Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 03/01/2025 14:23 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XIV Nhiều quyết sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Thứ 6, 19/04/2024 | 18:42:50 [GMT +7] A A
Sau 1 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp. Những chính sách vì dân đã được thảo luận, xem xét, quyết nghị tại kỳ họp, thể hiện trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND tỉnh, giải quyết những vấn đề cấp bách, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân.
Đảm bảo chặt chẽ, chất lượng, đúng quy định
Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong 1 ngày, song khối lượng công việc rất lớn, với 19 tờ trình, 14 dự thảo nghị quyết, 12 báo cáo thẩm tra được trình đều là những văn bản thực sự chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, đúng thẩm quyền, thể thức, nội dung. Chất lượng báo cáo thẩm tra tại kỳ họp được nâng lên, tập trung đánh giá, phân tích hạn chế, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị đối với từng nội dung dự thảo nghị quyết. Điều này cũng cho thấy sự trách nhiệm, chu đáo, công phu, kỹ lưỡng trong công tác chuẩn bị của các cơ quan soạn thảo, thẩm tra.
Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Vũ Thị Diệu Linh cho biết: Bám sát chỉ đạo, phân công của Thường trực HĐND tỉnh, tại Kỳ họp thứ 18, Ban Văn hoá - Xã hội thực hiện thẩm tra 3 nội dung thuộc lĩnh vực theo dõi. Ban đã trực tiếp khảo sát phục vụ công tác thẩm tra với các sở, ngành, địa phương liên quan để làm rõ những nội dung chính sách, nhất là chính sách an sinh xã hội tác động trực tiếp đến người dân. Trong báo cáo thẩm tra, Ban Văn hoá - Xã hội đưa ra những vấn đề cần giải trình, bổ sung làm rõ nội dung, mục tiêu chính sách đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật, sát với thực tế của địa phương, chẳng hạn như đề nghị cơ quan trình bổ sung làm rõ về mức hỗ trợ BHYT đảm bảo công bằng, khách quan, sát với thực tiễn; đề nghị làm rõ các giải pháp để kịp thời triển khai thực hiện đề án tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục trong năm học 2024-2025… Đây là những căn cứ quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận quyết định các nội dung trình tại kỳ họp.
Không chỉ trong công tác chuẩn bị trước kỳ họp, các bước, quy trình tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các tờ trình, dự thảo nghị quyết ngay tại kỳ họp cũng được HĐND tỉnh triển khai thực hiện chặt chẽ. Đối với những nội dung cử tri đặc biệt quan tâm như giải ngân vốn đầu tư công; chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố; chính sách hỗ trợ BHYT cho đối tượng người thuộc hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp... các đại biểu thảo luận sôi nổi, thẳng thắn nêu quan điểm, có tính phản biện cao. Chủ tọa điều hành gợi mở nhiều vấn đề cho các "tư lệnh" ngành giải trình, làm rõ vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Nhờ đó, các quyết sách được đại biểu HĐND tỉnh thông qua với tỷ lệ rất cao, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của cử tri, nhân dân với chính quyền.
Đại biểu Sẻn Thị Hỷ (Tổ đại biểu TP Móng Cái), Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn (TP Móng Cái) chia sẻ: Công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp thể hiện rất rõ sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành của Thường trực, các ban, tổ HĐND tỉnh và UBND tỉnh, cùng các sở, ngành để cùng hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Nội dung các báo cáo thẩm tra, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp ngắn gọn, nhưng nêu bật vấn đề cần giải quyết, như dự thảo Nghị quyết về quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT và chính sách quy định chính sách hỗ trợ BHYT cho đối tượng người thuộc hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025. Tất cả các ý kiến đại biểu HĐND tỉnh đều được tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, góp phần hoàn thiện các dự thảo và ban hành nghị quyết ngay sau cuộc họp.
Giải quyết những vấn đề thực tiễn đời sống nhân dân
Các nghị quyết được quyết nghị tại kỳ họp lần này đều là những nội dung quan trọng, khi đưa vào triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành phát triển KT-XH của địa phương, điều hành thu - chi ngân sách, nhất là đầu tư công, cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Điển hình như nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2024 và bổ sung cơ chế điều hành dự toán NSNN năm 2024. Theo nhiều đại biểu HĐND tỉnh, quyết sách có ý nghĩa quan trọng góp phần quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn NSNN; cơ cấu lại chi thường xuyên để dành nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển. Việc điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh để bổ sung kế hoạch đầu tư công ngân sách tỉnh sẽ tạo ra nguồn lực đầu tư cho các dự án động lực, quan trọng, nhất là những dự án đối với y tế, giáo dục, không những tạo ra sự phát triển cho địa phương, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Nghị quyết quy định chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố và số lượng, chế độ, chính sách đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, khu phố; mức khoán kinh phí hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và kinh phí hỗ trợ hoạt động ở thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh được ban hành tại kỳ họp này cũng được nhiều đại biểu HĐND tỉnh và các cử tri đánh giá là phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Nhất là đặt trong bối cảnh Quảng Ninh là địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô số hộ gia đình tại các thôn, bản, khu phố ngày càng tăng, phát sinh nhiều vấn đề cần quản lý, quản trị tại khu dân cư…
Nghị quyết này đã cụ thể hóa quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP (ngày 10/6/2023) của Chính phủ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố; người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, khu phố; khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và tiếp tục kế thừa quy định về hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các thôn, bản, khu phố tại Nghị quyết số 207/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Các cơ chế, chính sách mới được quy định trong nghị quyết kịp thời hỗ trợ, động viên đối với người hoạt động không chuyên trách; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động của các thôn, khu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở và cộng đồng tự quản ở dân cư. Đặc biệt, khuyến khích người hoạt động không chuyên trách có năng lực, trình độ tham gia, gắn bó hoạt động ở cơ sở và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư.
Đại biểu Lưu Văn Thường (Tổ đại biểu Đầm Hà - Hải Hà), Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hải Hà, cho biết: Qua tiếp xúc giữa đại biểu HĐND tỉnh với các cử tri ở khu vực Hải Hà và Đầm Hà, đây là nội dung rất được quan tâm. Các cử tri đều mong muốn tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Chính sách này là phù hợp, động viên kịp thời đội ngũ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, khu phố tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, bản, khu phố phát huy vai trò, tăng cường hoạt động có hiệu quả.
Một trong những nghị quyết cũng được đông đảo cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm là việc quy định chính sách hỗ trợ BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025. Với mức hỗ trợ thêm 30% cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo và mức hỗ trợ thêm 50% đối với đối tượng hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình được quy định trong nghị quyết, chính sách này khi đưa vào thực hiện góp phần tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giữ vững và nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 8 (phường Hà Phong, TP Hạ Long) Nguyễn Văn Bội cho rằng: Khu phố 8 hiện có 125 hộ dân, với trên 900 nhân khẩu chủ yếu làm nông, lâm, ngư nghiệp. Tỉnh có chính sách quy định mức hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo và hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình sẽ giúp các hộ dân trong khu được cải thiện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, từ đó yên tâm lao động, sản xuất.
Để nghị quyết có hiệu lực và hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống, tại phiên bế mạc kỳ họp, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả khâu tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu theo phương châm “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” và tinh thần "5 thật, 6 dám, 5 rõ"; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, sâu sát cụ thể từ tỉnh tới cơ sở các chủ trương của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó có các nghị quyết vừa được quyết nghị thông qua tại kỳ họp này. Phấn đấu hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2024 và chủ đề “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Thu Chung - Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()