Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:20 (GMT +7)
Mở hướng đi mới trong phát triển lâm nghiệp bền vững
Thứ 4, 20/04/2022 | 13:57:44 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước đã ban hành nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Sau hơn 2 năm triển khai, Nghị quyết đã từng bước đi vào thực tiễn, tạo sức lan tỏa tại nhiều địa phương trong tỉnh, mở hướng đi mới trong quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng.
Ngay sau khi Nghị quyết 19 được ban hành, HĐND tỉnh đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Chính sách hỗ trợ này được triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Việc hỗ trợ 100% giống, lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại, vay vốn tín dụng chính sách, qua đó đã tạo động lực rất lớn cho phát triển nghề rừng theo hướng bền vững, đem lại lợi ích kép, vừa hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường.
Ba Chẽ là huyện miền núi có diện tích rừng và đất rừng chiếm trên 90% diện tích đất tự nhiên. Để hiện thực hóa Nghị quyết 19, Đảng bộ huyện Ba Chẽ đã xây dựng Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn Ba Chẽ giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu quyết tâm phấn đấu đưa huyện trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh. Bên cạnh đó, ban chỉ đạo thực hiện đề án được thành lập tại tất cả các xã, thị trấn, gắn với phân công cấp ủy viên phụ trách thôn, bản để xây dựng kế hoạch triển khai.
Từ nghị quyết sát thực tiễn, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, lợi ích, hiệu quả của việc trồng rừng gỗ lớn. Từ đó, mỗi người dân chủ động chuyển hóa rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn, sang trồng rừng gỗ lớn; từng bước thay thế cây keo sang nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác. Riêng năm 2021, toàn huyện có gần 200 hộ gia đình được hỗ trợ theo Nghị quyết 337 của HĐND tỉnh để trồng mới 300ha quế và các loại gỗ lớn khác với kinh phí trên 3,8 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn huyện năm 2021 đạt 939,4ha, bằng 144,5% kế hoạch.
Năm 2022, Ba Chẽ phấn đấu trồng mới 510ha rừng gỗ lớn, tập trung vào các loại cây lim, lát, giổi. Trong quý I, toàn huyện trồng mới trên 124ha rừng gỗ lớn, đạt 24,4% kế hoạch. Những tín hiệu tích cực này cho thấy sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong việc trồng rừng gỗ lớn, phát triển lâm nghiệp bền vững, thúc đẩy kinh tế xanh.
Không riêng huyện Ba Chẽ, Nghị quyết 19 đã và đang ngày càng lan tỏa ở khắp các địa phương trong tỉnh, với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt, Nghị quyết còn thu hút được sự tham gia, chung tay hưởng ứng của nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo hội nông dân các cấp tiến hành khảo sát địa điểm đất rừng đảm bảo các điều kiện, không có tranh chấp, đồng thời vận động hội viên nông dân đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 3 mô hình trồng cây gỗ lớn. Cụ thể, trồng 7,7ha lim tại Ba Chẽ, 8,25ha giổi xanh tại Móng Cái, 7,8ha quế tại Bình Liêu. Các hội viên tham gia mô hình được hỗ trợ giống, kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm trồng rừng... Đây sẽ là mô hình điểm để nông dân học tập nhằm chuyển đổi diện tích trồng keo sang trồng cây gỗ lớn.
Mới đây, Sở NN&PTNT đã phối hợp với 2 huyện Tiên Yên và Bình Liêu trồng 23.000 cây lim, lát, giổi trên diện tích 28ha. Trong đó, huyện Tiên Yên trồng 11.000 cây trên diện tích 12ha tại thôn Thủy Cơ (xã Tiên Lãng); huyện Bình Liêu trồng 12.000 cây trên diện tích 16ha tại bản Làng (xã Vô Ngại). Toàn bộ tiền cây giống trên được trích từ nguồn đóng góp của cán bộ, viên chức, người lao động Sở NN&PTNT. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đăng ký trồng rừng lim, giổi, lát như: Công ty Lâm nghiệp Ba Chẽ đăng ký trồng 50ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên đăng ký trồng 38ha, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đăng ký trồng 15ha, Công ty CP Thông Quảng Ninh đăng ký trồng 3,6ha, Công ty Viễn thông Quảng Ninh trồng 2ha...
Những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết 19 đã từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. Hướng đi này đang cho thấy hiệu quả tích cực trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng để phát triển lâm nghiệp, đưa ngành kinh tế này trở thành mũi nhọn, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng “xanh” của tỉnh.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()