Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:10 (GMT +7)
Sự nguy hiểm và uy lực của đạn làm từ uranium nghèo mà Anh sắp gửi cho Ukraine
Thứ 6, 24/03/2023 | 14:57:35 [GMT +7] A A
Mặc dù kém mạnh hơn nhiều so với uranium làm giàu và không có khả năng tạo ra phản ứng hạt nhân, nhưng uranium nghèo vẫn là vật chất rất độc hại, gây lo ngại về những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
Bộ Quốc phòng Anh hôm 20/3 xác nhận sẽ cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo. Những loại đạn như vậy từng được Mỹ phát triển trong Chiến tranh Lạnh để tiêu diệt xe tăng Liên Xô, bao gồm cả xe tăng T-72 mà Ukraine hiện đang phải đối mặt trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc ở miền Đông nước này.
Edward Geist, chuyên gia hạt nhân và nhà nghiên cứu chính sách của RAND (tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu), cho biết, các viên đạn chứa vật liệu này vẫn giữ lại một số đặc tính phóng xạ, nhưng chúng không thể tạo ra phản ứng hạt nhân như vũ khí hạt nhân.
Moskva đã cảnh báo London không chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine, vì Nga coi đây là vũ khí "có thành phần hạt nhân" và sẽ có phản ứng tương xứng. Cả Anh và Nhà Trắng đều bác bỏ cáo buộc của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng loại đạn này nguy hiểm ngay cả khi nó không phải là vũ khí hạt nhân.
Uranium nghèo là gì
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium vốn cần thiết để tạo ra vũ khí hạt nhân.
Về mặt hóa học, uranium nghèo là uranium có hàm lượng đồng vị phân hạch U-235 thấp hơn uranium tự nhiên. Uranium tự nhiên chứa khoảng 0,72% U-235 tính theo trọng lượng, trong khi DU được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng chứa dưới 0,3% U-235, và trên thực tế, chỉ sử dụng DU chứa khoảng 0,2% U-235.
Mặc dù kém mạnh hơn nhiều so với uranium được làm giàu và không có khả năng tạo ra phản ứng hạt nhân, nhưng uranium nghèo vẫn là vật chất cực kỳ đặc - với mật độ đặc hơn chì - một yếu tố khiến nó trở thành một nguyên liệu mạnh mẽ trong chế tạo đạn dược.
Chuyên gia Geist cho biết: “Nó quá đặc và có nhiều động lượng đến mức nó xuyên qua lớp giáp, và nóng lên đến mức bốc cháy".
Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND, cho biết "khi được khai hỏa, một loại đạn uranium nghèo trở thành một phi tiêu kim loại kỳ lạ được bắn với tốc độ cực cao".
Ứng dụng của uranium nghèo
Uranium nghèo thích hợp để làm đạn xuyên giáp vì dễ cháy. Khi va chạm với một mục tiêu cứng, chẳng hạn như xe bọc thép, mũi của đạn DU gãy, tác động và giải phóng năng lượng nhiệt tiếp theo khiến nó bốc cháy đốt cháy đạn dược và nhiên liệu, sát thương tổ lái và có thể khiến chiếc xe phát nổ. Uranium nghèo cũng được dùng làm đạn xuyên giáp cho pháo cỡ nòng 30, 25, 20 mm gắn trên máy bay, trực thăng, xe chiến đấu bọc thép, tàu mặt nước…
Vào những năm 1970, quân đội Mỹ bắt đầu chế tạo đạn xuyên giáp bằng uranium nghèo và từ đó đã bổ sung nó vào thành phần giáp xe tăng tổng hợp để tăng cường sức mạnh. Họ cũng đã bổ sung uranium nghèo vào các loại đạn được bắn bởi máy bay tấn công hỗ trợ trên không A-10, còn được gọi là sát thủ xe tăng.
Mỹ và NATO đã sử dụng các loại đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, chiến tranh Bosnia, Serbia, cuộc chiến Vùng Vịnh năm 2003, và chiến dịch không kích khủng bố ISIS ở Syria.
Chuyên gia Boston cho biết quân đội Mỹ vẫn đang phát triển các loại đạn uranium nghèo, đáng chú ý là đạn xuyên giáp M829A4 dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams.
Trả lời câu hỏi của hãng tin AP, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Garron Garn cho biết trong một tuyên bố ngày 23/3 rằng “Bộ Quốc phòng Mỹ đã mua, lưu trữ và sử dụng đạn uranium nghèo trong vài thập kỷ, vì đây là một thành phần lâu đời của một số đạn dược thông thường".
Ông Garn cho biết thêm rằng “các quốc gia khác cũng đã sở hữu các loại đạn uranium nghèo từ lâu, trong đó có cả Nga". Tuy nhiên, quan chức này sẽ không thảo luận việc liệu các xe tăng M1A1 đang sẵn sàng chuyển cho Ukraine có chứa các sửa đổi về lớp giáp có uranium nghèo hay không, với lý do bí mật.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết hôm 20/3 rằng Mỹ đã không gửi đạn uranium nghèo từ kho vũ khí của mình tới Ukraine.
Quan điểm của phía Nga
Trước thông báo của Anh về việc cung cấp đạn xe tăng chứa uranium nghèo cho Kiev, Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/3 cảnh báo rằng Moskva sẽ “đáp trả tương ứng, vì phương Tây đang bắt đầu sử dụng vũ khí có ‘thành phần hạt nhân’”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết người Anh “đã mất phương hướng”, đồng thời cảnh báo rằng các loại vũ khí chứa uranium nghèo là “một bước đẩy nhanh leo thang”.
Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Hạ viện Nga (Duma Quốc gia), cho biết việc cung cấp đạn chứa uranium nghèo có thể dẫn đến "một thảm kịch trên quy mô toàn cầu, sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các nước châu Âu."
Không phải vũ khí hạt nhân nhưng vẫn có rủi ro cao
Mặc dù đạn uranium nghèo không được coi là vũ khí hạt nhân, nhưng việc chúng phát ra lượng phóng xạ thấp đã khiến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc - khuyến cáo nên thận trọng khi xử lý đồng thời cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra khi phơi nhiễm.
IAEA cảnh báo rằng việc xử lý các loại đạn như vậy “nên được giữ ở mức tối thiểu và phải mặc quần áo bảo hộ”, đồng thời cho biết thêm rằng “có thể cần phải có một chiến dịch thông tin đại chúng để đảm bảo rằng mọi người tránh xử lý các loại đạn đó".
“Điều này sẽ là một phần của bất kỳ đánh giá rủi ro nào và các biện pháp phòng ngừa như vậy sẽ phụ thuộc vào phạm vi và số lượng đạn được sử dụng trong một khu vực", IEAE lưu ý.
IAEA cho rằng uranium nghèo về cơ bản là một hóa chất độc hại nhưng không cho rằng nó có nguy cơ phóng xạ. Uranium bị đốt cháy dữ dội tạo ra "sol khí" gồm khoảng một nửa lượng uranium trong khối lượng ban đầu của chúng. Các hạt "sol khí" có thể xâm nhập cơ thể người qua đường thở hoặc thực quản, và mặc dù hầu hết sẽ được bài tiết ra ngoài, một số có thể xâm nhập vào máu và gây tổn thương thận.
IAEA cho biết: “Nồng độ cao (hạt sol khí như vậy) trong thận có thể gây ra tổn thương và trong trường hợp nghiêm trọng là suy thận”.
Chuyên gia hạt nhân Edward Geist cho biết, độ phóng xạ ở mức độ thấp của đạn uranium nghèo “là một lỗi, chứ không phải là một tính năng” của loại đạn này và nếu quân đội Mỹ có thể tìm thấy một vật liệu khác có cùng mật độ nhưng không có độ phóng xạ thì họ có thể sẽ sử dụng vật liệu đó để thay thế.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()