Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:15 (GMT +7)
Tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ các dự án trọng điểm
Thứ 3, 29/06/2021 | 07:25:06 [GMT +7] A A
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang ưu tiên tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình triển khai trên địa bàn tỉnh. Hướng phát triển kinh tế tuần hoàn này đang mang lại lợi ích kép không chỉ giảm thiểu tác động tới môi trường, cảnh quan, giảm áp lực độ cao đảm bảo an toàn cho các bãi thải mỏ mà còn tận dụng đất đá thải làm nguồn vật liệu san lấp lâu dài cho các dự án trọng điểm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 bãi thải mỏ lớn đang hoạt động tập trung tại các địa bàn: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và Đông Triều. Quy hoạch các bãi thải có độ cao từ 200m đến 300m. Theo tính toán, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý (chủ yếu nằm trên địa bàn Quảng Ninh) khoảng 1.210 triệu m3. Bên cạnh đó, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tổng Công ty Đông Bắc quản lý vào khoảng 268 triệu m3. Trung bình mỗi năm, các đơn vị ngành Than và Tổng Công ty Đông Bắc thải ra trên 150 triệu m3 đất đá thải mỏ không có khoáng sản đi kèm.
Thực tế thời gian qua, các đơn vị ngành Than đã có nhiều giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và hoàn nguyên các bãi thải, nhưng vẫn còn một số bãi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân lân cận và hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Một số bãi thải có độ cao từ 200 đến 300m như Bàng Nâu, Đông Cao Sơn... còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao, nhất là ở khu vực giáp ranh dưới chân bãi thải sau các đợt mưa lũ kéo dài. Do vậy, việc hạ thấp độ cao bãi thải mỏ than để làm vật liệu san lấp mặt bằng là yêu cầu bức thiết của tỉnh và ngành Than hiện nay.
Để giải quyết vấn đề này, từ cuối năm 2020, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu xây dựng Đề án “Tận dụng nguồn đất đá thải mỏ bỏ đi để làm vật liệu san lấp”. Bước đầu Đề án này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận chủ trương và đánh giá cao.
Cuối tháng 3/2021, những tấn đất đá thải mỏ đầu tiên từ khu vực vỉa 17 Cánh Tây thuộc Công ty CP Than Núi Béo (TP Hạ Long) đã được bốc xúc, phục vụ san lấp dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Theo kế hoạch, sẽ có 700.000m3 đất đá thải mỏ không có khoáng sản đi kèm sẽ tiếp tục được lấy phục vụ đắp đất nền đường dự án này, dự kiến phấn đấu trong năm 2021 sẽ hoàn thành dự án.
Bãi thải mỏ Bàng Nâu (TP Cẩm Phả) có diện tích rộng trên 435ha. Đây là nơi đổ thải đất đá của mỏ Công ty CP Than Cao Sơn thuộc TKV. Trung bình mỗi năm, sản lượng đổ thải tại bãi thải mỏ Bàng Nâu đạt khoảng 40 triệu m3 đất đá, đến nay đạt trên 150 triệu m3 (chiếm 50% sản lượng quy hoạch bãi thải). Hiện, tỉnh Quảng Ninh đề xuất phương án tận dụng đất đá bãi thải mỏ Bàng Nâu vận chuyển xuống cảng Khe Dây phục vụ các dự án trọng điểm huyện Vân Đồn và một số dự án khác trên địa bàn tỉnh.
Ông Đỗ Văn Kiên, Phó Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn cho biết: Trong khai thác than lộ thiên vấn đề bãi thải trở thành áp lực lớn cho các mỏ. Mặc dù hằng năm, đơn vị đều duy trì hệ thống phun dập bụi, đầu tư kè chắn bãi thải song vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, áp lực lớn tới môi trường. Bởi vậy, phương án chuyển đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng sẽ hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới môi trường.
Hiện nay, khu vực phía Tây của tỉnh đang triển khai thi công một số dự án trọng điểm như: Hạ Long Xanh, tuyến đường ven sông, dự án Khu công nghiệp Sông Khoai, Khu công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc cùng nhiều dự án khác tại TP Hạ Long... Những dự án này có vị trí nằm chủ yếu vùng trũng, nhu cầu khối lượng đất đá san lấp mặt bằng rất cao.
Theo tính toán của các ngành chức năng, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh cần từ 100 đến 150 triệu m3 đất đá phục vụ san lấp các dự án trên địa bàn. Trong khi đó, đất đá thải mỏ than đảm bảo chất lượng phù hợp sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, các khu công nghiệp.
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đánh giá: Trước đây, các khu vực nghiên cứu khai thác làm vật liệu san lấp mặt bằng thường là đất đồi, rừng nằm gần các khu đô thị, khu du lịch, khu di tích, Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long... nên việc khai thác làm giảm diện tích rừng; ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và phát triển du lịch. Do đó, việc tái sử dụng đất đá thải mỏ than thay cho khai thác, sử dụng đất đồi để làm vật liệu san lấp mặt bằng dự án, công trình là phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị ngành Than nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, đề xuất với Bộ để cấp phép các vị trí sử dụng đất đá thải mỏ phù hợp phục vụ san lấp mặt bằng.
Trong chuyến kiểm tra hoạt động khu vực bãi thải mỏ Bàng Nâu ngày 23/6 vừa qua, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc sử dụng đất đá thải mỏ là yêu cầu bức thiết của Quảng Ninh hiện nay, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời giảm áp lực, hạ độ cao cho các bãi thải mỏ, đảm bảo công tác môi trường, an toàn cho khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là trong mùa mưa bão.
Đồng chí yêu cầu Sở Xây dựng cần nhanh chóng phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và TKV nghiên cứu, xác định giá vật liệu đất đá thải mỏ tại một số vị trí phù hợp để các nhà đầu tư nghiên cứu lựa chọn. Việc xây dựng giá phải đảm bảo tính cạnh tranh so với các vật liệu san lấp khác trên địa bàn. Đồng thời quy trình và các thủ tục xin cấp phép cần đẩy nhanh tiến độ, tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bên.
Bạch Đằng
Liên kết website
Ý kiến ()