Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:42 (GMT +7)
Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV Thảo luận sôi nổi, trách nhiệm
Thứ 5, 29/06/2023 | 18:36:00 [GMT +7] A A
Ngay sau phiên khai mạc, đại biểu tham dự Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH Đảng bộ tỉnh XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã dành trọn 1 ngày để thảo luận tại tổ và hội trường nhằm đánh giá một cách khách quan, khoa học, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen... Từ đó đề ra những chủ trương, biện pháp cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ.
Quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, thể hiện khát vọng phát triển
Thảo luận tại tổ và hội trường, các đại biểu đều thống nhất: Tỉnh Quảng Ninh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các thách thức đối với an ninh truyền thống, phi truyền thống, những khó khăn riêng do phải tập trung xử lý, khắc phục các yếu kém, tồn đọng được chỉ ra, phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát; đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là cán bộ chiến lược có nhiều biến động… BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết.
Nổi bật là ưu tiên cao nhất công tác phòng, chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19, giữ vững địa bàn thích ứng an toàn, linh hoạt, hoàn toàn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, chăm lo bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Ngay từ lúc xuất hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên trên thế giới, Quảng Ninh là địa phương biên giới điển hình ở tuyến đầu chịu tác động trực tiếp và sớm nhất bởi dịch bệnh, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã ưu tiên cao nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Quảng Ninh là địa phương đi đầu triển khai chiến lược vắc - xin “thần tốc”, chủ động đi trước, làm trước, bảo đảm tuyệt đối an toàn và là một trong những địa phương trong nước hoàn thành sớm nhất với tỷ lệ bao phủ cao nhất vắc - xin phòng Covid-19; địa phương đầu tiên trong nước tiêm chủng cho trẻ em từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Nhờ đó trên 99,5% các ca mắc có triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng, số ca tử vong chỉ bằng 1/20 tỷ lệ bình quân chung cả nước.
Cùng với quyết sách linh hoạt trong phòng, chống dịch, các đại biểu đánh giá cao BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã có nhiều quyết sách kịp thời đề ra và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp đúng đắn đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm; quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đầu tư công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng phù hợp với bối cảnh mới, vượt qua các khó khăn thách thức, từng bước vững chắc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược của Đại hội XV. Tỉnh kiên định mục tiêu lấy phát triển hạ tầng làm nền tảng, quan tâm đầu tư các công trình chiến lược; vận hành hiệu quả cơ chế thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP), theo phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội.
Tỉnh chú trọng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững với phát triển văn hóa, xã hội, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền; nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân theo tiêu chí “hạnh phúc”. Đồng thời ưu tiên bố trí nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người, giáo dục, y tế, nhất là đầu tư phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; dành quỹ đất ở các vị trí đắc địa phục vụ cho công trình công cộng, y tế, giáo dục...
Đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT, khẳng định: Nhiều định hướng, quyết sách của tỉnh đã tháo gỡ khó khăn cho ngành Giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã đoàn kết, phát huy vai trò, trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng tất cả vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh. Chất lượng giáo dục của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, toàn diện ở tất cả các cấp học, bậc học. Trong 3 năm, kết quả thi tốt nghiệp THPT của tỉnh từ vị trí thứ 52 lên vị trí 31, tăng 21 bậc so với năm 2019. Năm 2022 thi học sinh giỏi quốc gia đạt 59 giải, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố về số lượng và chất lượng.
Với các chủ trương, chính sách vừa có tầm nhìn chiến lược, vừa bám sát thực tiễn đã tạo nên dấu ấn nổi bật, đưa Quảng Ninh là một điểm sáng trong chủ động trong phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”; thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP hơn 2 con con số trong 7 năm liên tiếp (2026-2022) và 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9,46%, có cơ sở vững chắc để phấn đấu hết năm 2023 đạt trên 10%; Quảng Ninh luôn đứng trong tốp đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu NSNN, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Trong nửa nhiệm kỳ, Quảng Ninh đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cầu Cửa Lục I, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc nhiều nhất nước hiện nay; đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành nhiều dự án giao thông động lực, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển mới và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn.
Hiến kế, đề xuất nhiều giải pháp mang tính đột phá
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ còn lại, các đại biểu đã dành thời gian đánh giá, dự báo tình hình kinh tế quốc tế và trong nước. Đồng thời đề xuất đẩy mạnh rà soát các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết, từ đó làm căn cứ để triển khai các giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn, chủ động trong công tác quản lý, điều hành chính quyền, thu hút đầu tư và triển khai hiệu quả các quy hoạch chiến lược theo đúng tinh thần Nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, đã phân tích về chỉ số phát triển đô thị, nhà ở xã hội của Quảng Ninh trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Để đạt được chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa 75% theo Nghị quyết, cần có các giải pháp đẩy mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực về các địa phương.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho rằng, Quảng Ninh không phải là địa phương có độ mở kinh tế lớn. Vì thế để đạt các chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư FDI thì cần nhận định rõ bối cảnh, có thêm các biện pháp thúc đẩy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, dư địa đang có. Trong đó cần tăng cường phát triển kinh tế biển và ven biển, tạo động lực đột phá cho nền kinh tế.
Một trong vấn đề được các đại biểu quan tâm và khẳng định là trong những giải pháp đột phá cho phát triển của tỉnh nửa nhiệm kỳ còn lại và cả giai đoạn tới là phải tập trung cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và lãnh đạo có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số.
Đồng chí Bùi Thúy Phượng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho rằng: Cần phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô dân số, nhất là trong bối cảnh tỉnh đã đề ra đến cuối nhiệm kỳ tỷ lệ đô thị hóa phải đạt 75%. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đang chủ trì tham mưu Đề án nâng cao chất lượng cán bộ tham mưu, chuyên môn cho BCH Đảng bộ tỉnh, BTV, Thường trực Tỉnh ủy của các Ban Đảng và Văn phòng 3 bên. Đồng thời có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, tuyển dụng cán bộ để đội ngũ tham mưu trực tiếp phải được ưu tiên và đạt chất lượng tốt nhất.
Đề cập đến công tác CCHC, các đại biểu cho rằng thời gian tới cần tăng cường ứng dụng toàn diện CNTT trong hiện đại hóa nền hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đồng chí Phạm Xuân Đài, Giám đốc Sở KH&CN, cho rằng, dưới góc độ KHCN, thực tế lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế. Do đó các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến KHCH, đặc biệt ưu tiên đào tạo có nguồn nhân lực về KHCN. Đi đôi với đó cần có những chính sách thúc đẩy KHCN, như thu hút, đẩy mạnh đề tài nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực…
Đồng chí Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT, đề nghị cần tập trung khai thác hiệu quả hệ thống CNTT đã được đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng hạ tầng số đồng bộ, liên thông, tổng thể, chuyển từ chính quyền điện tử sang chính quyền số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, công dân số.
Nhiều ý kiến thảo luận tại tổ, hội trường cũng đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, chính quyền cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng gắn với trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là tại sở, ban, ngành, cấp huyện và cơ sở. Trong phát triển kinh tế, các đại biểu đề nghị cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; thúc đẩy kinh tế du lịch gắn với kinh tế biển; huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấp hạ tầng đồng bộ, hiện đại đảm bảo liên thông…
Thu Chung - Đỗ Phương - Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()