Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 14/12/2024 11:25 (GMT +7)
Tác động quân sự với Nga và Ukraine khi phương Tây nới lỏng hạn chế về tên lửa tầm xa
Thứ 5, 21/11/2024 | 17:19:43 [GMT +7] A A
Quyết định của Mỹ và đồng minh về việc cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow cho Ukraine đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, với tiềm năng không chỉ thay đổi cục diện chiến trường mà còn đặt ra thách thức lớn cho chiến lược quân sự của Nga.
Khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, quyết định mới đây của Mỹ và đồng minh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do họ cung cấp như Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) hay Storm Shadow sẽ có tác động đáng kể trên chiến trường. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tác chiến của Ukraine mà còn tác động mạnh mẽ đến chiến lược quân sự của Nga.
Tác động về quân sự với Nga
Quyết định của Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS hay Anh với Storm Shadow với tầm bắn xa hơn có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong chiến lược quân sự của Nga. Việc triển khai những tên lửa này sẽ buộc Moskva phải điều chỉnh vị trí triển khai lực lượng của mình. Theo tờ Wall Street Journal, quân đội Nga sẽ phải di chuyển vị trí triển khai lực lượng ra xa tiền tuyến hơn, làm giảm khả năng tiếp cận và phản ứng nhanh của họ.
Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa hơn cũng có thể dẫn đến việc các kho vũ khí, sân bay và căn cứ quân sự của Nga trở thành mục tiêu tiềm năng cho các cuộc tấn công. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lực lượng Nga có thể gặp khó khăn trong việc bảo vệ các mục tiêu quan trọng trước mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS hoặc Storm Shadow.
Ví dụ, biến thể bom chùm của ATACMS chứa tới 950 quả bom bi M74 có tính sát thương cao và có tầm bắn lên tới 300km. Bất kỳ đơn vị nào của Nga được triển khai để phản công ở Kursk giờ đây sẽ rất dễ bị tổn thương, với số thương vong có thể vượt quá tỷ lệ hiện tại.
Nếu ATACMS gây khó khăn cho lực lượng tiến hành phản công của Nga thì việc sử dụng tên lửa Storm Shadow và tên lửa hành trình tương tự Scalp của Pháp sẽ gây khó khăn cho các chỉ huy Nga. Với tầm bắn 550km, vũ khí trị giá 2 triệu USD/tên lửa này mang theo đầu đạn nặng 950kg có thể xuyên sâu vào các tòa nhà và boongke. Những nơi trước đây được coi là trụ sở chỉ huy và kiểm soát an toàn, có thể sớm bị biến thành đống đổ nát.
Trước các mối đe dọa trên, Điện Kremlin sẽ nhận thấy tầm quan trọng của việc bố trí các tên lửa đánh chặn để bảo vệ các địa điểm chiến lược của mình, nhưng hệ thống phòng không của điện Kremlin sẽ phải chịu áp lực rất lớn vì phải bảo vệ Moskva, St Petersburg và các khu vực quan trọng khác khỏi các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Ukraine.
Tuy nhiên, Sam Cranny-Evans, chuyên gia quân sự tại viện nghiên cứu anh ninh và quốc phòng RUSI có trụ sở tại London, cho biết việc cấp phép sử dụng tên lửa tầm xa cho Ukraine là "quá muộn", vì Nga đã di chuyển hầu hết máy bay của mình ra khỏi tầm bắn của ATACMS. “Tác động có thể chỉ là tạm thời. Để tiêu diệt mục tiêu cần có quy mô để đạt được hiệu ứng lớn. Vì vậy, có thể cần một số Storm Shadow để phá hủy hoàn toàn một cây cầu hoặc để đảm bảo rằng một tên lửa có thể vượt qua được hệ thống phòng không. Số lượng tên lửa tầm xa của Ukraine không rõ ràng và các bệ phóng có thể phóng chúng cũng bị hạn chế”, chuyên gia này lưu ý.
Bên cạnh đó, Moskva cũng có thể phản ứng mạnh mẽ trước những thay đổi này. Điện Kremlin đã cảnh báo rằng quyết định cho phép Ukraine sử dụng ATACMS tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga chỉ "đổ thêm dầu vào lửa" và có thể dẫn đến những hành động đáp trả. Điều này có thể bao gồm việc tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine hoặc điều chỉnh chiến lược phòng thủ để bảo vệ các khu vực quan trọng.
Tờ The National của UAE dẫn lời Chuẩn tướng Ben Barry, thuộc viện nghiên cứu IISS, cho rằng vũ khí tầm xa mới có thể “làm chậm cuộc tấn công của Nga”, nhưng cũng cảnh báo rằng "điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những hành động gây ra hậu quả leo thang", đặc biệt nếu tên lửa của phương Tây gây ra thương vong cho thường dân Nga.
Tác động về quân sự với Ukraine
Đối với Ukraine, việc được phép sử dụng tên lửa ATACMS hay Storm Shadow tầm xa mang lại một số cơ hội chiến lược. Theo AP, các nhà lãnh đạo Ukraine đã vận động để phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa hơn nhằm thay đổi cán cân sức mạnh trong một cuộc chiến mà Nga có nhiều nguồn lực hơn, đồng thời tấn công chính xác vào các căn cứ không quân, kho tiếp tế và trung tâm thông tin liên lạc cách biên giới hàng trăm km.
Như vậy, việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công các mục tiêu quan trọng bên trong lãnh thổ Nga không chỉ giúp làm suy yếu sức mạnh không quân của Nga mà còn làm suy yếu các tuyến tiếp tế mà Moskva cần để tiến hành các cuộc không kích hàng ngày vào Ukraine cũng như duy trì cuộc tấn công quân sự trên bộ. Ngoài ra, nếu được sử dụng ở Kursk, các loại vũ khí này có thể sẽ khiến quân đội Nga gặp khó khăn hơn trong phản công và làm phức tạp thêm các kế hoạch tác chiến. Tờ The Guardian của Anh nêu rõ: Việc sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ sẽ có thể phá hủy các kho vũ khí, đạn dược, đường tiếp tế và căn cứ quân sự của đối phương, điều này sẽ củng cố đáng kể vị thế của quân Ukraine trên tiền tuyến.
Có thể nói, trước lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vào tháng 1/2025, việc sử dụng ATACMS không chỉ giúp Ukraine tăng cường sức mạnh quân sự của Ukraine cho đến khi nước này buộc phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Bên cạnh đó, việc cung cấp những loại vũ khí như vậy có thể ảnh hưởng tích cực đến tinh thần của người Ukraine trong thời điểm khó khăn.
Tuy nhiên, Ukraine cũng đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai hiệu quả loại vũ khí này. Theo tờ The Guardian của Anh, mặc dù ATACMS sẽ cung cấp khả năng tấn công sâu hơn, nhưng việc quân đội Ukraine thiếu hụt nhân sự được đào tạo có thể hạn chế khả năng khai thác tối đa tiềm năng của ATACMS.
Tờ The Guardian nhấn mạnh rằng ATACMS hay Storm Shadow không phải là "cây đũa thần" giải quyết mọi vấn đề cho Ukraine. Tác động thực sự của việc sử dụng ATACMS sẽ phụ thuộc vào cách thức mà Ukraine triển khai chiến lược của mình và liệu họ có đủ nguồn lực để thực hiện những cuộc tấn công hiệu quả hay không.
Như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã phát biểu: “Tôi không tin rằng một khả năng nào đó sẽ mang tính quyết định và tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó”, đồng thời lưu ý Ukraine còn có những phương tiện khác để tấn công các mục tiêu tầm xa.
Về phần mình, người phát ngôn Lầu Năm Góc Charlie Dietz cho biết ATACMS sẽ không phải là câu trả lời cho mối đe dọa chính mà Ukraine phải đối mặt, như bom lượn của Nga, được bắn từ khoảng cách hơn 300 km, vượt quá tầm bắn của ATACMS.
Ngoài ra, nguồn cung cấp ATACMS nói chung có hạn, vì vậy các quan chức Mỹ trước đây đã đặt câu hỏi liệu họ có thể cung cấp đủ cho Ukraine để tạo ra sự khác biệt hay không - mặc dù một số người ủng hộ cho rằng ngay cả một vài cuộc tấn công sâu hơn vào bên trong lãnh thổ Nga cũng sẽ buộc quân đội nước này phải thay đổi cách triển khai và tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn.
Jennifer Kavanagh, Giám đốc phân tích quân sự tại Defense Priorities, thừa nhận quyết định mới của chính quyền Biden về ATACMS sẽ không làm thay đổi tiến trình của cuộc chiến: “Để thực sự gây tổn thất cho Nga, Ukraine sẽ cần kho dự trữ ATACMS lớn, thứ mà họ không có và sẽ không nhận được vì nguồn cung cấp của Mỹ có hạn. Hơn nữa, trở ngại lớn nhất mà Ukraine phải đối mặt là thiếu nhân sự được đào tạo, một thách thức mà cả Mỹ và các đồng minh châu Âu của họ đều không thể giải quyết được”.
Tóm lại, quyết định từ phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa hơn của họ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga là một bước đi quan trọng trong nỗ lực củng cố sức mạnh quân sự của Kiev. Tuy nhiên, tác động thực sự của quyết định này sẽ phụ thuộc vào cách thức mà cả hai bên triển khai chiến lược của mình trong bối cảnh mới. Nếu Ukraine có thể tận dụng tốt khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, điều này có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trên chiến trường. Ngược lại, Nga cũng sẽ thích ứng và điều chỉnh chiến lược để bảo vệ các mục tiêu quan trọng trước mối đe dọa từ ATACMS hay Storm Shadow.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()