Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 08:55 (GMT +7)
Sức ỳ còn từ lãnh đạo
Thứ 5, 15/05/2014 | 06:27:50 [GMT +7] A A
Chúng ta từng ca thán sự phiền hà của thủ tục hành chính, nhiều khi còn nói tới sức ỳ của người trực tiếp thực thi công vụ. Trong thực tế, nhiều khi sức ỳ còn từ chính lãnh đạo. Có lẽ vì thế mà khi triển khai một số dự án, người ta chú trọng công tác truyền thông tới cấp lãnh đạo. Lãnh đạo có “chuyển” thì mọi việc sau đó mới thuận lợi.
Quảng Ninh đang quyết tâm là tỉnh đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính bằng xây dựng các Trung tâm Hành chính công (TTHCC). Hiện nay cùng với TTHCC tỉnh, Quảng Ninh còn có TTHCC ở 5 địa phương Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và Vân Đồn. Quan điểm chỉ đạo của Quảng Ninh là: Triển khai các TTHCC phải gắn với xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả. Toàn bộ các thủ tục hành chính đưa vào TTHCC thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của các sở, ngành, địa phương. Mục tiêu đến năm 2015 các địa phương trong tỉnh đều có TTHCC và tiến tới hình thành các Trung tâm Dịch vụ Hành chính công với mô hình hiện đại.
Để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Kể từ ngày 12-5-2014, giám đốc/ phó giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch/ phó chủ tịch UBND các địa phương (Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn) làm việc tại TTHCC để có đủ thẩm quyền xem xét, chỉ đạo thẩm định và phê duyệt ngay các hồ sơ đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp, công dân và thường xuyên thường trực không được vắng mặt lãnh đạo và cán bộ tại TTHCC, thực hiện ký duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại TTHCC.
Mặc dù chỉ đạo trên bằng văn bản từ ngày 8-5 và nội dung này cũng được công bố tại cuộc họp của UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì ngày 5-5, nhưng đến ngày 12-5 có duy nhất Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông có mặt tại TTHCC để làm việc. Sự không chấp hành nhiệm vụ của một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương cho thấy sức ỳ cải cách thủ tục hành chính còn ở ngay cấp lãnh đạo.
Ngay ngày 13-5, những lãnh đạo sở, ngành, địa phương không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo nói trên đã bị Chủ tịch UBND tỉnh phê bình.
TTHCC là mô hình mới với mục tiêu góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo sự “Công khai, minh bạch, dân chủ, trách nhiệm” đối với tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính. Phương thức của cách làm này là đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết, ngăn chặn nhũng nhiễu, tiêu cực, tạo môi trường thông thoáng trong thu hút đầu tư cũng như tạo sự hài lòng cho người dân cùng doanh nhân.
Dù mô hình quản lý và ứng dụng công nghệ tiên tiến đến đâu nhưng nếu nó không gắn với trách nhiệm của công chức, nhất là công chức lãnh đạo thì sự cải cách cũng chỉ mang hình thức.
Qua việc phê bình nói trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi, vậy còn bao chỉ đạo của cấp trên mà cấp dưới không thực hiện? Chính tình trạng “trên bảo dưới không nghe” là cản trở lớn trong cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, cải cách thủ tục hành chính phải gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “Trung thành - sáng tạo - tận tụy - gương mẫu”.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()