Tất cả chuyên mục

Bộ Y tế đã có quy chế về sử dụng kháng sinh, song trên thực tế, nhiều người bệnh vẫn tự ý đến nhà thuốc kể bệnh để người bán thuốc chọn hộ kháng sinh về dùng mỗi khi trái gió trở trời, dùng vài ngày thấy đỡ thì thôi. Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách này có thể làm cơ thể mất đi các khả năng phòng, chống bệnh tật mà bẩm sinh vốn có, tạo cơ hội cho vi khuẩn tăng cường được khả năng thích nghi và trở thành các chủng kháng thuốc nguy hiểm.
![]() |
Nhà thuốc Minh Anh 2, khu 4, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long là một trong những nhà thuốc bán thuốc theo đơn, nhất là thuốc kháng sinh. Ảnh: Thu Nguyệt |
Trong đó, tình trạng dị ứng thuốc kháng sinh thường xảy ra phổ biến, trường hợp nặng là sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Cùng với đó, thuốc kháng sinh khi dùng không đúng có thể xảy ra các tai biến như loạn khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa; nhiễm độc dẫn đến tình trạng phổ biến là hại gan, thận; nhiễm độc chọn lọc trên từng bộ phận cơ thể như điếc; suy tủy dẫn đến tử vong; viêm nhiều dây thần kinh; hỏng men răng; mất bạch cầu hạt... Nguy hiểm hơn là tăng số loại vi khuẩn kháng thuốc.
Đặc biệt, dùng kháng sinh không đúng dẫn đến những tổn thương do tác dụng phụ, như: Trẻ em bị hỏng men răng (răng vàng ố suốt đời) vì mẹ uống thuốc tetracyclin khi mang thai; trẻ em bị điếc do tiêm streptomycin quá liều quy định...
Hiện nay, trên thị trường tân dược nước ta có tới 17 nhóm thuốc kháng sinh với khoảng 500 tên thuốc gốc và hàng ngàn tên biệt dược khác nhau. Không những thế, nhiều tên thuốc còn được gọi khác nhau, mỗi loại thuốc lại được bào chế dưới nhiều dạng như tiêm, uống, dùng ngoài. Vì vậy, các loại thuốc này phải được bác sĩ khám bệnh kê đơn mới được sử dụng.
![]() |
Trên thị trường tân dược nước ta có tới 17 nhóm thuốc kháng sinh với khoảng 500 tên thuốc gốc và hàng ngàn tên biệt dược khác nhau. Ảnh: Internet |
Khi đã được bác sĩ khám và kê đơn mua thuốc kháng sinh thì cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc kháng sinh có hiệu quả nhất khi uống đúng liều, đúng khoảng cách thời gian, để bảo đảm trong cơ thể lúc nào cũng có đủ nồng độ lượng thuốc chống chọi với vi khuẩn. Trong đơn bác sĩ ghi uống 2 lần/ngày thì khoảng cách thời gian giữa 2 lần uống thuốc là 12 giờ. Uống thuốc đủ số ngày bác sĩ ghi trong đơn (một liệu trình) thường là 7 hoặc 10 ngày liền.
Nước uống thuốc kháng sinh tốt nhất là dùng nước đun sôi để nguội. Chú ý theo chỉ định của bác sĩ, những loại kháng sinh phải uống trong hoặc ngay sau bữa ăn. Hay, những loại kháng sinh phải uống xa bữa ăn, do các loại thuốc này bị giảm hấp thu do thức ăn hoặc kém bền vững trong môi trường axít dịch vị.
Đặc biệt, trong thời gian dùng thuốc kháng sinh, không nên uống thuốc tránh thai mà phải dùng các biện pháp tránh thai khác. Không uống bia, rượu khi dùng một số thuốc kháng sinh. Không sử dụng thuốc còn thừa lại từ lần trước. Uống sai thuốc có thể khiến bệnh chậm được điều trị đúng cách và khiến bệnh nặng thêm. Không dùng kháng sinh được kê đơn cho người khác, có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Khi ăn, uống các loại rau quả có vị chua chứa nhiều axít hữu cơ nên dùng trước 60 phút hoặc sau 120 phút khi uống kháng sinh.
Khi nào thì sử dụng hoặc không sử dụng kháng sinh Việc có cần dùng kháng sinh hay không tùy thuộc vào loại nhiễm trùng mà bạn mắc phải. Do đó, phải luôn hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm trùng. Cảm lạnh và cúm: Những bệnh này là do vi rút gây ra, do đó kháng sinh sẽ không chữa khỏi bệnh. Hãy hỏi bác sĩ về những thuốc không kê đơn để điều trị các triệu chứng của cảm lạnh và cúm. Nhớ báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về tất cả những thuốc bạn đang sử dụng để tránh những tương tác thuốc có hại. Viêm họng: Vi rút thường là nguyên nhân gây viêm họng, nhưng một số trường hợp viêm họng có thể là do vi khuẩn, như viêm họng liên cầu. Bác sĩ có thể nuôi cấy và làm test vi khuẩn trước khi kê đơn kháng sinh. Viêm xoang: Cả vi rút và vi khuẩn đều có thể gây nhiễm trùng ở xoang. Nếu bạn bị chảy nước mũi màu vàng hoặc xanh thì có thể cần dùng kháng sinh, vì thế hãy đi khám bác sĩ. Viêm tai: Viêm tai không phải lúc nào cũng cần điều trị kháng sinh, vì cả vi rút và vi khuẩn đều có thể là nguyên nhân gây bệnh. Ho và viêm phế quản: Những bệnh này hầu như luôn do vi rút gây ra. Tuy nhiên, nếu trước đó bạn đã có vấn đề ở phổi thì vi khuẩn có thể bội nhiễm và có thể cần đến kháng sinh. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị ho kéo dài, nhất là ho có đờm. |
Tường Vi
Ý kiến ()