Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 21:25 (GMT +7)
Suy ngẫm từ “chuyện gần”, “chuyện xa”...
Chủ nhật, 27/05/2012 | 12:19:43 [GMT +7] A A
Những ngày trung tuần tháng 5, trên các phương tiện thông tin đại chúng, có hai hiện tượng giáo dục được bạn đọc rất quan tâm, một “chuyện gần” và một “chuyện xa”. “Chuyện gần” là trường hợp ở Trường Tiểu học Cao Xanh (TP Hạ Long) có cô giáo đã dùng thước kẻ đánh vào mặt học sinh hôm 10-5-2012; còn “chuyện xa” là ở Thủ đô Hà Nội, các phụ huynh vì muốn đăng ký cho con vào học tại Trường PTCS Thực nghiệm mà đã chen lấn, xô đẩy nhau đến mức làm đổ cả cổng trường hôm 12-5-2012… Hai hiện tượng tất nhiên là chẳng dính dáng gì với nhau cả (mặc dù gần như cùng diễn ra trong một khoảng thời gian). Thế nhưng từ hai chuyện “chẳng dính dáng gì với nhau” này, liên hệ với thực tế giáo dục hiện nay, lại thấy có một “điểm chung”, ấy là sự bức xúc về môi trường giáo dục trong nhà trường hiện nay…
Trước hết, xin nói về “chuyện gần” đã! Thật khó tin, trong khi ngành giáo dục đang triển khai cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện”, với khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” mà ở một trường học ngay tại thành phố trung tâm chứ không phải đâu xa, vẫn có giáo viên, lại là một cô giáo trẻ (mới 24 tuổi), phạt học sinh bằng cách dùng thước kẻ đánh vào mặt các em. Đây là hành vi không thể chấp nhận được. Điều đó là đương nhiên. Nhưng vấn đề là ở chỗ từ hành vi của một cá nhân này, cần phải nhìn lại môi trường giáo dục hiện nay. Không chỉ ở chính ngôi trường đã để xảy ra vụ việc này, mà là trên diện rộng. Không chỉ những việc nghiêm trọng là đánh học sinh, mà cả những hành vi phi giáo dục khác, như mắng chửi, nhục mạ v.v.. các em. Những hành vi như thế thường thấy ở trường này, trường khác, với giáo viên này, giáo viên khác; chỉ có điều mọi người vẫn nghĩ nó “không nghiêm trọng”, chỉ là để “răn đe” các em thôi mà! Vì thế rất dễ bỏ qua hoặc nếu có thì cũng chỉ là nhắc nhở chung chung...
Từ “chuyện gần” lại nghĩ đến “chuyện xa”; mới thấy hiện tượng phụ huynh học sinh chen lấn, xô đổ cả cổng trường PTCS Thực nghiệm ở Hà Nội để xin cho con vào học, đã đành là chẳng hay ho gì, nhưng xét cho cùng cũng có căn nguyên của nó. Trong đó có lý do là ở Trường PTCS Thực nghiệm, môi trường giáo dục “thân thiện” hơn; câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thực sự được quan tâm hơn… Và vì thế, có thể nói, sự kiện “hy hữu” xảy ra ở Trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) cũng đáng để chúng ta suy ngẫm! Nếu Quảng Ninh mà có một trường như Trường PTCS Thực nghiệm ở Hà Nội thì có xảy ra chuyện tương tự hay không? Ai mà dám chắc là không...
Nhắc lại hai hiện tượng giáo dục được các cơ quan thông tin đại chúng quan tâm trong thời gian vừa qua này là để một lần nữa nhấn mạnh rằng, việc xây dựng “Trường học thân thiện” là một mục tiêu quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đến sự nghiệp giáo dục hiện nay. Có thể, mô hình giáo dục như ở Trường PTCS Thực nghiệm còn cần xem xét, thẩm định thêm nữa mới khẳng định được là nên hay không nên “nhân ra diện rộng”; nhưng chắc chắn, việc tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, tôn trọng học sinh mà ở đây đang áp dụng thì bất cứ trường học nào, dù ở đô thị hay nông thôn, miền núi v.v.. cũng đều có thể và cần làm theo.
Hoàng Long
Liên kết website
Ý kiến ()