ các điểm chùa, các tuyến hành hương tới hệ thống ăn, nghỉ, bến bãi đậu xe, đến nay chưa ghi nhận vụ việc nào có vấn đề trong khâu đảm bảo ANTT, y tế…
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, chia sẻ với phóng viên cho hay, trong 3 ngày Tết vừa qua, công suất 2 khu nghỉ tại Yên Tử của đơn vị là Legacy Yên Tử đạt hơn 90%, Làng Nương đạt trên 70%. Số khách nghỉ đi theo tour và khách lẻ đi cùng gia đình gần tương đương nhau, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc, tuy nhiên, năm nay có thêm nhiều khách đến từ khu vực miền Trung và miền Nam về Yên Tử.
Để phục vụ chu đáo nhu cầu du khách, doanh nghiệp tiếp tục tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm phong phú và diễn ra trên một không gian rộng, như các trò chơi dân gian tại khu làng Nương, Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm Yên Tử. Cơ sở vật chất, hạ tầng cũng được các đơn vị chú trọng. Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tiến hành dát vàng lại bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại khu vực An Kỳ Sinh. Nhiều tuyến đường hành hương, hệ thống biển báo giới thiệu cũng được cải tạo, chỉnh trang lại. Cùng với hệ thống cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu mới, con đường hoa sẽ chào đón du khách với những hàng cây bồ đề, hoa ban, huỳnh liên, cúc, hoa giấy khoe sắc ngay từ Dốc Đỏ vào tới chân núi Yên Tử, tạo không khí xuân tươi mới, rực rỡ chào đón du khách bốn phương.
Chủ động về nhiều mặt
Sau thời gian dài bị tác động bởi Covid-19, năm nay, nắm bắt tình hình du khách đến với các di tích đầu xuân sẽ có sự gia tăng đáng kể nên không chỉ khu di tích Cửa Ông – Cặp Tiên, Yên Tử mà nhiều di tích đều có sự chủ động chuẩn bị từ xa, từ sớm, phối hợp với các lực lượng như chính quyền sở tại, công an địa phương… lên phương án đón khách đảm bảo về an toàn, ANTT, phân luồng tuyến giao thông tránh ùn tắc, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, đảm bảo cho khách thập phương đến vui xuân, đi lễ cảm thấy bình an.
Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Ban quản lý khu di tích Cửa Ông – Cặp Tiên, cho biết: Chúng tôi huy động tổng nhân lực phục vụ dịp đầu xuân vào khoảng 60 người, trong đó có nhiều lao động thời vụ. Đơn vị đã trang bị 10 máy bộ đàm cho các lực lượng, đảm bảo kết nối các khu vực, từ đầu cổng đền cho tới các điểm di tích trong quần thể để theo dõi, giám sát các đối tượng khả nghi có thể trộm cắp hay gây mất ANTT. Bảo vệ được chia theo ca, đảm bảo 24/24h trong ngày đều có người trực…
Còn tại khu di tích Bạch Đằng (TX Quảng Yên) cũng có sự chuẩn bị chu đáo từ sớm. Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban quản lý di tích, cho hay: Chúng tôi đã chủ động xây dựng các nội dung, phần việc để đảm bảo tốt nhất công tác đón xuân Quý Mão 2023, từ trang trí khánh tiết, bao sái tượng (vệ sinh tượng), làm vệ sinh môi trường chung, tu sửa các hạng mục xuống cấp, vận động công đức các hiện vật thờ tự, tiếp nhận các đồ cúng tế cuối năm. Cùng với đó, kiểm tra lại hệ thống bình chữa cháy, thay thế các hệ thống dây diện, đèn xuống cấp để đảm bảo an toàn PCCC mùa lễ hội.
Ban cũng thiết kế, sắp đặt hệ thống cây cảnh, dàn đèn trang trí, đặc biệt là tại khu vực bến đò cổ giáp với khu vực miếu Vua Bà, tạo thành các cảnh điểm đẹp cho du khách check in sau khi về dâng hương có chỗ chụp ảnh đẹp, nghỉ ngơi, thư giãn, ngắm cảnh, nhất là vào buổi tối. Đồng thời, bố trí điểm thả đèn hoa đăng để phục vụ nhu cầu tâm linh của du khách…
Sự chuẩn bị chu đáo, có điểm nhấn cùng với sự tích cực trong khâu quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… đã góp phần thu hút lượng khách lớn hơn về với Bạch Đằng. Theo ước tính, du khách về với Bạch Đằng trong 3 ngày Tết vừa qua đạt khoảng 35 nghìn người, đặc biệt hút khách là cụm di tích trung tâm đền Trần Hưng Đạo – miếu Vua Bà. Lần đầu tiên, tại đây đã có hiện tượng du khách đổ về quá đông dẫn tới tắc đường cục bộ kéo dài đến gần 2km và chật hết các điểm đỗ xe vào chiều mồng 1 Tết.
Mặc dù đông khách như vậy nhưng những ngày đầu xuân vừa qua, tại di tích Bạch Đằng không có hiện tượng du khách bị trộm cắp, không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, ăn xin, ăn mày được kiểm soát. Hàng quán cũng được kiểm soát về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo những quy định về quản lý hội xuân, quản lý di sản văn hoá nói chung.
Ông Phạm Chiến Thắng cho biết thêm, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá, tạo các điểm nhấn, từng bước có sự đổi mới để thu hút du khách về với Bạch Đằng, với mục tiêu năm nay sẽ đưa Bạch Đằng trở thành điểm giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh, nơi quảng bá chiến công hiển hách của cha ông trong lịch sử dân tộc…
Như vậy, khởi động mùa hội xuân năm nay, chỉ với 3 ngày Tết, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã đón số lượng khách du xuân, đi lễ, trải nghiệm có sự gia tăng cao, là tín hiệu khởi sắc đáng khích lệ. Sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan trong khâu tổ chức, đón du khách hành hương tại các di tích dịp đầu năm mới là điều thực sự đáng ghi nhận.
Qua tìm hiểu cho thấy, từ ngày mùng 4 Tết trở ra, du khách dự báo có xu hướng du xuân nhiều hơn sau khi gia đình đã hoá vàng - “cất Tết”. Nhiều di tích cũng chuẩn bị tổ chức khai hội, lượng khách du xuân, đi lễ vào những ngày lễ hội chính, vào dịp cuối tuần thời gian tới đây khả năng cũng sẽ cao hơn. Và hội xuân ở nhiều di tích lớn như Ngoạ Vân (khu di tích nhà Trần tại Đông Triều), Yên Tử kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân… Vì vậy, công tác phối hợp tổ chức, quản lý lễ hội mùa xuân cần được tiếp tục duy trì, gìn giữ những kết quả tốt từ những ngày đầu năm mới vừa qua, góp phần cho một mùa hội xuân an toàn, vui tươi, lành mạnh, tạo ấn tượng đẹp trong các tầng lớp nhân dân, du khách khi về với Quảng Ninh.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()