Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 22:09 (GMT +7)
Tác dụng khắp cơ thể khi uống 2-3 tách cà phê mỗi ngày
Thứ 4, 25/09/2024 | 16:29:07 [GMT +7] A A
Uống cà phê chừng mực có thể giúp giảm nhiều nguy cơ bệnh tật, từ đó tăng tuổi thọ.
Nhiều người phụ thuộc vào cà phê để tăng cường năng lượng, giúp tỉnh táo. Miễn là bạn không uống quá nhiều và hạn chế lượng đường, cà phê thực sự có thể tăng cường sức khỏe.
Các chuyên gia tại Đại học Tô Châu (Trung Quốc) phát hiện những người uống cà phê ở mức độ vừa phải (2-3 tách/ngày) giảm nguy cơ mắc các bệnh như đau tim, đột quỵ, tiểu đường loại 2, kháng insulin và gan nhiễm mỡ.
Trên The Conversation, Justin Stebbing, Giáo sư Khoa học Y sinh tại Đại học Anglia Ruskin (Anh), giải thích: "Cà phê chứa một số chất dinh dưỡng thiết yếu có lợi cho sức khỏe tổng thể như vitamin, kali, mangan, magie”. Vị giáo sư cho hay một số người hấp thụ nhiều chất chống oxy hóa từ cà phê hơn là rau quả.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ
Theo Giáo sư Stebbing, tiêu thụ cà phê ở mức độ vừa phải có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. "Các nghiên cứu chỉ ra rằng uống 1-2 tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ suy tim, tử vong", ông nói.
Các nhà khoa học cũng đưa ra giới hạn cần dừng khi uống cà phê. Nhóm chuyên gia trường Y khoa Zydus (Ấn Độ) cho biết uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim.
Trong khi đó, Đại học Semmelweis ở Hungary phát hiện những người uống cà phê điều độ có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 21% và nguy cơ tử vong vì bệnh tim thấp hơn 17%.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
Giáo sư Stebbing cũng ca ngợi tác dụng của cà phê với bệnh tiểu đường loại 2. "Cà phê có thể tăng cường khả năng xử lý glucose của cơ thể", ông giải thích, do đó tăng khả năng tránh được căn bệnh trên.
Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường có thể sống lâu hơn bằng cách thay thế đồ uống có đường bằng trà và cà phê.
Bảo vệ gan
Những lợi ích của cà phê dường như lan tỏa khắp cơ thể, bao gồm gan. Cà phê - cả loại thường và loại không chứa caffeine - dường như có tác dụng bảo vệ gan.
Giáo sư Stebbing giải thích cà phê có liên quan đến mức độ men gan khỏe mạnh hơn. Những người hay dùng loại đồ uống này có "nguy cơ mắc bệnh xơ gan và ung thư gan thấp hơn đáng kể".
Bên cạnh đó, Đại học Nam Carolina (Mỹ) cũng cảnh báo thêm đường vào cà phê có thể gây ra tác dụng ngược lại.
Giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư
Ung thư gan không phải là dạng bệnh duy nhất mà cà phê có thể ngăn ngừa. Giáo sư Stebbing lưu ý rằng loại đồ uống này có liên quan đến giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng và tử cung. "Một đánh giá có hệ thống cho thấy tiêu thụ nhiều cà phê có liên quan đến giảm 18% nguy cơ mắc ung thư", ông giải thích.
Các nhà nghiên cứu Italy năm ngoái ước tính rằng uống tới 5 tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do ung thư ruột kết.
Giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson và Alzheimer
Tiêu thụ cà phê cũng làm giảm khả năng mắc các bệnh thoái hóa thần kinh bao gồm các tình trạng như bệnh Parkinson gây run rẩy, cứng cơ, mất trí nhớ. "Caffeine trong cà phê có liên quan đến khả năng mắc bệnh Parkinson thấp hơn và giúp người đã mắc bệnh kiểm soát cử động của mình tốt hơn", Giáo sư Stebbing cho biết.
Nghiên cứu của Đại học Verona (Italy) phát hiện thường xuyên uống espresso có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer gây mất trí.
Thúc đẩy sức khỏe tinh thần
Giáo sư Stebbing thông tin: "Những người uống cà phê có nguy cơ mắc chứng trầm cảm thấp hơn, có thể lên tới 20%. Thống kê ghi nhận những người uống đều đặn cà phê mỗi ngày có khả năng tự tử thấp hơn 53%".
Giúp kéo dài tuổi thọ
"Với tất cả những lợi ích trên, không có gì ngạc nhiên khi nghiên cứu chứng minh những người uống cà phê có xu hướng sống lâu hơn những người không uống", Giáo sư Stebbing kết luận. Ông đề cập đến một nghiên cứu trên 400.000 người, kết quả cho thấy uống cà phê trong 12-13 năm có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn.
"Lợi ích về tuổi thọ này có thể do tác dụng tích lũy của các đặc tính bảo vệ của cà phê chống lại nhiều loại bệnh khác nhau", Giáo sư Stebbing cho biết.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()