Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:34 (GMT +7)
Tại sao đã hai thập kỷ trôi qua mà Bluetooth vẫn là công nghệ khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán?
Thứ 3, 12/07/2022 | 11:00:20 [GMT +7] A A
Trong suốt hai thập kỷ kể từ khi được đưa vào các sản phẩm đại trà, Bluetooth đã trở nên cực kỳ phổ biến, đến nỗi cả một thế hệ người tiêu dùng có lẽ chẳng còn nhớ được thế giới trước khi có nó trông ra sao.
Theo ước tính của ABI Research, sẽ có khoảng 5 tỷ thiết bị tích hợp Bluetooth được chuyển đến tay người dùng trong năm nay, và vào năm 2026, con số này sẽ tăng lên thành 7 tỷ. Bluetooth hiện diện trong mọi thứ, từ smartphone đến tủ lạnh và bóng đèn, cho phép ngày càng nhiều sản phẩm kết nối với nhau một cách dễ dàng và liền lạc. Mà khoan… thực ra không phải lúc nào cũng vậy đâu!
Dù phổ biến, công nghệ Bluetooth vẫn gây ra nhiều vấn đề đau đầu, ví dụ những rắc rối trong quá trình thiết lập một thiết bị mới để kết nối, chuyển đổi headphone giữa các thiết bị, hay đơn giản là ngoài tầm kết nối.
“Tôi vừa yêu lại vừa ghét Bluetooth” - theo Chris Harrison, giáo sư Tương tác Người - Máy tính tại Đại học Carnegie Melon. “Bởi một khi hoạt động tốt thì nó cực kỳ tuyệt vời, và khi không hoạt động, bạn chỉ muốn vò đầu bứt tóc mà thôi”.
“Người ta hứa hẹn biến Bluetooth thành một thứ liền lạc và dễ dùng nhất có thể. Không may là nó chưa bao giờ tiến gần đến mục tiêu đó” - ông nói.
Lý do vì sao lại như vậy? Hãy nhìn lại nền móng sơ khai của công nghệ giá rẻ này.
Sự trỗi dậy của Bluetooth
Bluetooth được đặt tên dựa theo vị vua người Scandinavi vào thế kỷ thứ 9, Harald “Blue tooth” Gormsson, người nổi tiếng vì chiếc răng sâu màu xám xanh, và là người liên kết Đan Mạch và Nauy vào năm 958 sau Công nguyên. Các lập trình viên đã chọn “Bluetooth” làm tên mã cho công nghệ không dây mà họ phát minh ra để kết nối các thiết bị gần nhau, và cuối cùng cái tên này cũng trở thành tên gọi chính thức!
Bluetooth khác với Wi-Fi ở chỗ có phạm vi ngắn - Harrison cho biết. Điều đó vẫn đúng cho đến ngày nay, khi mà người tiêu dùng ai cũng biết tùy chọn kết nối Bluetooth trên điện thoại và loa di động tiêu tốn khá ít năng lượng và chỉ có thể kết nối ở những khoảng cách hạn chế mà thôi.
Tín hiệu Bluetooth truyền đi ở những tần số chưa được đăng ký, tức về cơ bản là mở cho bất kỳ ai sử dụng, trái ngược với những tần số riêng được kiểm soát bởi các công ty như AT&T hay Verizon. Nhờ vậy quá trình phát triển công nghệ Bluetooth trở nên dễ dàng hơn và có khả năng ứng dụng rộng rãi hơn, nhưng kèm theo đó là một nhược điểm.
Bluetooh phải chia sẻ và cạnh tranh với một vài sản phẩm khác cùng sử dụng các dải tần chưa được đăng ký, như thiết bị giám sát trẻ em, điều khiển TV, và nhiều thứ khác, dẫn đến tình trạng nhiễu sóng, làm giảm hiệu quả của Bluetooth.
Harrison chỉ ra những lý do khác giải thích tại sao Bluetooth lại là một nỗi ám ảnh với người dùng, bao gồm những vấn đề về bảo mật có thể xảy ra khi truyền tải dữ liệu không dây.
Ví dụ, nếu bạn thiết lập một chiếc loa Bluetooth trong căn hộ của mình, bạn hẳn không muốn bất kỳ ai trong phạm vi 15 mét kết nối được với nó.
“Đôi lúc thiết bị sẽ tự động bật lên và ở chế độ sẵn sàng ghép đôi” - Harrison nói. “Đôi lúc bạn phải bấm đủ kiểu để đưa thiết bị vào chế độ này”.
Chưa hết, nhiều cơ quan chính phủ Mỹ đã khuyến cáo người tiêu dùng rằng sử dụng Bluetooth khiến thiết bị của họ đứng trước nguy cơ bị tấn công. Ủy ban Viễn thông Liên bang nước này từng cảnh báo rằng, giống như kết nối Wi-Fi, “Bluetooth có thể khiến dữ liệu riêng tư của bạn gặp rủi ro nếu không cẩn thận”
Có ít nhất một viên chức cấp cao của chính phủ Mỹ được cho là một người hoài nghi về Bluetooth: Phó Tổng thống Kamala Harris. Trong đoạn video Harris chúc mừng Tổng thống Joe Biden sau bầu cử, bạn có thể thấy bà này cầm headphone có dây trong tay. Theo Politico, Harris “từ lâu đã cho rằng headphone Bluetooth là một nguy cơ bảo mật”
Nhưng các doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn tin tưởng Bluetooth. Apple đã loại bỏ jack headphone truyền thống và giới thiệu cặp earbuds không dây kết nối Bluetooth rất được ưa chuộng của hãng, AirPods. Các công ty khác cũng đua nhau ra mắt các sản phẩm tương tự.
Một số “fan cuồng âm thanh”, những người luôn phàn nàn về việc Spotify có chất lượng chưa đủ tốt, cũng từ chối headphone Bluetooth vì lý do liên quan chất lượng âm thanh.
Dẫu vây, Harrison cho biết nhu cầu về Bluetooth không hề có dấu hiệu sụt giảm, và thừa nhận rằng bản thân ông dùng nó liên tục - khoảng “70% thời gian”
“Bluetooth chưa đạt đến đỉnh cao tiềm năng” - Harrison nói, dự báo rằng với sự phổ biến rộng rãi của IoT, hay các thiết bị thông minh kết nối với nhau trong phạm vi ngắn, thì đà tăng trưởng của Bluetooth sẽ chỉ có thể tăng lên mà thôi. “Bluetooth sẽ là chất keo dính liên kết mọi thứ lại với nhau”
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()