Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:50 (GMT +7)
Sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản phải xóa bỏ tư duy "không buôn gì lãi bằng buôn đất"
Thứ 6, 23/06/2023 | 21:48:28 [GMT +7] A A
Đại biểu Quốc hội nêu mong muốn của cử tri về việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này phải xóa bỏ được tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”, đồng thời làm sao để người nghèo không nghèo thêm vì bất động sản.
Ứng phó chủ động, kịp thời với tình trạng “nóng lạnh” của thị trường
Chiều 23/6, phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nêu thực tế, thị trường bất động sản lên xuống, luôn rình rập yếu tố rủi ro, nếu chính sách của Nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế.
Khẳng định chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng, đại biểu cho biết Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương đều nêu một trong những nhiệm vụ trọng tâm là quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, nhưng hiện nay chưa điều tiết được cũng như cơ cấu lại được thị trường này.
“Cử tri mong muốn sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này làm sao để xóa bỏ tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”, phải làm sao để người nghèo không nghèo thêm vì bất động sản. Sửa luật lần này cũng cần làm sao để các thế hệ sau của chúng ta không trở nên vô vọng với ước mơ có được một ngôi nhà để ở, tức là phải điều tiết được thị trường này”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo đầu tư nhiều hơn vào Điều 8 của dự thảo luật, tập trung rà soát kỹ lưỡng toàn bộ dự án luật, trên cơ sở đó luật hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước nhằm điều tiết thị trường bất động sản.
Theo đại biểu, việc cụ thể hóa, luật hóa các chính sách này cần bảo đảm các yêu cầu: Tính ổn định lâu dài của chính sách; tạo động lực phát triển thông qua chính sách thông thoáng, thuận lợi để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, nhanh và bền vững; điều tiết, cơ cấu lại thị trường bất động sản hợp lý, tạo đột phá trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; bảo đảm quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời, chủ động với căn bệnh mãn tính của thị trường bất động sản “hết nóng lại lạnh”.
Về chính sách của Nhà nước đối với đầu tư, kinh doanh bất động sản tại Điều 8 trong dự thảo luật, đại biểu cho rằng các chính sách này còn mỏng, chưa đúng tầm, cần luật hóa mạnh hơn, đầy đủ hơn chính sách điều tiết đối với thị trường bất động sản.
Tham gia góp ý cụ thể vào Điều này, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, cần bổ sung làm rõ các chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân tại các khoản 1, 3 và 4, quy định cụ thể hơn, bảo đảm luật hóa các chính sách, định lượng nhiều hơn là định tính, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả rõ rệt, hấp dẫn để thu hút các tổ chức, cá nhân đưa ra quyết định đầu tư nhanh chóng, giúp thị trường bất động sản phát triển với tốc độ cao và bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Nội dung khoản 5 Điều 8 nêu Nhà nước có cơ chế, chính sách điều tiết khi thị trường biến động. Theo đại biểu quy định như vậy là chậm, bị động, đặc biệt trong bối cảnh chính sách của chúng ta thường đi sau biến động của thị trường và có độ trễ nhất định, dẫn đến nguy cơ gây hậu quả khó lường.
Dẫn kinh nghiệm thực tế ở Singapore dùng công cụ thuế để điều tiết thị trường bất động sản, đại biểu cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ thị trường bằng các công cụ thuế, nhằm giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Giao dịch bất động sản trong tương lai gây nhiễu loạn thông tin, loạn giá thị trường
Bày tỏ nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã tập trung vào những vấn đề hiện đang nổi cộm như giao dịch bất động sản, hoạt động của thị trường bất động sản.
Góp ý về nội dung bất động sản hình thành trong tương lai quy định tại Chương III dự thảo luật, đại biểu cho rằng quy định này nhằm mục tiêu tốt đẹp là để doanh nghiệp có cơ sở pháp lý huy động được trước tiền của người mua và nhà đầu tư, còn người mua nhà, người mua đất có cơ hội mua nhà với giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, việc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai gây nhiễu loạn thông tin, nhiễu loạn giá thị trường.
Việc mua đi, bán lại của những người tham gia thị trường đẩy giá tăng cao rồi lại giảm xuống bất thường, gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản cũng như xã hội, chưa kể đến những dự án “ma” vẽ trên giấy hoặc những vụ lừa đảo liên quan đến “phân lô, bán nền” cũng bắt nguồn từ nhiều dự án bất động sản hình thành trong tương lai.
So với luật năm 2014, dự thảo luật lần này đã quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện, về giấy tờ pháp lý, đặt cọc hay bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, dự thảo luật lại chưa quy định về giới hạn kinh doanh hay mua bán trên thị trường thứ cấp, tác nhân gây ra sự nhiễu loạn giá trên thị trường, làm cho khi đến tay người mua cuối cùng có nhu cầu thực sự về nhà ở thì giá đã bị đẩy lên rất cao, khác xa với giá trị thực của dự án bất động sản.
Vì vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm một điều quy định về giới hạn giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai, nhằm góp phần điều tiết và bình ổn thị trường bất động sản. Theo đại biểu, vấn đề này có thể kiểm soát thông qua phòng công chứng.
Cần chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản
Liên quan đến các hành vi bị cấm quy định tại khoản 3 Điều 9 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị cần làm rõ nội hàm hành vi “cấm gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản”.
Đại biểu nêu rõ, trên thực tế vừa qua, bất động sản bị bóp méo nhiều, có lúc bị lũng đoạn bởi các hành vi tạo nhu cầu giả, tạo sóng thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi, lôi kéo người mua cùng với các chiêu trò quảng cáo gây sốt.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có những điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng nhưng nhà đầu tư kinh doanh bất động sản không thực hiện đúng, gây bất lợi, tranh chấp thiệt hại cho người mua.
Do vậy, cần có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm và cần rà soát, sửa đổi, bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ Luật Hình sự.
Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3 với các hành vi gian lận, lừa dối, tạo nhu cầu thị trường ảo trong kinh doanh bất động sản, đồng thời bổ sung khoản 5 về thực hiện các điều khoản liên quan đến việc thực hiện hợp đồng giao dịch, đó là không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ nguyên tắc, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và các điều khoản cam kết nghĩa vụ trong hợp đồng giao dịch.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, việc bổ sung này cũng tương thích với các quy định tại tại các Điều 19, 20, 21, 22 của dự thảo luật.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()