Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:51 (GMT +7)
Suy thận - Bệnh nguy hiểm gây tử vong
Thứ 5, 27/06/2024 | 06:10:12 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, tỷ lệ người dân mắc bệnh lý suy thận có xu hướng gia tăng ở tất cả các lứa tuổi. Bệnh suy thận đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống, nếu bệnh không được kiểm soát kịp thời có thể gây tử vong, hoặc gánh nặng chi phí điều trị là rất lớn.
Suy thận là bệnh lý ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, dấu hiệu suy thận lại dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác ở đường tiết niệu. Cần nhận biết sớm để điều trị kịp thời, đúng cách, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.
Suy thận bao gồm có suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận cấp tiến triển cấp tính, diễn biến đột ngột, nếu được điều trị đúng sẽ khỏi hoàn toàn, còn không được điều trị kịp thời có nguy cơ nặng lên, tiến triển thành suy thận mạn, hoặc tử vong. Suy thận mạn thường diễn biến âm thầm, nặng dần theo thời gian và không thể hồi phục.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, hiện có hơn 200 bệnh nhân đang điều trị suy thận mạn. Các bệnh nhân mắc bệnh lý suy thận mạn ở từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 5. Khoa Thận lọc máu (Bệnh viện Bãi Cháy) là nơi tiếp nhận khám bệnh và điều trị bệnh nhân suy thận cấp, suy thận mạn nhiều giai đoạn. Bệnh nhân sẽ được thăm khám và chẩn đoán căn nguyên gây suy thận, được theo dõi bệnh định kỳ, điều chỉnh thuốc giúp cải thiện chức năng thận, nâng cao sức khoẻ và kéo dài thời gian bảo tồn chức năng thận trước lọc máu.
Bệnh suy thận có rất nhiều nguyên nhân. Suy thận cấp được chia thành 3 nhóm nguyên nhân: Trước thận, tại thận, sau thận. Nhóm bệnh nhân trước thận bao gồm các nhóm nguyên nhân gây giảm dòng máu tới thận, khiến chức năng lọc suy giảm, như mất nước do nắng nóng, tiêu chảy, nôn nhiều. Nhóm nguyên nhân tại thận gây hoại tử ống thận, giảm chức năng của thận. Suy thận sau thận do các nguyên nhân tắc nghẽn đường tiểu gây ứ nước tiểu, giãn đài bể thận và suy thận… Còn suy thận mạn là quá trình chết các tế bào nephron từ từ, do nhiều nguyên nhân như viêm cầu thận, các bệnh lý tim mạch nội tiết như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, xơ cứng bì... các bệnh lý di truyền như gan thận đa nang…
Bác sĩ CKI Lương Minh Tuyến, Phó Trưởng Khoa Thận lọc máu (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: Một số triệu chứng thường gặp của suy thận như da sạm đen, xỉn màu do lắng đọng nhiều chất độc và sắt; triệu chứng của thiếu máu như niêm mạc nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi khi làm việc. Đặc biệt là triệu chứng phù, đây là một trong những triệu chứng hay gặp trong suy thận cấp và các đợt cấp của suy thận mạn, bệnh nhân đi tiểu số lượng ít, kèm theo có phù vùng thấp.
Do chưa nhận thức đầy đủ về bệnh nên vẫn còn không ít trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý suy thận ở giai đoạn nặng mới nhập viện, khi đó người bệnh đã xuất hiện tình trạng phù các bộ phận trên cơ thể như mắt, chân, tay, nguy hiểm đến tính mạng.
"Đối với người bị bệnh thận, không nên uống quá nhiều hay quá ít nước, vì uống nhiều nước sẽ tạo áp lực lên cho thận, còn uống ít nước sẽ làm tăng nguy cơ thận bị nhiễm độc, do thận không đủ nước để co bóp đẩy cặn bã và độc tố ra ngoài. Vì vậy, chỉ cần uống một lượng nước vừa đủ (2-2,5 lít) mỗi ngày. Thường xuyên vận động vừa sức để tăng cường sự dẻo dai cho cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, đối với những người thận yếu cần chú ý loại bài tập, cường độ và thời gian tập luyện. Ngoài ra người bệnh cần duy trì cân nặng phù hợp, kiểm soát đường huyết và theo dõi chỉ số huyết áp. Việc kiểm tra chức năng thận thường xuyên là cách để tầm soát sức khỏe của thận, cũng biết được những thay đổi có thể xảy ra. Việc phát hiện sớm có thể giúp điều chỉnh lối sống, cũng như những can thiệp y tế giúp làm chậm, hoặc ngăn ngừa thận bị tổn thương trong tương lai" - bác sĩ Tuyến khuyến cáo.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()