Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 03:05 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV Phiên thảo luận tại tổ: Trách nhiệm, tâm huyết và thẳng thắn
Thứ 2, 10/07/2023 | 18:45:00 [GMT +7] A A
Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV, trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu kỹ, phân tích, đánh giá về kết quả, cũng như tồn tại, hạn chế trong phát triển KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm, từ đó đề xuất những giải pháp sát thực để khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm. Cùng với đó, các đại biểu cũng tích cực tham gia góp ý vào các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết quan trọng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện.
Hiến kế cho mục tiêu 6 tháng cuối năm
Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu đều đồng tình, thống nhất cao với kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ những tháng cuối năm do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Theo đánh giá, mặc dù gặp những khó khăn nhất định, nhưng với ý chí và hành động, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kỷ luật, kỷ cương, nhất là sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh vẫn tăng cao, ước tăng 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, cao hơn 0,66 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng, đứng thứ 2 trong Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 cả nước.
Đặc biệt, các ý kiến đều bảy tỏ ấn tượng với số thu NSNN đạt 28.836 tỷ đồng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có những bất ổn, khó lường sau đại dịch Covid-19 và xung đột vũ trang giữa Nga - Ucraina. Trong đó, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI ước đạt 832,17 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy.
Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, tham gia Tổ thảo luận số 2, bày tỏ: Trong 6 tháng, Quảng Ninh đã đón tiếp và làm việc với hơn 30 đoàn nhà đầu tư, tăng cao so với những năm trước. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư rất yên tâm, tin tưởng lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến thân thiện, an toàn và hiệu quả trong chiến lược kinh doanh của mình. Trong đó, thu hút nhiều là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo theo đúng định hướng phát triển của tỉnh.
Cũng trao đổi về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN TP Hạ Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long, tham gia Tổ thảo luận số 1, cho rằng: Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhờ đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã hoàn thành gần xong mục tiêu cả năm về thu hút đầu tư với kết quả đạt 83% chỉ tiêu về vốn FDI và 102,4% chỉ tiêu về vốn trong nước. Qua đó, tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, để phấn đấu cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 2 con số theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đại biểu tham gia thảo luận tại các tổ đều cho rằng, cần phải có những giải pháp căn cơ, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, gắn với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và chi thường xuyên trong 6 tháng đầu năm nhận được sự quan tâm của các đại biểu tại các tổ thảo luận. Các đại biểu bày tỏ băn khoăn về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp và chi thường xuyên đạt thấp; đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý đối với 2 vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Tổ đại biểu TP Hạ Long, tham gia Tổ thảo luận số 1, đề nghị cần tập trung làm rõ vì sao chi thường xuyên lại đạt thấp, đặc biệt là chi cho 3 lĩnh vực y tế, giáo dục và khoa học công nghệ theo chỉ tiêu của Quốc hội trong khi ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ của tỉnh còn nhiều việc phải làm. Trong 177 xã, phường, thị trấn, Quảng Ninh có hơn 60 xã biên giới, miền núi, hải đảo, học sinh các địa phương cần ngôi trường khang trang, người thầy giỏi và cần có điều kiện để tiếp cận với nền giáo dục thông minh trong kỷ nguyên 4.0. Ngành y tế dù đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, nhưng vẫn cần phải tiếp cận công nghệ hiện đại của thế giới hiện nay để tạo ra dịch vụ chất lượng cao, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tương tự, ngành khoa học công nghệ cần được đầu tư để nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến…
Theo đại biểu Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, Tổ đại biểu TP Móng Cái, tham gia Tổ thảo luận số 4, hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh mới đạt 27%, thấp nhất trong các năm vừa qua. Để nâng cao hiệu quả trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu đề xuất các nhóm giải pháp sau: Công tác chuẩn bị đầu tư cần phải được triển khai tốt và phân định rõ; các dự án cho ứng vốn mà không có khối lượng thì điều chuyển nguồn vốn cho các dự án khác; tăng cường đánh giá, giám sát năng lực của các nhà thầu; tháo gỡ khó khăn cho các dự án cụ thể liên quan đến khu vực đổ thải, vật liệu san lấp.
Cùng trao đổi về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, tham gia Tổ thảo luận số 5, đề nghị HĐND tỉnh cần đi sâu vào phân tích nguyên nhân của những hạn chế trong chậm giải ngân vốn đầu tư công, từ đó có phương án khắc phục triệt để.
Nội dung thu ngân sách cũng được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đại biểu Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long, tham gia Tổ thảo luận số 1, bày tỏ sự băn khoăn đến một số khoản thu chưa đạt tiến độ, còn thấp trong khi nợ đọng thuế còn cao. Đại biểu đề nghị phải có giải pháp mạnh, quyết liệt hơn, nhất là thu thuế phí các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh cho thuê mặt bằng trên cơ sở tổng rà soát lại các hộ trên địa bàn, tránh bỏ sót.
Đại biểu Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Tổ đại biểu TP Uông Bí, tham gia Tổ thảo luận số 2, thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp. Về giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu đề nghị cần phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện. Về vấn đề tinh giản biên chế, phải có kế hoạch cụ thể ở từng cơ quan, đơn vị; trong công tác cán bộ, cần quan tâm nâng cao tinh thần dám làm, dám chịu, dám tham mưu đề xuất của cán bộ.
Đại biểu Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô, tham gia Tổ thảo luận số 3, khẳng định, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, cung cấp các dịch vụ công có chất lượng cao. Đặc biệt, tiếp tục củng cố niềm tin từ tỉnh đến cơ sở, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ; đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện; coi vướng mắc của doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị để tìm cách tháo gỡ và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và lấy “đầu tư công làm vốn mồi", dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội.
Sôi nổi tham gia ý kiến vào các dự thảo nghị quyết
Thảo luận về các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, các đại biểu trao đổi sôi nổi, bày tỏ rõ quan điểm, cũng như đề xuất nhiều giải pháp để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đại biểu Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, Tổ đại biểu TP Hạ Long, tham gia Tổ thảo luận số 1, bày tỏ nhất trí với nội dung điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương. Việc điều chỉnh theo hướng dự thảo của UBND tỉnh là khả thi vì các địa phương sẽ chủ động được công tác chuẩn bị đầu tư.
Đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần quan tâm hỗ trợ đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn, nhất là đối với vùng miền núi, biên giới, hải đảo, bởi hệ thống giao thông như mạch máu cơ thể. Đối với tỉnh hệ thống đường cao tốc, đường tỉnh, đường huyện được ví như những động mạch chủ đã được đầu tư đồng bộ trong những năm gần đây, tuy nhiên những mạch máu đi khắp cơ thể chính là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư từ nhiều năm nay đã xuống cấp chưa được sửa chữa, nâng cấp, cần phải quan tâm đầu tư để việc lưu thông được thông suốt, phục vụ cho sự phát triển KT-XH của các vùng miền trong tỉnh.
Cùng với đó, cần thiết phải xem xét hỗ trợ nâng cấp đô thị của một số địa phương đã được xác định trong lộ trình theo hướng hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, cân đối hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng miền, có trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát được đầu ra. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, gắn kết đô thị với nông thôn; gắn kết công nghiệp dịch vụ với nông thôn mới, đảm bảo tạo ra nguồn lực mới, động lực mới, không gian phát triển mới trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, chất lượng đời sống nhân dân.
Đối với dự thảo nghị quyết quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh, các đại biểu cho rằng việc ban hành nghị quyết là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN TP Hạ Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long, tham gia Tổ thảo luận số 1, chỉ rõ: Hiện nay, công tác phòng chống ma túy còn nhiều khó khăn, thử thách, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường; tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, là mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia; số vụ phạm pháp hình sự do người nghiện ma túy hoặc liên quan đến ma túy gây ra còn nhiều; tội phạm ẩn liên quan đến ma tuý còn rất lớn, tiềm ẩn những phức tạp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới; việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên gia tăng; công tác cai nghiện còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; công tác cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện… giảm dần và kiềm chế được các loại tội phạm ma túy, tiến tới đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng, nhất là tình trạng sử dụng ma túy trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến dự thảo nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 303/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025, các đại biểu đều khẳng định Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND ra đời đã giữ vai trò chủ đạo để tỉnh tạo ra động lực cho sự phát triển và chống được câu chuyện phân bổ vốn dàn trải. Mặc dù vậy, nghị quyết vẫn còn những bất lợi khi nhu cầu đầu tư của các địa phương là rất lớn, nhưng nguồn vốn của địa phương thì hạn chế, Do đó, việc điều chỉnh Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn không nên cào bằng, mà cần ưu tiên cho việc nâng cấp đô thị, hạ tầng giao thông nông thôn, nước sạch miền núi, để tạo ra những động lực mới.
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()