Tất cả chuyên mục

Quảng Ninh là địa phương có tính đa dạng sinh học, trong đó khu vực có các hệ sinh thái đặc thù của vùng đất ngập nước là khu vực đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên). Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra tính độc đáo về địa hình, địa mạo tại khu vực này khác biệt hẳn với bất cứ vùng đất ngập mặn nào trên bờ biển Việt Nam.
![]() |
Rừng ngập mặn Đồng Rui được đánh giá là có tính đa dạng sinh học cao. |
Theo nghiên cứu, bờ biển khu vực Đồng Rui thuộc kiểu bờ Đanmat. Đây là kiểu bờ hình thành do quá trình chia cắt kiến tạo của vùng núi có những uốn nếp trẻ, bị biển làm ngập trong thời gian biển tiến sau băng hà lần cuối cùng. Đường bờ phía Bắc, từ Mũi Chùa đến hết xã Hải Lạng (giáp QL18), có hướng song song với đường vĩ tuyến, gần vuông góc với QL18; đường bờ phía Tây, đúng hướng Bắc - Nam của kinh tuyến tạo nên một “góc thước thợ” (góc vuông).
Đây là đặc điểm duy nhất chỉ vùng đất ngập nước này mới có, khác biệt hẳn với các vùng đất ngập nước khác trên bờ biển Việt Nam. Điểm “góc thước thợ” này tạo thế đón gió mùa đông nam và tạo ra vùng mưa lớn trên không gian thị trấn Tiên Yên. Chính lượng mưa này tích thủy đổ xuống vùng đất ngập nước Đồng Rui - Hải Lạng - Cộng Hòa. Với địa thế có đảo Cái Bầu (huyện Vân Đồn) che chắn ở phía Đông, nhờ đó, đây là một thủy vực khá tĩnh lặng so với các vùng đất ngập nước khác. Chính sự tĩnh lặng cơ học và nguồn nước ở đây đã hình thành nên một “ổ sinh thái” rất tốt cho hệ thủy sinh vật, vừa thuận lợi cho việc cư trú, cũng như việc sinh sản, dễ tạo thế ổn định đối với việc phát triển nguồn lợi thủy sản.
![]() |
Khu đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên) hiện là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. |
Khu vực đất ngập nước Đồng Rui cũng được xác định có 7 hệ sinh thái chính. Bao gồm: Hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái cửa sông; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái đầm nuôi; hệ sinh thái hồ ao; hệ sinh thái nông nghiệp (ruộng lúa, hoa mầu); hệ sinh thái khu dân cư. Đây cũng là khu vực được xác định có mức độ đa dạng loài cao và nhiều loài có giá trị kinh tế cũng như giá trị trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Với các tính chất đặc thù trên, khu Đồng Rui được đánh giá là có đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar. Tháng 8/2020, Sở TN&MT đã lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận khu Ramsar cho khu đất ngập nước Đồng Rui. Dự án đã tiến hành nghiên cứu điều tra bổ sung, phân tích, đánh giá các số liệu về tự nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, KT-XH tại khu vực đất ngập nước Đồng Rui… theo hướng dẫn của Ban Thư ký Công ước Ramsar.
![]() |
Xã Đồng Rui thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế phủ xanh các bãi triều rừng ngập mặn. Ảnh: Lê Nam |
Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết: Hiện Sở đang phối hợp với Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội (đơn vị tư vấn) để tập trung hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Bộ TN&MT và các bộ, ngành có liên quan. Việc sớm được công nhận là khu Ramsar trong thời gian tới, sẽ giúp nâng cao vị thế của vùng đất ngập nước Đồng Rui đối với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Từ đó tỉnh và địa phương chủ động có những biện pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển tài nguyên sinh vật của vùng đất ngập nước Đồng Rui. Việc được công nhận khu Ramsar cũng là cơ sở khoa học để quảng bá hình ảnh về đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước Đồng Rui đối với cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước; tăng cường sự hấp dẫn để thu hút đầu tư về nghiên cứu khoa học cũng như phát triển kinh tế nói chung và du lịch sinh thái nói riêng. Đồng Rui sẽ có cơ hội nhận được những khoản hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ nhỏ của Công ước Ramsar và tăng sự chú ý của các quỹ bảo tồn khác.
Công ước Ramsar là công ước liên chính phủ được ký vào ngày 2/2/1971 ở TP Ramsar (Iran), có hiệu lực từ năm 1975 với mục đích khuyến khích bảo tồn và sử dụng khôn khéo hay bền vững các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Ramsar có tất cả 9 tiêu chí để công nhận, được chia thành hai nhóm tiêu chí chính, bao gồm: Sự độc đáo và hiếm có của vùng đất ngập nước; tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, nhấn mạnh đến cá và chim nước. Trên thế giới và tại Việt Nam, những khu Ramsar là ngôi nhà của hàng nghìn sinh vật và nguồn sống của hàng triệu người. Hiện nay Ramsar có gần 160 quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 50 từ năm 1989. |
Hoàng Nga
Ý kiến ()