Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:33 (GMT +7)
“Sự bao dung sẽ giúp hoa hậu tốt hơn, chứ không phải việc tước vương miện”
Thứ 7, 05/08/2023 | 16:21:53 [GMT +7] A A
Khủng hoảng truyền thông của tân Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi và Á hậu 1 Đào Thị Hiền đã kéo theo những ý kiến phản ứng về việc quá nhiều cuộc thi hoa hậu đang được cấp phép tổ chức, “chất lượng” hoa hậu sụt giảm...
Phóng viên Lao Động có cuộc trao đổi với chuyên gia đào tạo hoa hậu Phúc Nguyễn. Phúc Nguyễn hiện nắm giữ bản quyền của nhiều cuộc thi quốc tế như Hoa hậu Trái Đất Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational)... Anh và công ty Leading Media đã có nhiều năm đưa thí sinh Việt Nam tham gia các cuộc thi về hoa hậu, người mẫu cấp quốc tế.
Khủng hoảng truyền thông lan rộng của tân Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhiđang khiến dư luận phản ứng. Trong đó, số đông phản ứng với việc đang có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp được cấp phép tổ chức. Góc nhìn của anh?
Tôi hoàn toàn hiểu những phản ứng của dư luận. Việc khán giả cho rằng, số lượng các cuộc thi hoa hậu quá nhiều dẫn đến “chất lượng” hoa hậu giảm sút, điều này không sai.
Trước đây, mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia được cấp phép tổ chức. Các công ty phải “né” nhau để xin cấp phép, nên nhiều cuộc thi phải đợi đến 2-3 năm mới diễn ra một lần.
Khi có thời gian dài chuẩn bị, số lượng thí sinh tham gia rất đông, bản thân mỗi thí sinh đều có ý thức trau dồi, học hỏi, chuẩn bị kỹ lưỡng cho mình từ sắc đẹp đến kiến thức để tham gia dự thi. Chính bởi vậy, “chất lượng” hoa hậu cao hơn.
Đến nay đã khác. Tính riêng trong năm 2022, với khoảng gần 30 cuộc thi được tổ chức, có nghĩa, trong một năm Việt Nam có gần 30 hoa hậu và chừng 60 á hậu.
Khi quá nhiều cuộc tổ chức sẽ dẫn đến tình trạng “lọt sàng xuống nia”, thí sinh bị loại ở cuộc thi này, lại đăng ký tham gia một cuộc khác, và có khi trở thành hoa hậu.
Anh là chuyên gia đào tạo hoa hậu. Anh có cho rằng, đã đến lúc cần giảm thiểu cấp phép cho các cuộc thi nhan sắc, để tránh tình trạng “loạn hoa hậu”, “nhà nhà có hoa hậu, người người thi hoa hậu”?
Việc cấp phép thuộc quản lý của các cơ quan chức năng, tôi không dám lạm bàn. Nhưng tôi nghĩ có nhiều cách để kiểm soát việc này.
Nói thật, cá nhân tôi là người trong ngành, tôi cũng chột dạ khi thấy “nhà nhà có hoa hậu, người người thi hoa hậu”.
Tôi nghĩ, các cấp quản lý có thể kiểm soát số lượng cuộc thi được cấp phép, có quy định về chất lượng, cách thức tuyển chọn, và tiêu chí của từng cuộc.
Bên cạnh đó, những công ty đứng ra tổ chức thi sắc đẹp phải cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm về rủi ro, ồn ào khi có khủng hoảng xảy ra.
Sau đêm đăng quang, khủng hoảng truyền thông về tân hoa hậu hẳn là nỗi “ám ảnh” lớn nhất của ban tổ chức. Sức ảnh hưởng của khủng hoảng gây ra sẽ như thế nào dưới quan sát của anh?
Khủng hoảng truyền thông xảy đến đúng là nỗi lo rất lớn của các công ty tổ chức thi hoa hậu. Bởi khủng hoảng truyền thông rất dễ lan rộng với tốc độ chóng mặt trong thời kỳ mạng xã hội bùng nổ như hiện nay. Xử lý được khủng hoảng ở tốc độ nhanh và mạnh như thế là bài toán rất khó.
Khi bạn là người bình thường, mọi ồn ào cá nhân chỉ vài người biết, Facebook chỉ vài chục, cùng lắm vài trăm tương tác. Nhưng khi bạn là hoa hậu, bạn vướng scandal, chỉ sau vài giờ, cả nước biết. Trang cá nhân bị cả nghìn người tấn công.
Nhưng theo quan sát của tôi, thường khủng hoảng truyền thông là điều có thể lường trước được. Rất ít tình huống phát sinh ở mức khó lường.
Điều quan trọng là ban tổ chức, công ty quản lý phải có chiến lược, có kế hoạch bài bản để trang bị kiến thức, cách trả lời phỏng vấn cho tân hoa hậu, á hậu.
Khi có kinh nghiệm, nhanh nhạy, chuyên nghiệp, sẽ biết xử lý khủng hoảng theo hướng giảm thiểu hậu quả ở mức ít nhất. Nếu không, khủng hoảng sẽ leo thang và ngày càng phức tạp.
Dễ xảy ra khủng hoảng truyền thông nhưng các cuộc thi hoa hậu vẫn “mọc lên như nấm sau mưa”, bởi đây còn là dự án thương mại kiếm tiền “khủng” cho ban tổ chức qua việc kêu gọi tài trợ, và bán quảng cáo. Ý kiến của anh về việc này?
Tôi nghĩ cũng không nên có cái nhìn quá cực đoan về việc này. Cuộc thi nào muốn tổ chức cũng cần phải có tài chính. Dự án kinh tế nào cũng cần sinh lợi nhuận. Công ty nào muốn tồn tại cũng cần có doanh thu. Với những công ty tổ chức thi hoa hậu cũng vậy thôi.
Ngoại trừ những cuộc thi sắc đẹp do các địa phương tổ chức với mục đích tìm ra đại sứ hình ảnh để quảng bá du lịch hoặc đại sứ các phong trào mang tính cộng đồng, còn lại, những cuộc thi sắc đẹp khác hầu như đều là dự án thương mại.
Mục đích ban đầu của việc tổ chức thi sắc đẹp, theo tôi, cũng là tốt đẹp. Ban tổ chức muốn tìm ra những cô gái có sắc đẹp, có khả năng truyền cảm hứng, có thể đại diện cho lối sống đẹp, nhân cách đẹp để từ đó lan tỏa những thông điệp tươi đẹp về cuộc sống.
Khi bạn là một người bình thường, bạn rất khó truyền đi thông điệp rộng rãi. Nhưng hoa hậu có thể làm được điều đó.
Nhưng dần dà, trong việc tổ chức hoa hậu đã có những biến tướng, làm thay đổi sai lệch bản chất của cuộc thi và nặng về tính thương mại.
Chuyện mua giải cũng luôn ồn ào phía sau những cuộc thi hoa hậu?
Tôi quan sát từ góc nhìn của một người trong ngành, tôi cho rằng, chất lượng cuộc thi hoa hậu như thế nào phụ thuộc rất lớn vào cách thức, tiêu chí làm việc của từng công ty.
Trên thị trường, vàng – thau rất rõ ràng.
Khán giả có định kiến về hoa hậu, tôi lý giải được, vì họ thấy nhiều cuộc thi quá. Sẽ có cuộc thi biến tướng, nhưng cũng có những cuộc thi được tổ chức với sự đầu tư, chuyên nghiệp và rõ ràng.
Chúng ta không nên vơ đũa cả nắm.
Cuối cùng, nhìn từ góc của người trong ngành, theo anh, vì sao việc tước vương miện của một hoa hậu lại là quyết định khó khăn của ban tổ chức? Liệu có phải vì liên quan đến đối tác, nhà tài trợ và những ký kết thương mại đã có?
Tìm được một hoa hậu đã khó, tước vương miện lại càng khó hơn. Tất nhiên, vì sẽ liên quan đến uy tín của ban tổ chức, vì những ký kết, trả quyền lợi cho nhà tài trợ.
Nhưng theo tôi, ngay cả việc này, chúng ta cũng nên nhìn nhận với góc bao dung, độ lượng.
Hoa hậu còn quá trẻ. Sự non nớt của cô ấy đã khiến cô ấy rơi vào khủng hoảng truyền thông, đồng thời, phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm với công chúng.
Hoa hậu sẽ phải cần đến thời gian để trưởng thành. Hôm nay cô ấy có thể chưa học hỏi thấu đáo, nhưng ngày mai, ngày kia cô ấy sẽ học.
Hôm nay mọi chuyện có thể khiến dư luận nổi giận, nhưng đó cũng là cơ hội để tân hoa hậu nhìn nhận lại mình và thay đổi trong tương lai.
Chúng ta nên cho cô ấy thời gian và cơ hội để hoàn thiện mình, thay vì đòi tước vương miện.
Sự bao dung sẽ giúp cô ấy tốt hơn, chứ không phải việc tước vương miện.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()