Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 19:40 (GMT +7)
Tái khởi động dự án điện hạt nhân: Chuẩn bị các bước để đảm bảo an ninh năng lượng
Thứ 4, 27/11/2024 | 15:25:30 [GMT +7] A A
Cần nghiên cứu, chuẩn bị về quy định luật pháp, cơ chế, lựa chọn kỹ lưỡng về công nghệ, xây dựng các quy định, đào tạo lại nhân lực và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết khác… là ý kiến của nhiều chuyên gia xung quanh việc tái khởi động dự án điện hạt nhân.
Chú trọng chuẩn bị lộ trình từ chính sách đến con người
Dưới góc độ nhà nghiên cứu và tham gia đào tạo về điện hạt nhân, ông Lê Đại Diễn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã phát triển các nguồn điện nhằm đáp ứng sự nghiệp hiện đại hoá để đảm bảo an ninh năng lượng. Việc đa dạng hoá và cân đối tỷ trọng các nguồn năng lượng là rất quan trọng và điện hạt nhân cần phải tính đến trong dài hạn.
Chúng ta đã có chủ trương làm điện hạt nhân từ năm 2009 và dự kiến khởi công vào năm 2014 nhưng sau đó dừng lại vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề lo ngại về mức độ an toàn của điện hạt nhân. Tuy nhiên, cùng thời điểm với Việt Nam, Bangladesh đã ký với Rosatom của Nga để xây dựng 2 lò nguyên tử 1.200 MWe/tổ máy và dự kiến phát điện thương mại tổ máy đầu tiên vào đầu năm 2025. Công nghệ của nhà máy này cũng đã được chúng ta chấp thuận để xây dựng ở Ninh Thuận.
Theo ông Diễn, để đảm bảo an toàn khi phát triển điện hạt nhân, trước mắt cần có các bước đi thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng các bước về quy định luật pháp, cơ chế, kỷ cương và đặc biệt là giáo dục về an toàn, an toàn bức xạ và hạt nhân.
Cùng đó, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ cần tổ chức các diễn đàn có sự tham gia của các nhà khoa học từ các ngành kinh tế, kỹ thuật để định hướng và nâng tầm hiểu biết của người dân về an toàn cũng như các vấn đề kinh tế của điện hạt nhân. Ngoài ra, cần có chiến lược xây dựng, đào tạo, duy trì nguồn lực con người song hành với chương trình xây dựng Trung tâm công nghệ hạt nhân đã ký với Nga.
Để phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, theo ông Diễn, trước tiên cần có quyết tâm chiến lược dài hạn và thống nhất từ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, cần có sách lược trong ngắn hạn để duy trì khả năng sẵn sàng đáp ứng các cơ hội khi chúng ta lựa chọn được công nghệ tốt, an toàn và kinh tế và chọn được đối tác triển khai trong tầm ngắm chiến lược.
“Một dự án điện hạt nhân từ khi khởi động đến khi kết thúc vận hành kéo dài cả trăm năm nên phải hết sức thận trọng trong chọn đối tác. Chúng ta cũng trải qua một quãng thời gian nghiên cứu, triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Vì vậy, cần nghiên cứu, đánh giá lại các công việc mà chúng ta đã làm cho dự án Ninh Thuận trước đây để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí tiền bạc và nguồn lực. Những gì chúng ta đã làm được, kết quả đáng tin cậy cần được tiếp tục sử dụng. Những gì chúng ta làm chưa tốt thì cũng cần rút kinh nghiệm”, ông Diễn nói.
Cũng theo các chuyên gia ngành điện, việc kế thừa nghiên cứu các địa điểm và công nghệ điện hạt nhân đã nghiên cứu sẽ giúp dự án triển khai nhanh hơn. Cùng đó, cần có 5 yếu tố bắt buộc cần đưa vào trong luật để khởi động lại dự án điện hạt nhân nếu muốn triển khai dự án trong vòng 10 năm tới. Theo đó, việc đầu tiên cần thực hiện là phải đưa chính sách phát triển điện hạt nhân vào Luật Điện lực.
Việc thứ hai là phải giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành thực hiện việc khảo sát ngay tiềm năng về nhiên liệu điện hạt nhân ở Việt Nam cũng như địa điểm tiềm năng để triển khai. Một yếu tố quan trọng khác chính là tính toán chi phí đầu tư, giá thành điện hạt nhân ở mức ổn định, chấp nhận được cũng như cơ cấu tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng thể chung của quy hoạch điện. Việc đảm bảo môi trường, an toàn phóng xạ, quyết tâm triển khai trong dài hạn cũng là vấn đề cần cụ thể hoá trong các quy định pháp luật để triển khai các dự án điện hạt nhân.
Nhiều đầu việc cần triển khai sớm
Từng nhiều năm là Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực và có nhiều “duyên nợ” với điện hạt nhân, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng, thời gian qua chúng ta đã “phát triển nóng” về năng lượng tái tạo với tỷ lệ công suất trong hệ thống điện chiếm tới 26%. Tuy nhiên, điện năng chỉ chiếm khoảng hơn 12%. Khi tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, hoạt động vận hành của hệ thống điện cũng gặp khó khăn nhất định.
Bên cạnh đó, xu hướng giảm sử dụng năng lượng hoá thạch, giảm phát thải CO2 trong khi tăng trưởng sử dụng điện liên tục đạt 2 con số cũng đặt ra những thách thức trong việc tìm ra nguồn điện lớn, ổn định, đáp ứng được tăng trưởng phụ tải nhanh chóng. Vì vậy, việc trở lại nghiên cứu khởi động điện hạt nhân đang là ưu tiên do đảm bảo được dòng điện liên tục, không phụ thuộc thời tiết như các loại hình thủy điện, nhiệt điện hay năng lượng tái tạo. Việc song hành của điện hạt nhân với điện năng lượng tái tạo là định hướng nổi bật để đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong các năm tới.
Theo ông Sơn, việc phát triển điện hạt nhân cũng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp, kỹ thuật tại Việt Nam cũng như việc làm chất lượng cao và giúp tiếp cận công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển để nâng cao dần chất lượng nhân lực và kỹ thuật. “Điện hạt nhân là loại công nghệ cao liên quan đến uranium và phóng xạ. Trong giai đoạn đầu phát triển điện hạt nhân, các nước đều cho rằng Nhà nước cần độc quyền nắm giữ để tránh những sai sót có thể xảy ra”, ông Sơn nói.
Để hiện thực hóa dự án, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, từ cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực tới xây dựng các cơ chế an toàn hạt nhân nghiêm ngặt để quản lý chất thải hiệu quả. Các việc này phải thực hiện với chiến lược dài hạn, bài bản, thận trọng.
Các vấn đề khác như: đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; an toàn hạt nhân; năng lực hỗ trợ kỹ thuật; các chính sách về đào tạo và sử dụng nhân lực điện hạt nhân; đầu tư và thu xếp tài chính… cũng là những vấn đề cần chú trọng thực hiện sớm. “Trước mắt, quan trọng nhất phải xây dựng văn hóa an toàn hạt nhân là tiêu chí cứng cho mỗi nhân viên vận hành nhà máy, cũng như các cán bộ quản lý. Với công nghệ hiện nay, điện hạt nhân không phải lo ngại gì về xảy ra sự cố”, ông Sơn nhận định.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, điện hạt nhân là nguồn không phát thải khí nhà kính trong quá trình vận hành. Thế giới đã công nhận đây là nguồn năng lượng sạch. Theo kinh nghiệm thế giới, nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng khoảng 10%, vì vậy giá thành của điện hạt nhân phụ thuộc vào vốn đầu tư xây dựng. “Nếu chúng ta sử dụng vốn đầu tư hợp lý, tránh kéo dài thời gian xây dựng, điện hạt nhân sẽ có giá thành ổn định. Theo nhiều đánh giá, giá thành lâu dài sẽ tương đương mức giá điện than nhập khẩu hiện nay. Với công nghệ ngày càng cải tiến, giá thành điện hạt nhân sẽ còn hợp lý hơn nữa”, ông Sơn nói. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng 26 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất 30,3 triệu kWh. Trung Quốc cũng đang đứng đầu thế giới về đầu tư phát triển điện hạt nhân giai đoạn này.
Theo TPO
Liên kết website
Ý kiến ()