Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:59 (GMT +7)
Xây dựng nông thôn mới ở Hạ Long
Thứ 7, 23/07/2022 | 15:37:50 [GMT +7] A A
Đến cuối năm 2019, huyện Hoành Bồ sáp nhập về TP Hạ Long thành một đơn vị hành chính, gồm 21 phường, 12 xã và kể từ đây, sau gần 10 năm, TP Hạ Long mới bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong khi không ít các chỉ tiêu về xây dựng NTM của huyện Hoành Bồ trước khi sáp nhập khó có thể hoàn thành để trở thành huyện NTM theo kế hoạch.
Ngay sau khi sáp nhập, TP Hạ Long tiếp tục triển khai xây dựng NTM trên cơ sở kết quả sau 10 năm của huyện Hoành Bồ trước đây đã thực hiện được. Tuy nhiên, thời điểm đi vào thực hiện cũng là lúc sắp kết thúc giai đoạn 1 của chương trình xây dựng NTM. Nhiều tiêu chí, chỉ tiêu đều phải đạt khá cao theo Bộ tiêu chí mới về xây dựng NTM là một thách thức rất lớn đối với các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thành phố.
Huyện Hoành Bồ trước sáp nhập là huyện miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; trong 12 xã và 1 thị trấn, có 6 xã miền núi, 5 xã vùng cao, nhiều xã vừa thoát khỏi xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, năm 2010 còn 13,1%; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 11,2 triệu đồng/người/năm; diện tích tự nhiên rộng, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn; tỷ lệ người dân tộc thiểu số có xã gần 100%; mật độ dân số thưa, sống không tập trung; trình độ dân trí không đồng đều... Vì vậy, công việc đặt ra với thành phố khá bộn bề, vừa phải sắp xếp ổn định tổ chức, vừa phải thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí mới và phải thực hiện theo lộ trình Quảng Ninh là tỉnh NTM vào trước năm 2025.
Đến hết năm 2020, thành phố mới chỉ được công nhận 18/72 thôn đạt chuẩn NTM. Vậy nên, để biến những thách thức thành cơ hội, cùng nhiều giải pháp đồng bộ, TP Hạ Long xây dựng chương trình, kế hoạch theo hướng rõ mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Thành phố thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là tiêu chí về hình thức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo... theo tiêu chí vùng Đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là, vai trò người đứng đầu.
Năm 2021, TP Hạ Long tập trung và quyết định lấy cơ sở hạ tầng kinh tế làm khâu đột phá. Tuy nhiên, địa bàn các xã trải dài, địa hình phức tạp, tiềm lực kinh tế có hạn đã trở thành rào cản lớn đối với Hạ Long. Nhưng bằng nhiều cách làm sáng tạo riêng có của thành phố được phát huy hiệu quả, những cái khó đó lần lượt được tháo gỡ. Nhiều tuyến đường thôn, đường vào khu sản xuất tập trung, đường ngõ xóm trên địa bàn các xã đã được bê tông hóa đang ngày hiện diện.
Trên chặng đường nước rút, thời điểm cao trào xây dựng NTM ở TP Hạ Long, cũng là lúc các đợt dịch liên tiếp bùng phát; theo đó trong đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế khó một, thì trên lĩnh vực chuyển đổi tư duy cho người dân trong phát triển kinh tế khó gấp trăm lần, bởi lẽ đa phần người dân ở những xã vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc sinh sống canh tác manh mún, độc canh và do dịch bệnh dẫn tới không ít sản phẩm của người nông dân khó khăn về tiêu thụ...
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, thành phố tập trung mọi nguồn lực cho việc quy hoạch vùng sản xuất, hướng người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và phát triển các sản phẩm thành sản phẩm hàng hóa làm khâu đột phá trong phát triển sản xuất. Trong niềm vui ông Triệu Văn Chuyên, thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân (TP Hạ Long), cho biết: Hầu hết mọi người dân ở thôn đã không còn bỏ hoang đất đai như trước và những mảnh vườn hoang hóa ngày nào, giờ đây đã được bao phủ bằng màu xanh của các loại cây trái, các trang trại, gia trại và rừng gỗ lớn... Thôn, bản đổi mới, con người đổi mới, tư duy đổi mới và các ngôi biệt thự ở khắp các thôn, bản không còn là điều xa lạ với người dân nơi đây...
Vươn mình đi lên của 3 xã vùng cao Kỳ Thượng, Đồng Sơn, Đồng Lâm nơi tỷ lệ người đồng bào dân tộc chiếm gần 100% và là những xã khó khăn nhất của TP Hạ Long, để rồi giờ đây cả 3 xã này đang từng ngày khởi sắc và vừa được xét công nhận đạt chuẩn NTM đầu năm 2022. Như vậy, đến nay, 12/12 xã của thành phố đã được UBND tỉnh thẩm định và công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, 3/12 xã là: Sơn Dương, Thống Nhất, Lê Lợi đang trình UBND tỉnh để được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Mục tiêu xây dựng NTM của Hạ Long thời gian tới, đó là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch...
Phạm Hải
Liên kết website
Ý kiến ()