Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 08:15 (GMT +7)
Tận dụng nguồn phế thải xây dựng, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn
Thứ 7, 08/07/2023 | 07:56:47 [GMT +7] A A
Đầu tháng 5/2023, Bộ Xây dựng đã có công văn 1710/BXD-VLXD gửi Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn trình tự thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật có liên quan đến thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Theo đó, việc thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và làm vật liệu xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khuyến khích tại Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng và Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, việc sử dụng chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng có thể áp dụng tiêu chuẩn của một trong các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (theo khoản 5, Điều 65, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường). Bộ cũng thống nhất với chủ trương thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng của UBND tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, căn cứ khoản 8, Điều 64, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020, Bộ Xây dựng đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp theo quy định được thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng, đảm bảo công tác quản lý môi trường và tận thu nguồn chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản khai thác từ tự nhiên, đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thực tế cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nhiều dự án đầu tư công và quá trình xây dựng công trình của các hộ dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn phát sinh nhiều nguồn phế thải xây dựng, đất đá dư thừa đủ điều kiện làm vật liệu san nền. Tuy nhiên, việc sử dụng, tận thu nguồn vật liệu san lấp này còn một số vướng mắc, nhất là việc giải quyết các thủ tục hành chính còn lúng túng trong phân loại vật liệu xây dựng thông thường, phế thải đủ điều kiện làm vật liệu san lấp trong sử dụng vật liệu theo mô hình kinh tế tuần hoàn với khai thác đất từ các mỏ đất và đổ thải.
Để thực hiện mục tiêu kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, chống lãng phí gắn với bảo vệ môi trường bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển, tỉnh đã yêu cầu các địa phương, các ngành liên quan thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sử dụng đất đá rời, phế liệu phát sinh trong quá trình thi công các công trình, dự án và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là chủ động rà soát, phối hợp với các chủ đầu tư có liên quan để xác định trữ lượng, khối lượng đất đá rời, phế liệu từ hoạt động xây dựng các công trình, dự án đầu tư và các hoạt động kinh tế - xã hội - môi trường khác trên địa bàn đủ điều kiện làm vật liệu san lấp. Đồng thời, rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế của địa phương để nghiên cứu lựa chọn các vị trí phù hợp, chỉ đạo lập và phê duyệt phương án tạo lập, cải thiện nâng cao điều kiện canh tác đất sản xuất hoặc lưu chứa để tận thu khối lượng vật liệu dư thừa trên địa bàn. Tuy nhiên, phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, phù hợp với thực tế địa phương, không xung đột với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất. Cùng với đó, xây dựng phương án quản lý, thu gom tiếp nhận, phân loại và sử dụng các nguồn đất đá rời, đất màu bề mặt, phế liệu để thực hiện mục tiêu kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, đảm bảo các quy định về môi trường. Theo đó, tận thu triệt để khối lượng đất đá rời, phế liệu để sử dụng tạo lập đất đai nhằm cải thiện, nâng cao điều kiện canh tác đất sản xuất hoặc cải tạo xử lý ô nhiễm môi trường mà không làm thay đổi mục đích sử dụng đất của diện tích đất.
Quảng Ninh cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện điều tiết, luân chuyển đất đá rời, phế liệu, vật liệu dư thừa đến các dự án đầu tư phát triển, các hoạt động kinh tế - xã hội - môi trường trên cùng địa bàn và địa bàn lân cận để tiết kiệm, tránh lãng phí các nguồn tài nguyên, hoặc tiếp nhận, tập kết, lưu chứa, quản lý để tái sử dụng. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên theo mô hình kinh tế tuần hoàn; vừa đáp ứng được nhu cầu về san lấp mặt bằng, tiết kiệm kinh phí trong tạo lập cải thiện điều kiện canh tác đất sản xuất, cải tạo, phục hồi môi trường; vừa giải quyết, khắc phục tình trạng thâm dụng bãi chứa đổ thải, giảm thiểu ô nhiêm môi trường.
Tỉnh cũng giao các địa phương và sở, ban, ngành liên quan thường xuyên giám sát, trao đổi, hướng dẫn kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong hoạt động đầu tư nhằm tạo sự thống nhất, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công dựa vào khó khăn nguồn vật liệu đất đắp, vị trí đổ thải, lưu chứa vật liệu dư thừa để kéo dài thời gian thi công, giảm hiệu quả đầu tư các nguồn vốn.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()