Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:02 (GMT +7)
Tại sao chúng ta nghiện mạng xã hội, ứng dụng mua sắm và game trên điện thoại di động?
Thứ 6, 01/10/2021 | 09:15:53 [GMT +7] A A
Không giống với các tệ nạn khác, nghiện kỹ thuật số tấn công cả những người trẻ tuổi, khỏe mạnh có gia đình yên ấm, học vấn ưu tú và tương đối giàu có.
Mạng xã hội, các ứng dụng mua sắm trực tuyến và trò chơi điện tử có cùng một công thức để khiến chúng ta bị nghiện: Chúng nhấn chìm người dùng trong những cơn lốc dopamine, khiến chúng ta thấy thoải mái và hạnh phúc mỗi khi bắt đầu mở ứng dụng.
Nhưng rồi hạnh phúc ấy nhanh chóng biến mất, các nhà thiết kế ứng dụng bắt đầu phải nghĩ ra nhiều chiêu trò để giữ chân chúng ta trên nền tảng. Ứng dụng mua sắm thì có các pop-up, nhúng vào các trò chơi điện tử và bốc thăm may mắn. Mạng xã hội thì có cơ chế tương tác, bình luận, giao diện cuộn vô cực với nội dung không bao giờ dừng lại.
Trò chơi điện tử liên tục tấn công thị giác người chơi bằng màu sắc và các hiệu ứng hình ảnh nhấp nháy như máy đánh bạc ở casino. Chúng cũng đánh vào cảm giác hạnh phúc dâng trào khi chúng ta chinh phục được một màn chơi mới hay cảm giác cần phải phục thù khi thua cuộc.
Theo Anna Lembke, một bác sĩ tâm thần đồng thời là giáo sư tại Đại học Stanford, sự bùng nổ của các ứng dụng di động và trò chơi điện tử ngày nay đang gây ra một làn sóng nghiện ngập mới. Chúng giống như một loại ma túy tinh thần, được tiêm bằng một ống tiêm dưới da chính là chiếc điện thoại di động lúc nào cũng có trong túi của mỗi người.
Càng ngày Lembke càng gặp phải nhiều bệnh nhân đến phòng khám của bà với triệu chứng trầm cảm, lo lắng thậm chí có ý định tự sát vì nghiện dopamine từ các ứng dụng kỹ thuật số. Dưới đây là trải nghiệm điển hình của bà với một bệnh nhân như vậy.
Dopamine và cân bằng nội môi
Đó là bệnh nhân của tôi, một cậu thanh niên ăn mặc chỉn chu, vẻ ngoài sáng sủa nhưng lại mắc chứng lo âu và trầm cảm suy nhược. Ngoài 20 tuổi, cậu ấy vừa bỏ học đại học, chưa đi làm và chỉ đang sống cùng với bố mẹ của mình.
Ở nhà, cậu ấy chỉ làm mỗi một việc là chơi điện tử, từ sáng đến tối và từ tối đến đêm muộn. Lờ mờ trong những lời bộc bạch của cậu ấy ở phòng khám, tôi có thể nhận ra một ý định tự sát mơ hồ.
Nếu như là 20 năm về trước, điều đầu tiên tôi sẽ làm cho một bệnh nhân như thế này là kê đơn thuốc chống trầm cảm. Nhưng hôm nay, với cậu thanh niên này, tôi đã đề nghị một phương pháp chữa trị hoàn toàn khác: Một đợt cai nghiện dopamine. Tôi khuyên cậu ấy hãy thử kiêng tất cả các thiết bị có màn hình, bao gồm cả trò chơi điện tử trong vòng một tháng.
Trong suốt sự nghiệp làm việc của tôi dưới tư cách là một bác sĩ tâm thần, càng ngày tôi càng gặp nhiều bệnh nhân bị trầm cảm và rối loạn lo âu. Căn bệnh này tấn công cả những người trẻ tuổi, khỏe mạnh có gia đình yên ấm, học vấn ưu tú và tương đối giàu có.
Họ không gặp vấn đề chấn thương tâm lý, lệch lạc xã hội hay nghèo đói. Vấn đề đối với những người này là họ có quá nhiều dopamine, một chất hóa học được sản xuất trong não có chức năng dẫn truyền thần kinh, nhưng cũng liên quan đến cảm giác vui vẻ, hưng phấn và tưởng thưởng.
Khi chúng ta làm điều gì đó mà chúng ta thích thú — ví dụ như chơi trò chơi điện tử trong trường hợp bệnh nhân của tôi — não bộ chúng ta sẽ tiết ra một ít làm chúng ta cảm thấy dễ chịu.
Nhưng một trong những khám phá quan trọng nhất mà các nhà khoa học thần kinh đạt được trong 75 năm qua, đó là niềm vui và cảm giác đau được não bộ xử lý trong cùng một bộ phận. Nếu coi đó là một cán cân, một bên là niềm vui và một bên là niềm đau, thì trong mọi thời điểm, bộ não luôn cố gắng giữ cả hai ở trạng thái thăng bằng.
Bất cứ khi nào cán cân nghiêng về một phía, não sẽ cố gắng khôi phục sự cân bằng trở lại. Đây chính là thứ mà các nhà khoa học thần kinh gọi là sự cân bằng nội môi.
Ngay sau khi dopamine được giải phóng, não sẽ thích ứng với nó bằng cách giảm hoặc "điều hòa" số lượng các thụ thể dopamine được kích thích. Điều này làm cho niềm vui của bạn nhanh chóng tan biến.
Cơ chế cân bằng nội môi sẽ ép bạn phải bình tĩnh trở lại bằng cách nghiêng cán cân về phía cảm giác đau. Đó là lý do tại sao khoái cảm cực điểm thường đi kèm với cảm giác nôn nao hoặc đôi khi khiến bạn nôn.
Trong trường hợp này, nếu bạn biết về cân bằng nội môi và kiên nhẫn chờ đợi đủ lâu, cảm giác nôn nao ấy sẽ qua đi và bạn sẽ thấy mình bình tĩnh trở lại. Nhưng những người không biết đến cơ chế đó thường lựa chọn một cách khác để khôi phục tâm trạng. Họ tiếp tục khai thác nguồn khoái cảm ấy, quay lại với hoạt động đã đem lại dopamine và bị chìm đắm trong cái vòng luẩn quẩn khi cán cân liên tục bị đẩy qua đẩy lại.
Nếu chúng ta cứ làm như vậy hàng giờ mỗi ngày, trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, điểm thiết lập của não để đạt được khoái cảm sẽ thay đổi. Bây giờ chúng ta cần tiếp tục chơi game, không phải để cảm thấy thích thú mà chỉ để cảm thấy bình thường.
Ngay sau khi dừng lại, chúng ta gặp phải các triệu chứng phổ biến của tình trạng cai nghiện, giống như bất kỳ người nào bị nghiện chất kích thích, ma túy, rượu chè hay cờ bạc. Chúng ta sẽ thấy lo lắng, khó chịu, mất ngủ. Lúc nào chúng ta cũng sẽ bứt rứt hay thèm muốn quay trở lại hoạt động đã đem lại dopamine cho não bộ của mình.
Nghiện kỹ thuật số và cách thoát khỏi nó
Điểm cân bằng dopamine trong bộ não chúng ta đã được thiết lập từ hàng triệu năm trước, trong một thế giới mà thú vui thì khan hiếm còn nguy hiểm và niềm đau luôn rập rình hiện hữu. Vấn đề ngày nay là chúng ta không còn sống trong thế giới đó nữa. Thay vào đó, chúng ta đang sống trong một thế giới thừa thãi những trò vui.
Số lượng, sự đa dạng và hiệu lực của các loại ma túy tinh thần, những hành vi tăng cường dopamine cho chúng ta chưa bao giờ nhiều và mạnh được như bây giờ. Ngoài các chất gây nghiện như đường và opioid, còn có một loại nghiện hoàn toàn mới không tồn tại cho đến khoảng 20 năm về trước: nhắn tin, tweet, lướt web, mua sắm và cờ bạc trực tuyến.
Các sản phẩm kỹ thuật số này được thiết kế để gây nghiện, sử dụng đèn nhấp nháy, âm thanh ăn mừng và "lượt thích" để hứa hẹn những phần thưởng lớn hơn bao giờ hết chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Thế nhưng bất chấp việc tiếp xúc ngày càng nhiều với tất cả các loại ma túy tinh thần tạo cảm giác dễ chịu này, con người vẫn không tìm được hạnh phúc mà còn khốn khổ hơn bao giờ hết. Tỷ lệ trầm cảm, lo lắng, đau đớn về thể xác và tự tử đang gia tăng trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia giàu có.
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới xếp hạng 156 quốc gia theo mức độ hạnh phúc mà người dân của họ cảm nhận được, người Mỹ cho biết họ cảm thấy ít hạnh phúc hơn vào năm 2018 so với năm 2008. Các quốc gia giàu có khác cũng có mức giảm điểm số hạnh phúc tương tự bao gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Nhật Bản, New Zealand và Ý.
Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy số ca trầm cảm trên toàn thế giới đã tăng 50% trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2017, với mức tăng cao nhất ở các khu vực có thu nhập cao nhất, đặc biệt là Bắc Mỹ.
Thật khó để nhìn thấy đâu là nguyên nhân đâu là kết quả khi chúng ta đang bị cuốn vào vòng luẩn quẩn theo đuổi dopamine. Chỉ sau khi ngừng sử dụng loại ma túy tinh thần ấy, chúng ta mới có thể thấy tác động thực sự của việc tiêu thụ chúng đối với cuộc sống của mình.
Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu bệnh nhân của mình từ bỏ trò chơi điện tử trong một tháng, đủ thời gian để não bộ cậu ta thiết lập lại điểm cân bằng dopamine. Phương pháp điều trị này không dễ dàng một chút nào, nhưng cậu ấy đã bị thuyết phục bởi ý tưởng phản trực giác rằng: Kiêng những thứ đem lại cảm giác dễ chịu trong thời gian ngắn có thể giúp cậu ấy cảm thấy tốt hơn về lâu về dài.
Đợt điều trị này cuối cùng đã kết thúc trong sự ngạc nhiên của cậu ấy. Chàng thanh niên bây giờ đã cảm thấy hạnh phúc hơn so với bản thân mình vài năm trước. Cậu ấy ít lo lắng và ít trầm cảm hơn. Chỉ sau một tháng kiêng chơi điện tử, bệnh nhân của tôi thậm chí có thể quay trở lại chơi các trò chơi một cách lành mạnh.
Bằng cách giới hạn nghiêm ngặt thời gian chơi của mình, không quá hai ngày một tuần, hai giờ một ngày, cậu thanh niên bắt đầu không còn bị trò chơi chi phối. Các ảnh hưởng tiêu cực từ việc chơi điện tử biến mất khi cậu ấy khôi phục được sự cân bằng dopamine trong não mình giữa các lần chơi.
Tuy nhiên, tôi đã phải khuyên bệnh nhân của mình tránh những trò chơi điện tử quá mạnh, những trò chơi mà cậu ấy không thể ngừng chơi một khi đã bắt đầu. Cậu ấy cũng sử dụng riêng một máy tính xách tay để chơi game, một chiếc máy tính xách tay khác để học tập trở lại. Điều này sẽ giữ cho việc chơi game và bài tập trên lớp được tách biệt về mặt vật lý.
Cuối cùng, cậu ấy cam kết chỉ chơi điện tử với bạn bè, không bao giờ chơi với người lạ. Đây là cách để biến việc chơi game trở thành một hoạt động tăng cường kết nối xã hội. Bản thân sự kết nối giữa con người với con người cũng đã là một nguồn dopamine mạnh mẽ.
Đến đây, điều mà tôi muốn nói là không phải ai cũng bị nghiện trò chơi điện tử, nhưng hầu như tất cả chúng ta ngày nay đều bị dính vào một loại ma túy kỹ thuật số nào đó. Đa số các loại ma túy này có liên quan đến việc sử dụng điện thoại thông minh, và chiếc điện thoại giờ giống như những ống tiêm dưới da của thời đại trước.
Nếu bây giờ tôi bảo bạn hãy tiết giảm thời gian sử dụng điện thoại di động của mình, điều này tất nhiên là rất khó. Ban đầu, việc ngừng mó máy chiếc điện thoại sẽ khiến cán cân nội môi trong não bạn nghiêng về phía cảm giác đau. Bạn sẽ thấy bồn chồn, bứt rứt không yên. Những người khác có thể nhận ra bạn đang trở nên cáu kỉnh.
Nhưng nếu bạn tin vào não bộ của mình và duy trì được quá trình cai nghiện ấy đủ lâu, phần thưởng cho việc thiết lập lại điểm cân bằng dopamine sẽ rất xứng đáng. Tâm trí của bạn sẽ ít bận tâm hơn vào chiếc điện thoại, bạn sẽ giảm được cảm giác thèm muốn cầm nó lên và lướt qua những ứng dụng gây nghiện.
Cuối cùng, điều đó đem lại cho bạn một cơ hội hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống này, để sống trọn vẹn hơn trong từng khoảnh khắc. Bạn sẽ tìm thấy nhiều niềm vui bất ngờ, xuất phát từ những điều tưởng chừng nhỏ bé mà trước đây bạn chưa từng để ý, hoặc thậm chí đã bị lãng quên mỗi khi bạn chúi đầu vào màn hình điện thoại.
Theo genk.vn
Liên kết website
Ý kiến ()