Sông nước sôi Shanay-timpishka hay còn gọi là La Bomba ở Peru được cộng đồng người bản xứ Amazon biết tới suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, nhiều học giả, nhà chức trách và cả ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đều hoài nghi sự tồn tại của nó. Nước ấm như vậy thường gắn liền với suối nước nóng địa nhiệt gắn liền với hoạt động núi lửa dưới lòng đất, tuy nhiên, rừng mưa Amazon không nằm gần ngọn núi lửa nào. Ước tính trung tâm núi lửa gần nhất ở cách sông nước sôi hơn 700 km.
Mãi tới năm 2011, dòng sông được nghiên cứu lần đầu bởi nhà khoa học địa nhiệt Andrés Ruzo. Ông nội của Ruzo từng kể về dòng sông khi anh còn nhỏ. Tình cờ, dì của anh quen vợ của một pháp sư bảo vệ dòng sông. Ruzo chia sẻ anh được họ dẫn tới chỗ dòng sông bằng đường bộ. Dòng sông kéo dài 6,24 km với nhiệt độ trung bình 86 độ C. Điều khiến anh bất ngờ là thượng nguồn của nó khá lạnh. Nó chỉ nóng lên khi chảy qua một suối nước nóng nằm bên dưới tảng đá hình đầu rắn. Sau khi bàn bạc với pháp sư, Ruzo được phép nghiên cứu dòng sông và lấy mẫu nước về phòng thí nghiệm.
Việc ở gần dòng sông cực kỳ nguy hiểm, ngay cả đối với động vật hoang dã ở vùng Amazon thuộc Peru. Ruzo cho biết anh từng chứng kiến nhiều động vật trở thành nạn nhân của sông nước sôi. "Chúng rơi xuống và thứ đầu tiên bị nấu nhanh chóng là mắt. Mắt của chúng chuyển thành màu trắng đục. Chúng tìm cách bơi đi nhưng thịt bị nấu khi vẫn còn liền với xương, vì vậy chúng mất sức. Cuối cùng, nước nóng tràn vào miệng chúng và nấu chín chúng từ trong ra ngoài", Ruzo nói.
Thông qua nghiên cứu khu vực, Ruzo chỉ ra dòng sông tạo ra nhiệt độ sôi sục, không liên quan tới hoạt động núi lửa. Tuy nhiên, quy mô và nhiệt độ cực cao của nó vượt xa bất kỳ hệ thống địa nhiệt phi núi lửa nào trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu suy đoán nước sông có thể bắt nguồn từ sông băng trên dãy Andes. Băng tan chảy ngấm vào sâu dưới lòng đất, nóng lên bởi năng lượng địa nhiệt của Trái Đất trước khi tái xuất hiện ở vùng Amazon. Tương tự phần còn lại của rừng mưa Amazon, khu vực xung quanh Shanay-timpishka đang bị đe dọa bởi nạn chặt phá rừng, các dự án phát triển và khai thác nhiên liệu hóa thạch. Ruzo hy vọng nghiên cứu của anh sẽ thúc đẩy chính phủ Peru tìm cách bảo vệ dòng sông.
Ý kiến ()