Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 19/12/2024 20:06 (GMT +7)
Tác hại khi đốt nến thơm trong nhà
Thứ 2, 02/12/2024 | 22:36:05 [GMT +7] A A
Hiện nay, nhiều gia đình có sở thích đốt nến thơm hoặc tinh dầu để cảm nhận được hương thơm dịu nhẹ, khoan khoái trong nhà và xua tan những mùi khó chịu. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại có cách nhìn khác về việc sử dụng nến thơm khi đưa ra một loạt tác hại, ảnh hưởng từ loại sản phẩm này.
Mối lo ngại về sự an toàn của nến bắt nguồn từ các phản ứng hóa học xảy ra khi bạn đốt nến, cũng như các chất tạo mùi và tạo màu nhân tạo để tạo ra nhiều mùi hương khác nhau mà mọi người yêu thích.
Nến được sử dụng phổ biến nhất là loại làm từ parafin - một sản phẩm phụ khá rẻ và chủ yếu có nguồn gốc từ quá trình tinh chế dầu mỏ. Theo Hiệp hội Nến quốc gia ở Mỹ, parafin là loại sáp nến được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, một báo cáo gần đây cho biết các nhà bán lẻ lớn đang không hành động có trách nhiệm trong việc hạn chế các hóa chất độc hại và nhựa trong các sản phẩm được bán ra thị trường.
Tiến sĩ chuyên khoa phổi Sobia Farooq, Trợ lý Giáo sư lâm sàng tại Trường Y khoa Lerner cho biết không có kết luận chung nào cho thấy nến parafin có gây hại hay không cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên có một số nguy cơ liên quan khi xét đến các yếu tố như: loại và chất lượng nến, tần suất và thời gian đốt nến, không khí trong không gian đốt nến, tình trạng sức khỏe cơ thể.
Tiến sĩ Ariful Haque, bác sĩ tại Bệnh viện Yan'an trực thuộc Đại học Y khoa Côn Minh (Trung Quốc) cho biết khi đốt nến parafin sẽ giải phóng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hay còn được gọi là VOC - loại khí dễ bay hơi vào không khí ở nhiệt độ phòng.
Theo Hiệp hội Phổi của Mỹ, những hợp chất này thường được thải ra từ sơn, sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm, chất làm mát không khí, khí thải xe hơi, các thiết bị đốt nhiên liệu như bếp gas… Một số VOC có hại khi tồn tại độc lập, trong khi những hợp chất khác có thể phản ứng với các loại khí để tạo thành các chất gây ô nhiễm trong không khí.
Một trong những hợp chất VOC thường thải ra từ nến là toluene – một chất lỏng bay hơi trong suốt, không màu, có mùi đặc trưng và thường có trong dầu thô. Toluene được một số cơ quan quản lý của Mỹ như: Cơ quan Bảo vệ môi trường, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Cơ quan Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, xếp vào loại chất gây hại khi đạt đến một mức độ nhất định. Bác sĩ Haque cho biết loại chất này có thể ảnh hưởng tới thần kinh, gây tình trạng chóng mặt, đau đầu hoặc các tác động nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc kéo dài.
Bác sĩ Haque cũng cho biết benzen, một chất gây ung thư, cũng là một VOC khác được giải phóng từ nến parafin. Tiếp xúc lâu dài với hóa chất này có nguy cơ bị các vấn đề rối loạn về máu như bệnh bạch cầu. Khi hít phải, benzen cũng có thể gây kích ứng đường hô hấp.
Nến parafin cũng thải ra hợp chất VOC là hydrocarbon thơm đa vòng, có chứa benzen và formaldehyde, một chất gây ung thư khác ở người.
Tiến sĩ Sarah Evans, Trợ lý Giáo sư y học môi trường và khoa học khí hậu tại Trường Y Icahn thuộc Đại học Mount Sinai cho biết nhiều nghiên cứu đã đánh giá lượng khí thải từ khiến chất lượng không khí giảm xuống và làm tăng nguy cơ hít phải các hóa chất đáng lo ngại.
Theo một nghiên cứu mô phỏng việc sử dụng trong nhà vào tháng 4/2015, một số bằng chứng cũng cho thấy nến có thể thải ra chất độc ngay cả khi không thắp sáng.
Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ VOC trong không khí không quá đáng quan ngại khi đối chiếu với ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại cho thấy điều ngược lại. Trong nghiên cứu tháng 4/2015, nồng độ formaldehyde phát ra từ một ngọn nến thơm mùi dâu tây đang cháy lên tới 2.098 phần tỷ, vượt xa ngưỡng an toàn chỉ từ 0 đến 400 phần tỷ - ngưỡng được nhiều bên thừa nhận là có thể chấp nhận được. Một ngọn nến thơm mùi kiwi-dưa hấu đang cháy có tổng nồng độ thải ra là 12.742 phần tỷ.
Hiện nay, nến làm từ sáp đậu nành, sáp ong hoặc stearin (dầu dừa hoặc mỡ động vật) thường được coi là an toàn hơn. Tuy nhiên, Tiến sĩ Evans nhận định bất cứ thứ gì bị đốt cháy đều thải ra các hóa chất có hại. Do đó đốt nến cũng đang thải ra VOC vào không khí, nhất là loại sáp parafin.
Nguy cơ phát thải chất độc hại cao hơn khi nến có mùi thơm hoặc đã nhuộm màu. Tiến sĩ Evans cho biết hương liệu nhân tạo cũng có VOC, bao gồm phthalate - có liên quan đến các vấn đề béo phì, suy giảm sự phát triển của hệ thống sinh sản… Trong nghiên cứu năm 2015 của vị Tiến sĩ này, nến không mùi cũng tạo ra một nồng độ độc tố đáng lo ngại nhưng thấp hơn so với nến có mùi thơm.
Tuy nhiên, phía Hiệp hội Nến quốc gia (NCA) ở Mỹ lại khẳng định rằng nến an toàn khi sử dụng trong gia đình. Quan điểm của hiệp hội dựa trên một nghiên cứu vào tháng 10/2021 bao gồm việc đốt 24 cây nến đậu nành và nến parafin, có mùi thơm và không mùi. Nhưng nghiên cứu này được xem là nỗ lực chung của NCA, Hiệp hội các nhà sản xuất nến châu Âu và Hiệp hội nến Mỹ Latinh, nhằm giúp duy trì sản lượng bán ra của nến.
Tiến sĩ Evans nhận định hầu như không có quy định nào về nến. Trên trang web của mình, NCA tuyên bố rằng các thành viên của mình tuân thủ các tiêu chuẩn ASTM International. Nhưng vị Tiến sĩ này cho biết tiêu chuẩn ASTM chỉ liên quan đến an toàn cháy nổ và bao bì, không liên quan đến thành phần nến. Bà Evans cho biết thêm rằng không có quy định nào yêu cầu dán nhãn đầy đủ nội dung nến và không có thử nghiệm của bên thứ ba để xác minh tuyên bố của nhà sản xuất.
Tiến sĩ Haque cho biết thêm, việc thiếu giám sát là lý do tại sao các công ty có thể dán nhãn nến là "làm từ đậu nành" ngay cả khi chỉ có một tỷ lệ nhỏ sáp là đậu nành, tùy thuộc vào khu vực và tiêu chuẩn dán nhãn.
Tiến sĩ Evans nhận định xét về tổng thể, có đủ bằng chứng cho thấy việc đốt nến trong nhà có khả năng gây hại cho sức khỏe. Một số hóa chất phát thải ra từ nến sẽ nhanh chóng thoát khỏi cơ thể trong khi một số khác có thể tích tụ theo thời gian. Những người dễ bị kích ứng nên cân nhắc khuyến nghị này, trong đó có những người mắc các vấn đề về hô hấp như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Lời khuyên của Tiến sĩ Evans còn áp dụng cho việc đốt tinh dầu – loại sản phẩm mà nhiều người đánh giá là vô hại. Bà nói rằng: “Một số nghiên cứu cho thấy sự khuếch tán của tinh dầu gây ra các vấn đề về hô hấp và ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng ra quyết định. Một số loại tinh dầu có độc đối với trẻ em và vật nuôi. Cũng có thể khó xác minh độ tinh khiết của các sản phẩm tinh dầu có thể chứa hỗn hợp các hóa chất độc hại. Giống như nến, tinh dầu không được quản lý hoặc thử nghiệm để đảm bảo chúng không chứa chất gây ô nhiễm”.
Các nhà khoa học cho biết nếu mọi người vẫn muốn tiếp tục sử dụng nến thì nên lưu ý một số vấn đề để giảm thiết rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe.
Nếu có thể, hãy chọn những cây nến được dán nhãn là 100% sáp đậu nành, sáp ong hoặc sáp stearin. Đảm bảo sợi lõi nến làm bằng cotton, gỗ hoặc sợi tổng hợp và không có lõi làm bằng kim loại bao gồm chì hoặc kẽm. Nếu cần thiết phải sử dụng nến thơm thì hãy tìm loại nến có tinh dầu hoặc nến có nhãn không chứa phthalate, tránh sử dụng nến nhuộm màu. Sau khi sử dụng xong hoặc khi chưa sử nên đóng gói, cất kín.
Bên cạnh đó, người dùng cũng được khuyến nghị xem trang web của nhà sản xuất hoặc liên hệ với công ty để tìm hiểu thêm về thành phần. Tuy nhiên, một số thành phần, chẳng hạn như hương thơm, được coi là bí mật thương mại, vì vậy các nhà sản xuất có thể không tiết lộ từng loại hóa chất.
Đốt nến ở nơi thông gió tốt để giảm ô nhiễm không khí trong nhà từ VOC và khói. Giữ cho khu vực được thông gió sau khi thổi nến. Phòng để đốt nên cũng nên rộng rãi, nên sử dụng phòng khách hơn là phòng tắm.
Tránh những loại nến chất lượng thấp, thường là loại nến có giá rẻ vì có thể sử dụng sáp hoặc hương liệu thông thường. Khi đốt nến thơm, hãy đốt với một lượng nhỏ để tránh gây đau đầu hoặc kích ứng hệ hô hấp hoặc mắt. Không đốt nến xung quanh trẻ em, người đang mang thai hoặc người mắc bệnh về đường hô hấp.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()