Ngày 9/7, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thông tin trên. Trước nhập viện, người này đau họng, tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống. Trong quá trình truy vết, giới chức đã lấy mẫu hầu họng của cô xét nghiệm hôm 4/7, kết quả dương tính bạch hầu, được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Hiện, bệnh nhân được cách ly, theo dõi sát, chữa triệu chứng nếu có.
Theo các bác sĩ, tùy vị trí vi khuẩn gây bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau cũng như gây những biến chứng khác nhau. Nhẹ nhất là bạch hầu mũi trước, trong khi thể bệnh nặng nhất là bạch hầu ở thanh quản. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc gây tắc đường thở, làm người bệnh suy hô hấp và tử vong nhanh chóng. Bệnh này có tỷ lệ tử vong cao, trung bình 5-10% số ca.
Đây là bệnh nhân bạch hầu đầu tiên tại Bắc Giang trong năm nay. Cô gái này được CDC Bắc Giang ghi nhận dương tính với bạch hầu hôm 6/7, di chuyển từ Nghệ An ra Bắc Giang và đi nhiều nơi nên nguy cơ bệnh lây lan cộng đồng. Cô bị lây nhiễm vào cuối tháng 6 trong chuyến đến Nghệ An thi tốt nghiệp PTTH và ở chung phòng với một nữ sinh mang mầm bệnh bạch hầu. Nữ sinh này ngày 1/7 vào viện, bốn ngày sau tử vong. 134 người tiếp xúc gần với hai bệnh nhân trên đã được cách ly, điều trị dự phòng bằng kháng sinh.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở amidan, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Đây là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, xâm nhập qua da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Tại Việt Nam hiện nay không có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ duy trì vaccine phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu. Vaccine phòng bệnh này được cung cấp qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng (miễn phí) hoặc tiêm mất tiền tại các cơ sở tiêm chủng. Thống kê cho thấy hàng triệu trẻ em đã được bảo vệ bằng vaccine từ năm 1985. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến cuối 2023, do dịch Covid-19 và những khó khăn về nguồn cung sau đó, tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng xảy ra trên nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng đến việc tiêm chủng của trẻ.
Ý kiến ()